Còn sức là còn làm từ thiện

Doanh nhân, Cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Đức Lạc là Ủy viên Ban Chấp hành Hội CCB tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp CCB tỉnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hải Phương.

Năm 2022, ông được UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tặng thưởng danh hiệu Công dân tiêu biểu. Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, Nguyễn Đức Lạc đã vượt khó vươn lên kinh doanh giỏi, tích cực hoạt động thiện nguyện, tỏa sáng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ...

Đầu năm 2023, nhận lời mời của Hội Doanh nhân-Hội Nhà báo Thái Lan, tôi và CCB Nguyễn Đức Lạc xuất ngoại tới tỉnh Chiang Mai hiền hòa, tươi đẹp. Nửa chừng của chuyến đi, do sức khỏe không thuận, chúng tôi đành chấp nhận sự dang dở các dự định giao lưu học hỏi kinh nghiệm, mở rộng thương trường. Trên đường trở về Vũng Tàu, anh nói:

- Chờ sức khỏe thật ổn, ta lại lên đường. Đất và người Chiang Mai nghĩa tình, nhiều kinh nghiệm về thương trường và hoạt động xã hội, thiện nguyện!

Doanh nhân, CCB Nguyễn Đức Lạc (bên phải) bàn giao Nhà tình nghĩa cho gia đình ông Võ Đình Quang ở TP Vũng Tàu, do ông Lạc tài trợ chính. Ảnh do nhân vật cung cấp

Doanh nhân, CCB Nguyễn Đức Lạc (bên phải) bàn giao Nhà tình nghĩa cho gia đình ông Võ Đình Quang ở TP Vũng Tàu, do ông Lạc tài trợ chính. Ảnh do nhân vật cung cấp

Cảm kích trước những đóng góp của Nguyễn Đức Lạc cho xã hội, một “ông đồ” ở Vũng Tàu đã tặng anh đôi câu đối: “Cha mẹ tạo nền tay trắng dựng xây bền quả phúc/ Cháu con kế nghiệp bút hoa tô điểm đẹp gia phong”. Đôi câu đối được anh treo trang trọng ở từ đường, cũng là phòng khách tụ họp anh em, con cháu, nhớ ơn công đức tổ tiên, đấng sinh thành; nhắc nhớ bản thân rèn tâm sáng, lòng trong, làm tròn trách nhiệm xã hội.

Để có sự đồng thuận cao ngay từ trong gia đình, Nguyễn Đức Lạc đã tâm sự với vợ và các con: "Thuở hàn vi nhà ta chạy ăn từng bữa, quả mướp chia 3 nấu canh húp nước 3 lần. Nay bằng sức lao động, mồ hôi và nước mắt, có của ăn của để. Nhà ta đồng lòng dành khoản tiền cần thiết làm công tác xã hội, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, trẻ em cơ nhỡ không nơi nương tựa, tặng quỹ học bổng cho trẻ em nghèo hiếu học, hỗ trợ gia đình chính sách, gia đình đồng đội CCB có hoàn cảnh khó khăn".

Gọi Nguyễn Đức Lạc là doanh nhân, quá đúng! Gọi là ông giáo Lạc cũng chuẩn luôn, bởi nghề của ông là làm thầy, từng tốt nghiệp cử nhân Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Khoa Anh ngữ.

Năm 1972, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước sắp bước vào giai đoạn quyết định. Sinh viên sư phạm Nguyễn Đức Lạc và bạn bè cùng trang lứa xung phong ra trận. Anh được bổ sung vào Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng). Năm 1975, quân và dân ta đại thắng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tất cả như một giấc mơ vỡ òa. Nguyễn Đức Lạc tiếp tục có mặt ở vùng biển phương Nam, tham gia lực lượng bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Một vùng biển giàu đẹp, khí hậu ôn hòa, lắm tôm, nhiều cá, lòng biển có trữ lượng lớn dầu và khí. Một lần, cùng đồng đội tuần tra trên biển, dông lốc nổi lên, biển động, cá trích, cá nục, cá cơm ... từng đàn kéo đến, nhảy lên trắng xóa mặt nước. Nguyễn Đức Lạc ngắm nhìn không chớp mắt, mở ra ý tưởng cho cuộc mưu sinh, khởi nghiệp sau này...

Năm 1986, Nguyễn Đức Lạc rời quân ngũ. Cái khó lúc đó là cuộc chiến chống đói nghèo. Đất nước bước vào công cuộc đổi mới. Để có cuộc sống ổn định, vợ và con gái cùng “lật cánh” vào phương Nam. Ông Lạc quyết định táo bạo, đón bà nội tuổi bát thập cùng đi. Ông nội mất sớm, bà ở vậy tần tảo nuôi đàn con, đàn cháu. Cõng bà ra ga xe lửa Thanh Luyện, Hương Khê, Hà Tĩnh đi vào Nam, gặp ai ông cũng nói vui “cõng bà đi mở đất”, nghĩa cử đẹp tri ân đấng sinh thành, dưỡng dục.

Doanh nhân, CCB Nguyễn Đức Lạc kể:

- Thời đó gian nan lắm! Vợ chồng, bà cháu sống trong căn nhà nhỏ, chật chội, không tiện nghi. Cả nhà gom góp mua cái bàn bi-da để giữa nhà để bà nội canh chừng, có người vào ra cho bà đỡ buồn.

Ông Lạc nhớ rành rọt “thời gian biểu” của cả nhà lúc bấy giờ:

- Bốn giờ sáng, vợ chồng cuốc đất trồng rau, chăm chút đàn heo, đàn gà. Từ trưa đến chiều muộn, vợ chồng lại tất tả xuống biển nhặt tìm con tôm, con cá, cho thuê phao, dù phục vụ du khách. Tần tảo nhặt nhạnh từng đồng bạc lẻ mà đời sống vẫn cơ cực...

Thời gian nan ấy, ông Lạc được nhận vào làm ở Công ty Xuất nhập khẩu hải sản. Cuộc khởi nghiệp gắn với biển, với con tôm, con cá. Nhờ có vốn tiếng Anh từ thời học Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Nguyễn Đức Lạc được chọn làm phiên dịch. Người Nhật dày dạn kinh nghiệm thương trường. Được làm việc trực tiếp cùng họ, chịu khó quan sát, chưa biết thì học hỏi, Nguyễn Đức Lạc ngộ ra nhiều điều. Ngày đi làm, tối ghi nhật ký, không bỏ sót một chi tiết nhỏ nào về kinh nghiệm thương trường. Ông Lạc đã phát hiện ra công nghệ của thương lái trong bảo quản, đóng gói nhằm giữ cho hải sản luôn tươi mà không bị hao hụt trọng lượng, bí quyết thương trường của người Nhật.

Ước mơ thành lập công ty kinh doanh hải sản từng bước định hình và được xúc tiến nhanh gọn. Vợ chồng ông làm thủ tục vay vốn ngân hàng, cùng 1.000USD được ông thương gia Nhật Bản tặng, gom góp được khoảng 50 triệu đồng làm vốn liếng khởi nghiệp. Kinh doanh nhà hàng, buôn bán hải sản, xuất khẩu tôm một vốn bốn lời, doanh nghiệp Hải Phương của ông Lạc từng bước khẳng định thương hiệu.

Một người bạn hỏi Nguyễn Đức Lạc:

- Làm giàu có khó không? Hình như với ông vận may cứ đến không hẹn trước?

- Vậy là ông anh nhầm, không có gì dễ dàng, đồng tiền trung thực làm ra đổi bằng mồ hôi, nước mắt.

Doanh nhân, CCB Nguyễn Đức Lạc lý giải triết lý kinh doanh:

- Biết va đập, học hỏi và chớp thời cơ. Thời cơ chỉ đến một lần, không chớp lấy sẽ qua đi mãi mãi. Làm giàu bằng cái tâm, giữ trọn chữ tín, trung thực.

Những năm làm nghề xuất khẩu hải sản, va chạm với thương gia Hồng Công, Đài Loan (Trung Quốc), quen biết một số thương gia người Hoa ở Chợ Lớn, đã dạy thêm cho Nguyễn Đức Lạc nhiều bài học quý về thương trường.

Ra vùng Ninh Thuận, Bình Thuận mua tôm hùm chuyển về TP Hồ Chí Minh, Nguyễn Đức Lạc hơn người khác ở chỗ biết cách giữ cho con tôm luôn tươi sống để bán được giá, điều mà ông học được ở thương gia nước ngoài. Ông giao tiếp mua hàng không ăn xổi ở thì, không bon chen, không tranh mua, tranh bán; mua con tôm, con cá, con ốc, con sò... trả tiền sòng phẳng, có lãi cao thì du di thêm lợi nhuận cho bạn hàng, coi họ là bạn cùng làm ăn, cùng chia sẻ, cùng chịu rủi ro...

Nguyễn Đức Lạc tằng tằng một vốn bốn lời, thành công là nhờ vào bản tính nhanh nhạy, chịu khó và thật thà, thuận mua vừa bán. Bạn hàng gặp sự cố sức khỏe, hoạn nạn, ông bỏ tiền giúp đỡ, kết nghĩa đoàn viên. Cái tình, cái nghĩa là máu thịt của doanh nhân, CCB Nguyễn Đức Lạc.

Qua đoạn tôm hùm, ông Lạc chuyển qua buôn tôm sú giống. Một con tôm cái có trứng mua chỉ mấy trăm nghìn, nhưng mang ra Nha Trang (Khánh Hòa) có thể bán thu về tiền triệu. Một chuyến đi chỉ mang dăm ba con, thả trong hai chiếc can nhựa, dùng bơm cao su thả vòi vào can, bóp liên tục tạo ô xy cho tôm sống.

Nhớ thời cơ hàn, có tiền nhưng không tiêu xài phung phí như một số người mà chớp thời cơ mua đất, mua ruộng, mua ao rau muống để dành, mở cửa hàng; vị trí nào đắc địa là vợ chồng ông Lạc thu gom để dành, tích tiểu thành đại.

Ông tâm sự:

- Tôi tuổi cọp, ngồi lưng cọp là truy phong như khi lên yên ngựa. Chuỗi nhà hàng tiệc cưới Hải Phương tọa lạc trên khu đất rộng ở phường Rạch Dừa, TP Vũng Tàu có thể phục vụ mấy nghìn thực khách, tòa ngang, dãy dọc bề thế tựa một khu phố nhỏ. Trong lúc các nhà hàng khác thưa vắng, nhà hàng Hải Phương vẫn đông khách vì giá cả hợp lý, ngon, sạch, phục vụ tận tình.

Doanh nhân, CCB Nguyễn Đức Lạc tự hào:

- Mình là Bộ đội Cụ Hồ, sống và buôn bán phải dựa trên các giá trị đạo đức, nhân văn. Văn hóa doanh nhân là bệ đỡ để phát triển và tạo dựng thương hiệu.

Người ta nói, cuộc đời phải vượt qua nhiều gian khó bằng ý chí và nghị lực thì mới có trái tim yêu thương, sẻ chia với những người bần hàn, chung cảnh ngộ. Doanh nhân, CCB Nguyễn Đức Lạc có tình thương yêu bao la, giúp ai được điều gì là vui. Ai khó, ai thiếu thốn do hoàn cảnh riêng, do thiên tai, dịch bệnh là vợ chồng ông sẵn lòng giúp đỡ.

Những năm qua, doanh nhân, CCB Nguyễn Đức Lạc đã hỗ trợ, tài trợ chính và vận động các nhà hảo tâm, doanh nghiệp chung tay xây dựng được 20 căn nhà tình nghĩa cho đồng đội, gia đình chính sách, người có công... Bên cạnh đó, gia đình ông đã nhận nuôi dưỡng, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, cấp học bổng cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, hiếu học, giúp đỡ người nghèo... với tổng số tiền hơn 20 tỷ đồng.

Nói về các hoạt động thiện nguyện, ông chia sẻ thân tình: “Tôi quan niệm, cho đi là còn mãi. Giúp đỡ gia đình, thân nhân đồng đội mình, tri ân các gia đình chính sách, hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn... chính là cách đền ơn đáp nghĩa của Bộ đội Cụ Hồ trên trên mặt trận kinh tế. Còn sức, còn kinh doanh là còn làm từ thiện”.

PHẠM QUỐC TOÀN (Nguyên Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-15/con-suc-la-con-lam-tu-thien-780300