'Con tàu' Halal Việt Nam: Đã đi và sẽ tới

Với sự ra đời của Đề án 'Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030', Việt Nam đã và đang quyết tâm phát triển ngành Halal Việt Nam theo hướng bài bản, chuyên nghiệp, toàn diện.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đề xuất cụ thể về hợp tác Halal trong các cuộc tiếp xúc cấp cao, trong đó có Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim nhân chuyến thăm Việt Nam ngày 20/7/2023.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đề xuất cụ thể về hợp tác Halal trong các cuộc tiếp xúc cấp cao, trong đó có Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim nhân chuyến thăm Việt Nam ngày 20/7/2023.

Từ định hướng mang tầm quốc gia

Ngày 14/2/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030”.

Đây là đề án đầu tiên đưa ra định hướng lớn mang tầm quốc gia về huy động các nguồn lực quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam bài bản, chuyên nghiệp, toàn diện, giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu, hiệu quả vào chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm Halal toàn cầu.

Bên cạnh đó, Đề án còn tạo hướng đi mới trong triển khai công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, giúp khai mở thị trường Halal giàu tiềm năng có quy mô lên tới 10.000 tỷ USD trên phạm vi toàn thế giới vào năm 2028 và tạo thêm động lực mới cho phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam.

Rõ ràng, trong bối cảnh kinh tế quốc tế nhiều khó khăn như hiện nay, việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, khai mở thị trường mới, còn nhiều dư địa được coi là chìa khóa vàng để đẩy mạnh xuất khẩu Việt Nam và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế bền vững của đất nước.

Không những vậy, việc triển khai Đề án còn góp phần củng cố, làm sâu sắc hơn quan hệ của Việt Nam với các quốc gia tiêu dùng sản phẩm Halal quan trọng như Indonesia, Malaysia, Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE)… qua đó góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam trên bản đồ Halal toàn cầu.

Đến "thiên thời, địa lợi, nhân hòa"

Việt Nam có cơ hội ra sao trong thị trường Halal toàn cầu? Những góc nhìn sau đây sẽ góp phần trả lời cho câu hỏi đó.

Trước hết, thị trường Halal toàn cầu có quy mô rất lớn với khoảng gần 2 tỷ người vào năm 2023, chiếm gần 1/4 dân số thế giới và còn có xu hướng gia tăng.

Quy mô nền kinh tế Halal toàn cầu đạt tới trên 7.000 tỷ USD năm 2023 và dự kiến tăng lên mức khoảng 10.000 tỷ USD trước năm 2028. Thị trường tiêu thụ sản phẩm Halal phân bổ rộng khắp trên thế giới, từ các nước Hồi giáo đến phi Hồi giáo.

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng nhấn mạnh tại Giao ban Ngoại giao kinh tế về phát triển ngành Halal 11/2023: Đề án "Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030” có ý nghĩa quan trọng, lần đầu tiên đề ra định hướng lớn, tầm quốc gia về huy động nguồn lực quốc tế để phát triển ngành Halal Việt Nam bài bản, chuyên nghiệp, toàn diện.

Trong bối cảnh “thiên thời” đó còn có thêm các yếu tố “địa lợi, nhân hòa khác”. Phải kể đến là hiện nay, nhiều quốc gia là các thị trường tiêu dùng Hồi giáo hoặc xuất khẩu sản phẩm Halal lớn trên thế giới (như Hàn Quốc, Saudi Arabia, Indonesia, Malaysia…) quan tâm, mong muốn thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong đầu tư, phát triển ngành Halal tại Việt Nam để phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Về phần mình, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành Halal như vị trí địa lý thuận lợi, thế mạnh về nông nghiệp, thực phẩm, du lịch, dịch vụ; hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, toàn diện khi tham gia nhiều liên kết kinh tế hàng đầu khu vực, trong đó có các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Chính phủ Việt Nam cũng rất quan tâm tới việc khai mở và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia hiệu quả vào thị trường Halal toàn cầu.

Do đó có thể khẳng định rằng cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào thị trường Halal toàn cầu là rất lớn, không chỉ đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, phát triển du lịch, mà còn mở ra việc xuất khẩu các sản phẩm Việt Nam có thế mạnh về dược phẩm, mỹ phẩm… và thu hút đầu tư vốn, tài chính của các tập đoàn quốc tế, khu vực vào Việt Nam.

Qua đó, doanh nghiệp, địa phương Việt Nam Việt Nam có cơ hội nâng cao năng lực, khả năng cạnh tranh, chất lượng nguồn nhân lực và thúc đẩy chuyển giao công nghệ, nhất là công nghệ sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển... đạt tiêu chuẩn Halal.

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng chủ trì một cuộc giao ban về tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal tại Việt Nam, tháng 11/2023.

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng chủ trì một cuộc giao ban về tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal tại Việt Nam, tháng 11/2023.

Và... tinh thần triển khai xuyên suốt

“Tinh thần” Halal đã được triển khai thông suốt từ lãnh đạo cấp cao đến các Bộ, ngành, doanh nghiệp và địa phương Việt Nam thời gian qua.

Đích thân Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong các tiếp xúc cấp cao với các đối tác Halal tiềm năng đều đã nêu những đều xuất cụ thể liên quan đến hợp tác Halal.

Hội đàm với Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim nhân chuyến thăm Việt Nam ngày 20/7/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam sẵn sàng cung cấp nguồn gạo ổn định và lâu dài cho Malaysia, đồng thời đề nghị Malaysia hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp Halal và sớm ký văn kiện hợp tác trong lĩnh vực này.

Hay khi thăm Saudi Arabia tháng 10/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trực tiếp có các cuộc trao đổi với lãnh đạo, doanh nghiệp Saudi Arabia về các cơ hội hợp tác trong ngành Halal, mong muốn các nông sản của Việt Nam có mặt nhiều hơn tại hệ thống siêu thị của Saudi Arabia.

Trong phiên họp toàn thể về ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 cuối năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển ngành công nghiệp Halal.

Halal đã trở thành một trong các trọng tâm hợp tác giữa Việt Nam và một nước Hồi giáo như Brunei, Malaysia, Indonesia... Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã ký bản ghi nhớ MOU với Trung tâm Đo lường Quốc gia Iran (INSO), đánh dấu thỏa thuận đầu tiên mà Việt Nam ký kết với một đối tác nước ngoài trong lĩnh vực Halal.

Bộ Ngoại giao là cơ quan đầu mối, chủ trì, phối hợp với các bộ, ban, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong quá trình triển khai Đề án phát triển ngành Halal. Do đó, thời gian qua, phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong huy động các nguồn lực bên ngoài phục vụ cho phát triển, Đề án đã được Bộ Ngoại giao chủ động triển khai tích cực, đồng bộ.

Tháng 11/2023, lần đầu tiên, Bộ Ngoại giao phối hợp với các Bộ Khoa học Công nghệ, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị giao ban Ngoại giao kinh tế với các Cơ quan đại diện (CQĐD) Việt Nam ở nước ngoài theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến để cùng rà soát, trao đổi và đề xuất các biện pháp triển khai hiệu quả Đề án phát triển ngành Halal, góp phần đa dang hóa thị trường xuất khẩu và giúp sản phẩm Việt Nam thâm nhập thị trường Halal toàn cầu.

Thị trường Halal toàn cầu có quy mô rất lớn với khoảng gần 2 tỷ người, chiếm gần 1/4 dân số thế giới và còn có xu hướng gia tăng. (Nguồn: Orissa International)

Thị trường Halal toàn cầu có quy mô rất lớn với khoảng gần 2 tỷ người, chiếm gần 1/4 dân số thế giới và còn có xu hướng gia tăng. (Nguồn: Orissa International)

Trong nhiều cuộc họp liên quan tới triển khai Đề án, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng luôn nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm về tăng cường hợp tác quốc tế phát triển ngành Halal Việt Nam, khẳng định với tinh thần ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, Bộ Ngoại giao sẽ tích cực phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành, các cơ quan liên quan hỗ trợ, đồng hành cùng các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp để phát triển ngành Halal Việt Nam.

Có thể khẳng định, việc chủ động, tích cực triển khai Đề án và sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ban, ngành và cơ quan liên quan đã và đang góp phần xây dựng ngành Halal Việt Nam ngày càng bài bản, toàn diện và mạnh mẽ trong thời gian tới, đóng góp vào việc tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực tăng trưởng mới cho sự phát triển kinh tế toàn diện, bền vững và góp phần làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác thực chất, hiệu quả giữa Việt Nam với các đối tác.

Hơn một năm triển khai Đề án, hành trình phát triển ngành công nghiệp Halal của Việt Nam đã đạt được những thành quả nhất định, trong đó phải kể đến việc Halal đã trở thành một trong các trọng tâm hợp tác giữa Việt Nam và các nước Hồi giáo như Brunei, Malaysia, Indonesia... Ngày 9/8/2023, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng đã ký bản ghi nhớ MOU với Trung tâm Đo lường quốc gia Iran (INSO), đánh dấu thỏa thuận đầu tiên mà Việt Nam ký kết với một đối tác nước ngoài trong lĩnh vực Halal.

Rõ ràng, “con tàu” Halal Việt Nam đã lăn bánh thuận lợi và chắc chắn sẽ nhịp nhàng tiến về phía trước với những thành công vững chắc.

Vy Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/con-tau-halal-viet-nam-da-di-va-se-toi-274152.html