Sau vài ngày di chuyển từ Thái Lan, tàu Energy Observer đã xuất hiện tại Việt Nam và cập bến TP.HCM. Đây là loại tàu không phát thải, sử dụng 3 nguồn cung cấp năng lượng là Mặt Trời, nước biển và gió.
Energy Observer có thiết kế 2 thân giúp giảm sức cản nước. Tàu có chiều dài 30 m, rộng 12 m. Thủy thủ đoàn gồm có 10 người và chia thành 2 nhóm, mỗi nhóm sẽ luân phiên ở trên tàu trong một tháng.
Tàu có 2 cột buồm được điều khiển bằng điện hoàn toàn. Khác với nguồn năng lượng lấy từ Mặt Trời hay nước biển, năng lượng gió chỉ sử dụng trực tiếp và không thể lưu trữ.
Nhân viên trên tàu cho biết có tổng cộng hơn 200 tấm pin năng lượng được đặt trên thân tàu để nhận năng lượng từ Mặt Trời. Ghi nhận của Zing vào thời điểm 11h trưa, tổng năng lượng các tấm pin này thu được là khoảng 15 kW thông qua thiết bị đo ở trên tàu.
Có 3 loại pin năng lượng trên tàu, tùy thuộc vào vị trí lắp đặt sẽ sử dụng tấm pin khác nhau.
Các tấm pin này cho phép thuyền viên bước đi thoải mái phía trên. Đặc biệt, bề mặt tấm pin được làm gồ ghề giúp tăng khả năng hấp thụ ánh sáng.
Tàu có 2 buồng chứa khí hydro chia đều cho mỗi bên thân, sức chứa tối đa là 63 kg hydro. Khi được chứa đầy, nguồn năng lượng này có khả năng cung cấp điện cho gia đình 4 người trong vòng 1 tháng 10 ngày. Hydro được sản xuất trực tiếp trên tàu với nguyên liệu là nước biển.
Energy Observe là tàu nghiên cứu khoa học nên phần lớn không gian trên tàu đều tập trung cho các trang bị liên quan đến việc nghiên cứu.
Tàu vẫn có các thiết bị cần thiết như radar, camera cũng như hệ thống đèn định vị.
Bên trong tàu có màn hình kiểm tra và quản lý tất cả hệ thống trên tàu. Thuyền viên có thể nhận biết dễ dàng các hư hỏng hay vấn đề gặp phải của từng hệ thống thông qua màn hình này.
Tàu có các trang thiết bị phục vụ sinh hoạt hàng ngày như phòng bếp, nhà vệ sinh, phòng ngủ...
Chia sẻ với Zing, một thuyền viên của Energy Observer cho biết tàu sẽ được bảo dưỡng định kỳ mỗi năm một lần để phát hiện và sửa chữa các hỏng hóc. Theo kế hoạch, tàu sẽ tiếp tục cuộc hành trình đến khu vực Ấn Độ Dương, Brazil và Mỹ trước khi quay về Pháp vào năm 2024.
Vĩnh Phúc - Quỳnh Danh