Còn thiếu vắng tiêu chuẩn công chức
Hiện nay, mặc dù chính quyền địa phương 2 cấp đã đi vào hoạt động được một thời gian khá dài, nhưng một số địa phương cấp xã còn gặp nhiều khó khăn, thậm chí là lúng túng khi triển khai các công việc, phục vụ yêu cầu giải quyết công việc của người dân cũng như trong hoạt động quản lý, điều hành.
Trong đó, vấn đề khó khăn lớn nhất là thiếu đội ngũ công chức làm công tác chuyên môn, nhất là các nội dung công việc đòi hỏi chuyên môn sâu, chuyên nghiệp; các nhiệm vụ đòi hỏi phải kết hợp cả trình độ, nghiệp vụ lẫn kỹ năng công nghệ thông tin, sử dụng, thao tác, xử lý trên phần mềm, cơ sở dữ liệu chuyên sâu, đặc thù ngành.
Tuy vậy, sau sắp xếp, đến nay vẫn chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể, chi tiết về tiêu chuẩn, trình độ chuyên môn nghiệp vụ đối với đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Nhiều địa phương có ý kiến đề nghị hướng dẫn cụ thể thì cơ quan chức năng thường trả lời chung chung hoặc yêu cầu tiếp tục thực hiện quy định về tiêu chuẩn chuyên môn đối với cán bộ, công chức đã có trước đây...
Tuy nhiên, hiện nay khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp đã có rất nhiều nội dung mới về tổ chức bộ máy, vị trí việc làm cả công chức... Trong khi đó, thực hiện chủ trương phân cấp, phân quyền mạnh mẽ thì nhiều nhiệm vụ đã và đang được nghiên cứu để chuyển tiếp từ cấp tỉnh, cấp huyện xuống cho cấp xã thực hiện.
Từ đó, phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến vị trí việc làm, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, thẩm quyền thực hiện... dẫn đến lúng túng, khó khăn trong việc phân công công tác, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của cán bộ, công chức.
Điều này ảnh hưởng rất lớn đến khả năng hoàn thành nhiệm vụ của từng cán bộ, công chức, có thể dẫn đến sai sót nghiêm trọng khi thực hiện công tác chuyên môn hoặc giải quyết yêu cầu của công dân, tổ chức và đảm bảo pháp luật được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định.
Bên cạnh đó, việc thiếu quy định về tiêu chuẩn, trình độ chuyên môn đối với công chức chuyên môn cấp xã gây khó khăn trong việc sàng lọc, sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức theo đúng năng lực, sở trường, phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ được đào tạo.
Do vậy đã ảnh hưởng tiêu cực không chỉ đến hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền cấp xã trong việc phục vụ công dân, tổ chức mà ngay cả đối với cán bộ, công chức được giao thực thi nhiệm vụ chuyên môn. Bởi khi không được giao nhiệm vụ phù hợp với chuyên môn đào tạo sẽ gây ra tâm lý ức chế, tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ và rất khó có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Chính vì thế, cơ quan có thẩm quyền, nhất là các Bộ, ngành Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực cần có hướng dẫn cụ thể, chi tiết về tiêu chuẩn, trình độ chuyên môn đối với các công chức làm công tác chuyên môn ở cấp xã.
Điều này giúp chính quyền cấp xã thực thi nhiệm vụ thuận lợi, đảm bảo ổn định, bền vững và cũng có định hướng rõ ràng để thực hiện việc tuyển dụng công chức chuyên môn, cũng như có phương án đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với công chức hiện có.
Như vậy, sẽ góp phần đảm bảo chính quyền địa phương 2 cấp vận hành thông suốt, ổn định, hiệu quả không chỉ thời gian ban đầu mà liên tục về sau. Đồng thời, giúp địa phương có phương án điều chuyển công chức chuyên môn phù hợp tránh tình trạng cào bằng hoặc nơi thừa, nơi thiếu có thể xảy ra khi sắp xếp bộ máy.
Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/doi-song/con-thieu-vang-tieu-chuan-cong-chuc-156885.html