'Sức khỏe' của nền kinh tế được phản ánh ra sao từ thu ngân sách nhà nước?

Thu nội địa trong 6 tháng đầu năm nay đã đạt gần 70% dự toán năm, phản ánh sự phục hồi và phát triển kinh tế tích cực. Sự tăng trưởng vượt bậc này chứng minh những cải cách trong nước đang được Việt Nam thực hiện hiệu quả và nhanh chóng, có thể giảm thiểu những rủi ro về thuế quan, đưa kinh tế tiếp tục tăng trưởng đạt mục tiêu.

Sau khi Việt Nam công bố mức tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2025 đạt 7,52% – mức cao nhất trong hơn một thập kỷ, một số định chế tài chính quốc tế lo ngại rủi ro thuế quan và tín hiệu chững lại trong thương mại toàn cầu. Đã có những dự báo trái chiều về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Trong báo cáo mới nhất được đưa ra hôm 23/7, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt khoảng 6,3% trong năm nay và 6% trong năm tới. Trong khi đó, Ngân hàng Standard Chartered dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam ở mức 6,1% trong năm nay - thấp hơn đáng kể so với dự báo trước (6,7%). Trước đó, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam xuống còn 5,8% cho năm 2025 và 6,1% cho năm 2026.

Ngược lại, một số định chế tài chính quốc tế khác lại nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam. Cụ thể, Ngân hàng United Overseas Bank (UOB) đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2025 từ 6% lên 6,9%, sau khi kinh tế quý II tăng vượt kỳ vọng và các cuộc đàm phán thuế quan với Mỹ đạt kết quả tích cực.

Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN + 3 (AMRO) cũng nâng dự báo tăng trưởng năm 2025 của kinh tế Việt Nam lên 7%, cao hơn mức 6,5% đưa ra hồi tháng 4. CitiGroup nâng từ 6,6% lên 7%; Maybank nâng lên 7,3%.

Trong nước, Nhóm nghiên cứu của BIDV nâng dự báo cả năm 2025 lên 7,5-7,7% (kịch bản cơ sở) và 7,8-8,1% (kịch bản tích cực)…

Dù mới đi nửa thời gian của năm nhưng thu nội địa đã đạt gần 70% dự toán.

Dù mới đi nửa thời gian của năm nhưng thu nội địa đã đạt gần 70% dự toán.

Sự trái chiều trong dự báo cho thấy, yếu tố bất định còn lớn và khó khăn của nền kinh tế cũng còn nhiều. Và một trong những nguyên nhân xuất phát từ chính sách thuế quan của Mỹ, dự kiến chính thức áp dụng từ ngày 1/8 tới.

Theo Bộ Tài chính, Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo ra hàng triệu việc làm của người lao động Việt Nam.

Kết quả tính toán của Bộ Tài chính cho thấy, nếu trị giá hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ giảm 1% sẽ làm cho tăng trưởng GDP giảm 0,08 điểm %, trong đó tác động trực tiếp làm GDP giảm 0,07 điểm % và tác động gián tiếp, có nghĩa là tác động lan tỏa qua mối quan hệ liên ngành làm GDP giảm 0,01 điểm %.

Bên cạnh đó, giá xăng dầu cũng ảnh hưởng đến đến tăng trưởng kinh tế. Theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu giá xăng dầu trong nước tăng 10%, thì ảnh hưởng đến tăng trưởng khoảng 0,5%.

Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương về kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 và các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2025, được tổ chức giữa tháng 7, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hành các bộ, ngành, địa phương phấn đấu thực hiện theo kịch bản 2 (8,3-8,5%), tạo đà cho tăng trưởng năm 2026 đạt 10% trở lên.

Các chuyên gia khẳng định mục tiêu tăng trưởng 8,3-8,5% trong năm 2025 hoàn toàn có khả năng thực hiện. Bởi hiện nay, 3 động lực tăng trưởng truyền thống là đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu đang tăng trưởng tốt.

Đáng chú ý, hiện nay, thị trường nội địa đang được kích hoạt trở lại mạnh mẽ, thông qua các biện pháp tăng thu nhập khả dụng cho người dân, như tăng lương, giảm thuế và các gói kích cầu tiêu dùng.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ Tài chính đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp, bao gồm giãn, hoãn, miễn giảm thuế… nhằm kích cầu tiêu dùng. Việc giảm thuế VAT 2% là một ví dụ. Mới đây, Bộ Tài chính cũng đã đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh đối với thuế thu nhập cá nhân.

Hiệu quả rõ rệt nhất đó là mới hết 6 tháng đầu năm, Bộ Tài chính cho biết, nhiều khoản thu, sắc thuế đạt khá; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng, thị trường tài chính, tiền tệ ổn định. Công tác giải ngân vốn đầu tư có chuyển biến, triển khai các dự án trọng điểm quốc gia, khơi thông nguồn lực, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng.

Về thực hiện thu ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính cho biết đạt 1.332,3 nghìn tỷ đồng, bằng 67,7% dự toán, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm 2024. Đáng chú ý nhất là số thu nội địa trong 6 tháng đầu năm nay đã đạt gần 70% dự toán năm.

Cụ thể, đóng góp lớn nhất cho số thu nội địa là khu vực kinh tế ngoài quốc doanh với 258.739 tỷ đồng, bằng 70% dự toán năm. So với 3 khu vực kinh tế thì thu từ kinh tế tư nhân vượt tổng thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước và khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Tiếp theo là thu tiền sử dụng đất với 243.644 tỷ đồng. Nếu xếp về mức tăng thì thu tiền sử dụng đất đạt 96% dự toán, sắp cán đích cả năm dù mới thực hiện trong 6 tháng. So với cùng kỳ năm ngoái (đạt hơn 91.300 tỷ đồng) thì số thu tiền sử dụng đất nửa đầu năm nay cao hơn 2,6 lần.

Còn trong các sắc thuế, số thu thuế thu nhập cá nhân đứng top đầu với 125.054 tỷ đồng, bằng 69,3% dự toán. Bên cạnh đó, số thu từ hoạt động xổ số kiến thiết trong nửa đầu năm nay cũng đạt khá, với 32.195 tỷ, bằng 65,3% dự toán.

Nếu so sánh với cùng kỳ năm ngoái, số thu của hầu hết khoản thu, sắc thuế trong nửa đầu năm nay đều vượt từ 20-70%, thậm chí thu từ tiền sử dụng đất tăng hơn gấp đôi.

Nhiều tổ chức tài chính quốc tế đánh giá, bất chấp những rủi ro gia tăng từ sự bất ổn về thuế quan, việc các cải cách trong nước đang được Việt Nam thực hiện hiệu quả và nhanh chóng có thể giảm thiểu những rủi ro này, đưa kinh tế tiếp tục tăng trưởng đạt mục tiêu.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thue-ngan-sach/suc-khoe-cua-nen-kinh-te-duoc-phan-anh-ra-sao-tu-thu-ngan-sach-nha-nuoc-1108449.html