Con thuyền diều

Ông Mục Kỉnh và Bé Trán Dô, đó là những người của làng tôi - cái làng dù giống thì cũng không phải bất kỳ cái làng nào quý vị từng biết và những câu chuyện của hai ông cháu, dù có giống nhưng nhất định không phải chuyện quý vị từng đọc, từng nghe.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Nguồn: Internet.

Bao giờ cũng thế, khi kết thúc một câu chuyện, Bé Trán Dô thể nào cũng nì nèo: “Ngày mai ông lại kể chuyện tiếp ông nhé”. Ngày mai, khi ông Mục Kỉnh bắt đầu chậm rãi kể “... đã từ lâu lắm rồi...”, cô bé đã nhanh nhảu “từ thời ông nội của rất nhiều ông nội, ông nhỉ?!” và rồi hai ông cháu nhìn nhau cười. Cô bé cười lí lắc, ông Mục Kỉnh cười rung rung chòm râu bạc.

“Đúng rồi, đó là vào hồi ông Mục Kỉnh Tài Hoa. Ông có tận 10 cái hoa tay, viết chữ rất đẹp, làm thơ rất hay và nhất là biết làm rất nhiều đồ chơi...”. Tối hôm nay, hai ông cháu ngồi ngoài sân, gió từ sông thổi vào mát rượi, bầu trời lấp lánh ngàn vạn ngôi sao - bầy đom đóm của làng từ thuở nảo thuở nào sổ lồng bay lên, ông Mục Kỉnh bắt đầu câu chuyện, trong khi cô bé vừa nhấm nháp nửa bắp ngô nướng, vừa hóng từng lời.

“Năm ấy, làng ta mở hội thi thả diều để chọn ra con diều to nhất, đẹp nhất, bay cao nhất và sáo diều hay nhất”. “A phải rồi, năm ngoái ông với bố cháu cũng làm con diều rõ to, to như con thuyền vậy ông nhỉ?” - cô bé dang hai tay đo con diều trong trí nhớ, ngắt lời ông.

“Ừ, phải rồi. Nhưng chưa to bằng con diều của ông Mục Kỉnh Tài Hoa nhé... Hội thi diều năm nào ông Mục Kỉnh Tài Hoa cũng chiếm giải nhất, với nào những diều hộp, diều sâu, diều cá, diều sứa... sặc sỡ màu sắc cùng những cái đuôi thật là dài.

Năm đó, ông Mục Kỉnh Tài Hoa quyết định làm một con diều hình chiếc thuyền – mà thực ra đó là một cái... thuyền diều thì đúng hơn. Con diều cong cong, lòng diều to đến mức cả ông cháu mình ngồi lọt thỏm, lại có cả những cánh buồm màu đỏ trông đến là rực rỡ”.

“Đẹp quá ông nhỉ, thế rồi nó có bay cao được không ông?” - Bé Trán Dô sốt sắng.

“Ấy, ấy... bay chứ. Trước hôm thi, ông Mục Kỉnh Tài Hoa cùng các bạn mang diều lên đê làng thả thử. Mới mang thả thử thôi mà người làng đã đổ ra xem đông lắm. Phải mấy người mới nâng được con diều lên, còn ông Mục Kỉnh Tài Hoa thì phải nhờ thêm mấy người bạn mới chạy đà đưa con diều đón gió.

Thế rồi diều cao dần lên, cao dần lên, tựa như một con thuyền căng buồm lướt gió lên không trung vậy”...

“Thích quá... thích quá!” - Bé Trán Dô vỗ tay reo theo con thuyền diều rực rỡ trong miền ký ức - “Giá được ngồi trên thuyền mà bay lên tận chỗ bầy đom đóm làng mình ông nhỉ?”.

“Thì ông Mục Kỉnh Tài Hoa cũng có dự định đấy cháu ạ. Định là sẽ lên xem bầy đom đóm của làng sinh sôi thế nào, có bị đom đóm làng khác bắt nạt hay không. Chả thế mà ông ấy còn chuẩn bị thêm cả mấy bó rơm to, mấy bụi khoai môn, tính là mang lên cho bầy đom đóm có chỗ nghỉ ngơi ban ngày, tránh nắng mặt trời”.

“Thế nhưng, tiếc là...” - Ông Mục Kỉnh dừng giây lát, khiến cô bé ngẩn ra, quên cả nhai mấy hạt ngô thơm bùi trong miệng. “Tiếc là, lúc làm con diều, ông Mục Kỉnh Tài Hoa dùng cái dây nhỏ quá, chính ra phải dùng dây thừng ấy để neo diều. Và thế là, khi con diều no gió, vút lên trời cao, đến khi chỉ còn như một tờ giấy màu đỏ chao liệng trên không trung thì... Bựt” - Ông Mục Kỉnh giơ hai tay nhún vai đầy tiếc rẻ thốt lên, khiến Bé Trán Dô cũng buông thỏng bắp ngô.

“Con diều bị đứt dây cứ thế bay lên mãi, lên mãi cho đến khi chẳng còn thấy bóng dáng. Cũng từ đấy, ông Mục Kỉnh Tài Hoa buồn quá, không còn làm thêm con diều nào nữa”.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Nguồn: Internet.

“Ôi tiếc quá, giá không đứt dây, có lẽ con diều thuyền còn đến tận bây giờ, và ông cháu mình có khi còn được cưỡi nó đấy ông nhỉ. Chẳng biết bây giờ nó ở đâu rồi?” - Bé Trán Dô mơ màng.

“Ông đoán là nó vẫn ở trên trời, gần bầy đom đóm làng mình. Đấy, cháu cháu nhìn lên trời nhé, để ý kỹ chỗ Sông Ngân Hà ấy, có một vệt sáng nhỏ di chuyển, ấy là con thuyền diều của làng mình đang lướt đi trên đấy”.

Cô bé ngước nhìn hồi lâu, dõi theo đóm sáng nhỏ đang chầm chậm di chuyển, rồi quay sang ông quả quyết: “Lớn lên, nhất định cháu sẽ lên thăm thuyền diều và bầy đóm đóm. Bây giờ đi máy bay lên được tận trên đấy ông ạ”.

“Ừ, phải rồi, phải ăn nhiều chóng lớn, học giỏi để sau này được đi máy bay nữa” – Ông Mục Kỉnh đáp lời cô bé và kết thúc câu chuyện. Tất nhiên là Bé Trán Dô sẽ nhắc lại: “Mai ông lại kể chuyện tiếp, ông nhé!”, rồi lon ton chạy ra cổng - nơi mẹ cô bé đang đứng chờ.

Nguyên Phong

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/con-thuyen-dieu-32625.htm