Con trai Đại tướng Võ Nguyên Giáp: 'Ba dạy tôi học sử, đọc sách từ bé'
Ông Võ Hồng Nam - con trai của Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể rằng sinh thời dù bận rộn việc nước, Đại tướng dành thời gian dạy các con cách viết thư, đọc sách từ tấm bé.
Trong khuôn khổ Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2023, sáng 20/4 tại Hồ Văn (Văn Miếu - Quốc Tử Giám), NXB Chính trị quốc gia Sự thật giới thiệu bộ sách Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân do PGS.TS Vũ Trọng Lâm - Giám đốc, Tổng biên tập NXB chủ biên, đúng dịp mừng kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954-07/5/2024).
Ông Vũ Trọng Lâm cho biết cuốn sách xuất bản bằng tiếng Việt và song ngữ 5 thứ tiếng: Việt - Anh, Việt - Pháp, Việt - Tây Ban Nha, Việt - Trung, Việt - Ả Rập nhằm góp phần đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu của bạn đọc trong và ngoài nước về cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
“Đây là một ấn phẩm quý, một công trình vừa có giá trị khoa học, lịch sử, vừa hấp dẫn bạn đọc thông qua những tư liệu và hình ảnh quý, chân thực, khắc họa sinh động chân dung bình dị mà cao cả về Đại tướng. Cuốn sách tái hiện, làm nổi bật những sự kiện tiêu biểu, những bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Đại tướng”, ông Vũ Trọng Lâm nói.
Ông Vũ Trọng Lâm cho biết trong chuyến công tác ở Mỹ La tinh gần đây người dân nhiều quốc gia đều nhắc tới Hồ Chủ tịch và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tuy nhiên tư liệu sách lại chưa phong phú.
Tại lễ ra mắt bộ sách, BTC mời đại tá Trịnh Nguyên Huân - nguyên thư ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - giao lưu với độc giả. Nhớ về vị Đại tướng của nhân dân, ông Trịnh Nguyên Huân kể lại thời khắc gặp gỡ đầu tiên vào năm 1976. Trong lúc anh thượng úy Huân còn đang bối rối, Đại tướng hòa đồng, chủ động gọi ngay vào phòng làm việc, xưng hô thân mật là “anh Văn”.
Thư ký Trịnh Nguyên Huân nhỏ tuổi hơn con cả của Đại tướng nhưng trong suốt quá trình làm việc đều gọi ông bằng cái tên thân thương “anh Văn”. Ông khẳng định Bác Hồ đặt tên cho Đại tướng với ý nghĩa là người có trí tuệ, con người biết yêu thương người khác, bởi Bác quan niệm con người là quan trọng nhất. Vì thế ông rất tâm đắc với tựa sách Vị tướng của nhân dân, nói đúng về con người và vị trí của Đại tướng trong lòng nhân dân.
Ông Võ Hồng Nam bày tỏ niềm xúc động khi có mặt trong lễ ra mắt sách. Ông nhắc lại sự thiệt thòi của Đại tướng bởi không có nhiều thời gian bên người thân, từ khi sinh ra trong gia đình nhà nho sau đó phải đi học xa nhà. Sau này gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và dành cả cuộc đời cho hoạt động cách mạng, cho nên ngay cả khi những người thân hy sinh, Đại tướng cũng không có mặt.
Tự nhận khó nói về người cha kính yêu, ông Võ Hồng Nam kể rằng dù bận công tác nhưng Đại tướng luôn để ý đến việc chăm sóc sức khỏe của các thành viên trong gia đình.
“Vào ngày sinh nhật, kỷ niệm ngày cưới ba thường dặn con dâu mua hoa hồng nhung để tặng mẹ tôi. Ông bà cũng hay viết thư trong những chuyến công tác xa”, ông Võ Hồng Nam kể.
Trong số những điều được học từ người cha vĩ đại, ông Võ Hồng Nam nhớ nhất kỷ niệm được ba dạy cách viết thư từ khi học vỡ lòng, dù đó là việc khó đối với một đứa bé.
“Tôi còn nhớ khi ấy ba kẻ những dòng kẻ trên giấy để dạy tôi cách viết thư”, ông Võ Hồng Nam nhớ lại. Đại tướng cũng dạy con đọc sách, học sử, học tập từ những người đồng chí, đồng bào để hiểu cái giá của hòa bình, độc lập.
Thường ông là người chọn sách cho chúng tôi, yêu cầu tôi đọc và tóm tắt lại, có bản đồ thì vẽ lại, lúc ba rảnh sẽ nói cho ba nghe mà không cho nhìn vào giấy”, con trai Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể.
Sau này được tiếp xúc với thuộc cấp của Đại tướng, ông Võ Hồng Nam cũng thấy lời nhắc nhở cấp dưới cẩn trọng trong tham mưu tác chiến để không mắc sai lầm, không phải trả giá.
Ông Võ Hồng Nam cho rằng những cuốn sách giá trị như vậy sẽ góp phần làm rõ sự thật lịch sử, góp thêm thông tin về sự nghiệp cách mạng của Đại tướng nói riêng và của dân tộc nói chung.
Nguyên Khánh/Tiền Phong