Công an cấp huyện giải thể, cần cơ chế đặc thù riêng cho hoạt động tố tụng

Đại biểu Quốc hội cho rằng, nếu nghị quyết của Quốc hội có hiệu lực từ ngày 1/3 thì thời gian rất ngắn để các cơ quan viện kiểm sát, tòa án nhân dân thực hiện những công việc tiếp theo, khó có sự điều chỉnh phù hợp với việc giải thể công an cấp huyện.

Vấn đề “hết sức tế nhị”

Tiếp tục chương trình kỳ họp, sáng 14/2, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước.

Tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đề cập quy định về hoạt động tạm giữ, tạm giam, tố tụng, thi hành án.

Theo ông Hòa, đây là vấn đề “hết sức tế nhị”, liên quan quyền con người, liên quan công tác tố tụng, bắt giam, tạm giữ, tạm giam… trong thời điểm giao thời giữa các cơ quan hợp nhất, sáp nhập, giải thể.

"Dự thảo nghị quyết cho phép kế thừa để tổ chức thực hiện theo quy trình hoạt động tố tụng là vấn đề hết sức quan trọng. Tuy nhiên cần thận trọng, khách quan, công tâm, vô tư, phát huy tính dân chủ, để quyền con người không bị ảnh hưởng", ông Hòa nói.

 Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (đoàn Huế). Ảnh: Như Ý

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (đoàn Huế). Ảnh: Như Ý

Đồng tình với hiệu lực thi hành của nghị quyết từ ngày 1/3, tuy nhiên đại biểu Nguyễn Thị Sửu (đoàn Huế) cho rằng, lực lượng công an đang thực hiện giải thể công an cấp huyện. Trong khi, theo quy định về pháp luật hình sự, đây là cơ quan trực tiếp, đầu tiên thực hiện các hoạt động tố tụng.

Như vậy, nếu nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/3 thì thời gian rất ngắn để các cơ quan viện kiểm sát nhân dân, tòa án nhân dân thực hiện những công việc tiếp theo, khó có sự điều chỉnh phù hợp với việc giải thể công an cấp huyện. Đối chiếu với hiệu lực nghị quyết, bà Sửu đề nghị cần có cơ chế đặc thù riêng để phục vụ hoạt động tố tụng.

Xử lý tài sản, chính sách cho cán bộ ra sao?

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Minh Đức (TPHCM) quan tâm đến vấn đề xử lý tài sản sau sáp nhập. Theo ông, trước đây đã sáp nhập cơ quan hành chính ở xã, huyện và đã có những vấn đề vướng mắc. Trong khi đó, lần này thực hiện sáp nhập với quy mô rất lớn, số lượng tài sản rất lớn. Hiện nay đã có các nghị định về xử lý tài sản sau sáp nhập, tuy nhiên, ông Đức cho rằng, vẫn chưa đủ bao quát hết.

"Ví dụ tài sản hình thành trong tương lai, nằm trong các đề án, dự án mà chủ đầu tư là các cơ quan chịu sự sáp nhập. Trong quá trình thực hiện sẽ có những phát sinh, như vấn đề chậm thời gian, đội vốn, kéo dài... buộc phải xử lý. Vậy trách nhiệm đặt ra thuộc về đơn vị nào?”, ông Đức đề nghị, cần tính toán đến, đảm bảo sao cho tài sản được xử lý hợp lý, rõ trách nhiệm.

 Đại biểu Nguyễn Minh Đức (TPHCM). Ảnh: Như Ý

Đại biểu Nguyễn Minh Đức (TPHCM). Ảnh: Như Ý

Cũng theo đại biểu đoàn TPHCM, thực tế hiện nay, một số tập đoàn, tổng công ty Nhà nước cũng được đưa vào vận hành, quản lý, có những dự án thực hiện đấu thầu quốc tế, tên chủ đầu tư lúc đầu như vậy, sau sáp nhập đổi tên thì xử lý như thế nào? Ông cho rằng, cần đề cập đến vấn đề này, để những nhà đầu tư nước ngoài yên tâm.

Liên quan đến vấn đề xử lý cơ cấu tổ chức và con người bị tác động sau sáp nhập, ông Nguyễn Minh Đức cho rằng, hiện đã có Nghị định 177 và 178, Thông tư 01/2025 về vấn đề giải quyết chế độ cho những người có nguyện vọng về hưu để thực hiện cuộc sắp xếp này.

"Tuy nhiên, với người lao động trong những cơ quan bị sáp nhập, kết thúc, họ không đủ điều kiện thỏa mãn trong các nghị định, thông tư trên thì chúng ta cần tính toán như nào. Có thể đưa ra điều khoản quét, đề cập đến quyền của những người này trước sự tác động đó", ông Đức lưu ý.

Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Hải Ninh. Ảnh: Như Ý

Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Hải Ninh. Ảnh: Như Ý

Quy định trong điều kiện rất đặc biệt

Tiếp thu, giải trình sau đó, Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, dự thảo nghị quyết chỉ quy định nguyên tắc chung để xử lý vấn đề khi sắp xếp tổ chức bộ máy, không quy định về trình tự, thủ tục, chế tài.

Theo ông, nghị quyết đã quy định nguyên tắc giải quyết vấn đề phát sinh khi sắp xếp, tổ chức bộ máy. Trong đó có cơ chế khá đặc biệt, đó là Quốc hội cho phép Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao xem xét, ban hành giải quyết, hoặc ủy quyền ban hành văn bản giải quyết các vấn đề phát sinh thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

“Đây là quy định trong điều kiện rất đặc biệt để đảm bảo xử lý kịp thời, nhanh chóng những vấn đề phát sinh, với mục đích cao nhất là quy định đặt ra phải đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp”, ông Nguyễn Hải Ninh cho hay.

Về xử lý tài sản, chế độ chính sách với cán bộ, công chức, Bộ trưởng Tư Pháp nói, đã có các nghị định ban hành trước đó. Với những vướng mắc phát sinh, đã báo cáo cơ quan có thẩm quyền để xử lý...

“Qua rà soát, dự thảo nghị quyết chỉ đưa ra nguyên tắc về việc xử lý số lượng cấp phó của người đứng đầu nhiều hơn tối đa theo quy định của pháp luật. Còn cách thức xử lý như thế nào để sau 5 năm số lượng cấp phó trở lại bình thường thì Chính phủ đã có nghị định rồi”, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh lý giải.

Luân Dũng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/cong-an-cap-huyen-giai-the-can-co-che-dac-thu-rieng-cho-hoat-dong-to-tung-post1717066.tpo