Công an cấp xã có nhiệm vụ, quyền hạn gì trong thi hành án hình sự?

Nội dung Thông tư liên tịch số 02 quy định, công an xã trực tiếp thực hiện việc giám sát người được hưởng án treo, người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ; quản lý người được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện.

Giám sát người bị phạt tù treo, cải tạo không giam giữ

Từ 1/3, Thông tư liên tịch số 02/2025/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 27/2/2025 (viết tắt Thông tư số 02), quy định về phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự, quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự khi không tổ chức công an cấp huyện, chính thức có hiệu lực thi hành.

Trong đó, tại Chương III của Thông tư có 5 Điều quy định về việc phối hợp trong thi hành tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự.

Cụ thể, ở Điều 9 nêu rõ tổ chức cơ quan quản lý thi hành án hình sự, cơ quan thi hành án hình sự, cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự của Công an nhân dân, gồm: Cơ quan quản lý thi hành án hình sự Bộ Công an; Cơ quan thi hành án hình sự; Cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự (Trại tạm giam thuộc Bộ Công an; trại tạm giam Công an cấp tỉnh; phân trại thuộc trại tạm giam Công an cấp tỉnh; Ủy ban nhân dân cấp xã; Công an cấp xã; Đồn Công an).

Còn Điều 10 phân tích rõ nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý, cơ quan thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành. Trong khi đó, Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 14 và Điều 16 Luật Thi hành án hình sự.

Tại các trại tạm giam, phân trại thuộc trại tạm giam sẽ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong thi hành án hình sự theo quy định tại Điều 18 Luật Thi hành án hình sự. Phân trại thuộc trại tạm giam trực tiếp quản lý số phạm nhân phục vụ việc tạm giữ, tạm giam; tống đạt quyết định thi hành án cho người bị kết án phạt tù ở phân trại và báo cáo cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh.

Đối với Ủy ban nhân dân cấp xã, sẽ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn giáo dục người được hưởng án treo, người chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân; giáo dục người được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, người chấp hành án phạt quản chế.

Trường hợp người chấp hành án chết, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người chấp hành án cư trú hoặc nơi người chấp hành án chết có trách nhiệm phối hợp với cơ quan được giao quản lý người đang chấp hành án thực hiện thủ tục khai tử; gửi trích lục khai tử cho cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền.

Đáng chú ý Điều 10 của Thông tư cũng quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của công an xã trong thi hành án hình sự.

Công an xã sẽ trực tiếp thực hiện việc giám sát người được hưởng án treo, người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân.

Bên cạnh đó công an xã quản lý người được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, kiểm soát người chấp hành án phạt quản chế.

Công an xã còn có nhiệm vụ, quyền hạn lập hồ sơ, báo cáo cơ quan thi hành án hình sự công an cấp tỉnh khi phát hiện người thi hành án hình sự tại cộng đồng có vi phạm pháp luật.

Ngoài ra Công an xã tham mưu, giúp UBND xã tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn giáo dục người được hưởng án treo, người chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân.

Giáo dục người được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, người chấp hành án phạt quản chế.

Trại tạm giam Công an tỉnh Hà Nam tuyên truyền, phổ biến chính sách khoan hồng, quy định về đặc xá cho các phạm nhân.

Trại tạm giam Công an tỉnh Hà Nam tuyên truyền, phổ biến chính sách khoan hồng, quy định về đặc xá cho các phạm nhân.

Thẩm quyền kiểm sát thi hành án tạm giam, tạm giữ của Viện kiểm sát

Liên quan đến thẩm quyền kiểm sát thi hành tạm giữ, tạm giam và kiểm sát thi hành án hình sự, Điều 11 của Thông tư quy định:

Viện kiểm sát nhân dân Tối cao thực hiện thẩm quyền kiểm sát thi hành tạm giữ, tạm giam, kiểm sát thi hành án hình sự theo quy định của pháp luật hiện hành.

Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh thực hiện thẩm quyền kiểm sát thi hành tạm giữ, tạm giam, kiểm sát thi hành án hình sự đối với trại tạm giam Công an cấp tỉnh và giải quyết khiếu nại, tố cáo có liên quan đến trại tạm giam Công an cấp tỉnh theo quy định của pháp luật hiện hành.

Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện thực hiện thẩm quyền kiểm sát thi hành tạm giữ, tạm giam và kiểm sát thi hành án hình sự đối với phân trại thuộc trại tạm giam Công an cấp tỉnh, kiểm sát việc thi hành án hình sự của cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự có trụ sở đóng tại địa bàn cấp huyện đó và giải quyết khiếu nại, tố cáo có liên quan đến phân trại thuộc trại tạm giam Công an cấp tỉnh.

Trường hợp kiểm sát mà phát hiện vi phạm, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện yêu cầu phân trại thuộc trại tạm giam Công an cấp tỉnh, cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự khắc phục ngay.

Hoàng An

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/cong-an-cap-xa-co-nhiem-vu-quyen-han-gi-trong-thi-hanh-an-hinh-su-post1722323.tpo