Công an Hà Nội bàn về những trăn trở trong xây dựng và vun đắp cuộc sống gia đình

Bên cạnh những mặt tích cực trong xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững của cán bộ, chiến sĩ vẫn còn các tác động tiêu cực như áp lực về công việc, sự phát triển đô thị, điều kiện sống; cán bộ, chiến sĩ có biểu hiện suy thoái về đạo đức lối sống, vi phạm pháp luật... khiến gia đình đổ vỡ.

Bàn về chủ đề “Xây dựng gia đình cán bộ chiến sĩ công an hạnh phúc bền vững”, Thiếu tướng Đào Thanh Hải - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc CATP Hà Nội, Trưởng Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ, công tác GD & TE cho biết: Thời gian qua, CA Hà Nội thường xuyên quan tâm nắm bắt tình hình đời sống gia đình cán bộ chiến sỹ (CBCS), từ đó có cơ sở đề xuất triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác xây dựng gia đình CBCS Công an Thủ đô hạnh phúc.

Hiện đời sống vật chất và tinh thần của đa số gia đình cán bộ, chiến sĩ CATP được nâng lên rõ rệt; các chỉ số chăm sóc, giáo dục gia đình luôn ở mức cao.

 Thiếu tướng Đào Thanh Hải - Phó Giám đốc CA TP Hà Nội thông tin về tình hình đời sống gia đình CBCS

Thiếu tướng Đào Thanh Hải - Phó Giám đốc CA TP Hà Nội thông tin về tình hình đời sống gia đình CBCS

Tính đến tháng 8-2019, có 20.975 gia đình CBCS CATP đều đạt tiêu chuẩn "Gia đình văn hóa", chiếm 97,9% tổng số gia đình CBCS; trong đó 54 CBCS đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn lực lượng; 2.483 CBCS đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, lao động giỏi hoặc sinh viên xuất sắc, 293 gia đình có con đạt thành tích cao trong các cuộc thi cấp quốc tế, quốc gia, thành phố, quận, huyện trong năm học 2018-2019. Nhiều gia đình trở thành tấm gương sáng đối với nhân dân nơi sinh sống, là tiêu biểu mẫu mực trong xây dựng gia đình hạnh phúc được nhân dân nơi sinh sống quý mến, học tập, noi theo.

Bên cạnh những mặt tích cực trong xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững của cán bộ, chiến sĩ vẫn còn các tác động tiêu cực như áp lực về công việc, sự phát triển đô thị, điều kiện sống; cán bộ, chiến sĩ có biểu hiện suy thoái về đạo đức lối sống, vi phạm pháp luật... khiến gia đình đổ vỡ.

Nhìn vào thực tế còn thấy một vấn đề đáng lo ngại nữa, đó là điều kiện cuộc sống, vật chất của một số bộ phận gia đình CBCS CATP còn khó khăn; cấu trúc gia đình còn lỏng lẻo, chưa có sự liên kết giữa các thành viên trong gia đình...

Hiện tại Công an TP có 21.404 CBCS, trong đó số đã kết hôn là 15.569 CBCS, có 1.077 CBCS ly thân và ly hôn (có trên 200 gia đình cán bộ, chiến sĩ nữ). Số hộ gia đình có 2 thế hệ (có cả bố mẹ và con) chiếm tỷ lệ cao nhất 10.984 gia đình, số hộ gia đình có 3 thế hệ trở lên giảm dần, hiện nay còn khoảng 6.240 gia đình...

Để khắc phục được những vấn đề còn tồn tại, CA TP Hà Nội đặt ra một số vấn đề như: Quan tâm đến phụ nữ, nâng cao trình độ mọi mặt, tạo điều kiện để phụ nữ thực hiện tốt vai trò của mình; cần nâng cao nhận thức của CBCS các đơn vị và các thành viên trong gia đình CBCS; giúp các gia đình có kiến thức và kỹ năng sống, chủ động phòng chống sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội vào gia đình.

Đặc biệt, quan tâm đến đời sống kinh tế gia đình của mỗi CBCS CATP; có chính sách ưu tiên hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình cho thân nhân gia đình CBCS có hoàn cảnh khó khăn nhằm giải quyết những nhu cầu căn bản của cuộc sống để CBCS yên tâm công tác, tích cực xây dựng gia đình hạnh phúc.

Linh Anh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/cong-an-ha-noi-ban-ve-nhung-tran-tro-trong-xay-dung-va-vun-dap-cuoc-song-gia-dinh-160788.html