Thanh Hóa: Tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, tích cực trong xây dựng nông thôn mới

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) từ năm 2021 đến năm 2023 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, tích cực.

Theo báo cáo tại kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII về kết quả giám sát việc triển khai, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong thời gian từ năm 2021 đến năm 2023 cho thấy, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, song, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh; sự nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, chương trình MTQG xây dựng NTM của tỉnh Thanh Hóa tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, tích cực.

Đ/c Lê Đức Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa kiểm tra tình hình thực hiện mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM tại huyện Yên Định.

Đ/c Lê Đức Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa kiểm tra tình hình thực hiện mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM tại huyện Yên Định.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình đã được các cấp, các ngành thực hiện quyết liệt, đồng bộ; cơ bản các cơ chế, chính sách, các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và hướng dẫn thực hiện Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã được ban hành kịp thời, có nhiều đổi mới, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, tạo điều kiện để các địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM, nâng cao chất lượng các tiêu chí để xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trong giai đoạn 2021 - 2025 theo kế hoạch đã đề ra.

Số lượng sản phẩm OCOP của tỉnh Thanh Hóa thuộc nhóm 5 tỉnh dẫn đầu cả nước.

Số lượng sản phẩm OCOP của tỉnh Thanh Hóa thuộc nhóm 5 tỉnh dẫn đầu cả nước.

Đến hết năm 2023, toàn tỉnh Thanh Hóa đã có 13 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM, có 360/465 xã đạt chuẩn NTM, 90 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, 16 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Số lượng sản phẩm OCOP của tỉnh Thanh Hóa thuộc nhóm 5 tỉnh dẫn đầu cả nước và đa dạng về chủng loại. Toàn tỉnh có 496 sản phẩm OCOP được công nhận, trong đó có 1 sản phẩm 5 sao, 57 sản phẩm hạng 4 sao, 438 sản phẩm 3 sao của 344 chủ thể OCOP (73 doanh nghiệp, 102 HTX, 10 tổ hợp tác, 159 hộ sản xuất, kinh doanh) ...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những khó khăn, vướng mắc và tồn tại, hạn chế, như: Kết quả thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM tại một số địa phương chưa thực sự bền vững, còn có sự chênh lệch khá lớn giữa các vùng, miền trong tỉnh.

Công tác triển khai, tuyên truyền ở một số địa phương trong tỉnh chưa thường xuyên, chưa sâu rộng, chưa thực sự có chiều sâu, nội dung tuyên truyền chưa sát với tình hình thực tế; tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững đã được quan tâm, mặc dù vậy, quy mô sản xuất vẫn còn nhỏ, sức cạnh tranh chưa cao, tỷ lệ nông sản được sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGap, hữu cơ vẫn còn ít; việc áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế. Việc huy động các nguồn lực thực hiện Chương trình xây dựng NTM còn rất khó khăn, nhất là các nguồn từ các doanh nghiệp, hợp tác xã và trong nhân dân.

Đình Đông

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/thanh-hoa-tiep-tuc-dat-duoc-nhung-ket-qua-quan-trong-tich-cuc-trong-xay-dung-nong-thon-moi-90213.html