Công an Hà Nội 'giải mã' đường dây buôn thuốc lá điện tử bằng công nghệ cao

Giữa lòng Hà Nội, trung tâm kinh tế, văn hóa và công nghệ sôi động của cả nước, lực lượng Công an Thủ đô đang ngày đêm mở những trận đánh quyết liệt, không khoan nhượng vào các ổ nhóm tội phạm kinh tế. Trên trận tuyến này, lực lượng Cảnh sát Kinh tế đã thể hiện sự tinh nhuệ, trí tuệ sắc bén để bảo vệ thị trường, sức khỏe của người dân trước những hiểm họa từ các đường dây buôn bán hàng cấm.

Lật tẩy tội phạm kinh tế thời 4.0

Ngày 23/7, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP Hà Nội công bố triệt phá thành công một đường dây buôn bán thuốc lá điện tử quy mô lớn, khởi tố 14 bị can và thu giữ 127.000 sản phẩm không rõ nguồn gốc, với tổng trị giá ước tính lên tới 40 tỷ đồng. Vụ án không chỉ gây chấn động bởi quy mô, mà còn bởi sự tinh vi trong cách thức hoạt động của các đối tượng.

Thông tin với PV, Trung tá Đặng Hồng Dương, Đội trưởng Đội 4, Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP Hà Nội cho biết: Ba đối tượng cầm đầu trong ổ nhóm tội phạm trên là Phùng Thị My (34 tuổi, trú tại Gia Lâm), Trịnh Minh Thành (35 tuổi, Long Biên) và Trần Thị Thu Hằng (35 tuổi, Thanh Trì). Các đối tượng đã xây dựng một hệ thống buôn bán hàng cấm khép kín, hoạt động như một “cỗ máy” được lập trình bài bản. Từ việc nhập hàng từ Trung Quốc qua các kênh không chính ngạch, vận chuyển bằng xe tải xuyên biên giới, đến cất giấu hàng hóa trong các kho bí mật tại Hà Nội, mọi khâu đều được các đối tượng tổ chức chặt chẽ, gần như không để lộ bất kỳ dấu vết nào.

Cũng theo chỉ huy Đội 4, Phòng Cảnh sát Kinh tế, điểm đặc biệt của đường dây này là cách thức giao dịch giữa các đối tượng khi mua bán, thanh toán tiền và hàng. Chúng không sử dụng các kênh bán hàng truyền thống mà tận dụng nhiều nền tảng mạng xã hội, ứng dụng nhắn tin mã hóa và các “shipper ảo” để vận hành. Thanh toán được thực hiện qua các tài khoản trung gian, nhiều lớp và thường xuyên thay đổi để tránh bị cơ quan chức năng phát hiện. Mỗi giao dịch là một mắt xích trong mạng lưới ngầm, được thiết kế chặt chẽ để qua mặt lực lượng chức năng. Nhưng dù tinh vi đến đâu, “cỗ máy” này vẫn không thể thoát khỏi tầm ngắm của các trinh sát.

Các đối tượng cầm đầu trong vụ án.

Các đối tượng cầm đầu trong vụ án.

Ngày 5/7, sau thời gian dài theo dõi và thu thập chứng cứ, dưới sự chỉ huy của Đại tá Chu An Thanh, Trưởng Phòng Cảnh sát Kinh tế, các mũi trinh sát đồng loạt ra quân. Chỉ trong một ngày, toàn bộ đường dây bị bóc gỡ, các kho hàng bị phong tỏa, các đối tượng chủ chốt bị bắt giữ. Hệ thống tưởng chừng bất khả xâm phạm đã bị vô hiệu hóa hoàn toàn.

Trung tá Đặng Hồng Dương đánh giá, vụ án không chỉ là một chiến công phá án đơn thuần, mà còn phơi bày một xu hướng tội phạm mới, đó là tội phạm kinh tế thời đại số. Nếu như buôn bán theo hình thức truyền thống trước kia cần phải có cửa hàng, quảng cáo thì nay các đối tượng không cần cửa hàng, không cần biển hiệu, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh và vài cú click chuột là có thể vận hành cả một “chợ đen ảo” trị giá hàng chục tỷ đồng. Thuốc lá điện tử loại hàng hóa bị cấm lưu hành tại Việt Nam được các đối tượng biến thành công cụ kiếm lời bất chính, bất chấp những hệ lụy nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng. Trên thực tế, Trung tâm chống độc của Bệnh viện Bạch Mai đã từng phải cấp cứu, điều trị cho rất nhiều những bệnh nhân bị loạn thần, ngộ độc vì sử dụng thuốc lá điện tử.

Sự tinh vi của loại hình tội phạm này nằm ở khả năng “ẩn mình” trong không gian số. Chúng sử dụng các nền tảng mạng xã hội, ứng dụng nhắn tin mã hóa, và thậm chí cả công nghệ blockchain để che giấu danh tính và giao dịch. Mỗi giao dịch được thực hiện qua các tài khoản “ma”, mỗi lô hàng được vận chuyển qua những tuyến đường vòng vo để tránh bị phát hiện. Nhưng công nghệ, dù hiện đại đến đâu, cũng không thể vượt qua sự sắc bén của lực lượng Công an.

Để triệt phá đường dây này, Công an TP Hà Nội đã áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ mang tính chất công nghệ cao để lần ra các mắt xích trong chuỗi cung ứng. Các trinh sát không chỉ dựa vào kinh nghiệm thực tiễn, mà còn khai thác tối đa các công cụ kỹ thuật số để bóc tách từng lớp “mặt nạ” của tội phạm. Kết quả là, một mạng lưới tưởng chừng “vô hình” đã bị lôi ra ánh sáng.

Sớm hoàn thiện hành lang pháp lý

Vụ án trên chỉ là một phần trong bức tranh lớn hơn của cuộc chiến chống tội phạm kinh tế trên cả nước. Dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và Công an các đơn vị địa phương, đã liên tục mở các đợt cao điểm tấn công vào các đường dây buôn lậu, sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng cấm. Từ TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Hải Phòng đến Lạng Sơn, Phú Thọ…, hàng loạt chuyên án lớn đã được triển khai, triệt phá tận gốc các tổ chức tội phạm kinh tế.

Các mặt hàng bị cấm hoặc kém chất lượng, từ thuốc lá điện tử, thực phẩm chức năng giả, sữa giả, đến mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, đều là mục tiêu triệt xóa của lực lượng chức năng. Đặc biệt, các vụ án lớn không chỉ dừng lại ở việc phá đường dây, mà còn truy tận gốc những cá nhân, tổ chức tiếp tay, dung túng hoặc bao che cho các hoạt động phi pháp trên tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an đó là không có “vùng cấm” trong cuộc chiến này.

Trong phiên họp Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đặt ra yêu cầu rõ ràng phải tấn công phủ đầu, ngăn chặn từ sớm, từ xa, không để tội phạm có cơ hội “cắm rễ” trong bóng tối. Thủ tướng nhấn mạnh: “Hàng giả, hàng lậu, hàng cấm không chỉ là mối nguy cho sức khỏe người dân, mà còn đe dọa đến an ninh kinh tế quốc gia. Đây là kẻ thù của sự phát triển bền vững”.

Số lượng thuốc lá điện tử bị thu giữ rất lớn.

Số lượng thuốc lá điện tử bị thu giữ rất lớn.

Để thực hiện hiệu quả chỉ đạo trên, các lực lượng gồm Công an, Bộ đội Biên phòng, Quản lý thị trường, Hải quan và chính quyền địa phương... đã phối hợp chặt chẽ, triển khai đồng bộ các biện pháp từ kiểm tra, giám sát đến xử lý nghiêm minh. Công nghệ cao, chuyển đổi số, dữ liệu số và các nền tảng giám sát trực tuyến đã trở thành “vũ khí” đắc lực, giúp lực lượng chức năng không chỉ phá án mà còn ngăn chặn các hành vi vi phạm từ sớm, từ xa.

Đề cập đến những khó khăn, bất cập trong công tác phòng, chống hệ, loại tội phạm này, Trung tá Đặng Hồng Dương cho biết: Do lợi nhuận rất lớn và các đối tượng lợi dụng kẽ hở khi những quy định về quản lý đối với mặt hàng này còn lỏng lẻo để tổ chức mua bán. Hầu hết các đối tượng đều trẻ và thông qua các hội, nhóm kín của giới trẻ đã dễ dàng nắm bắt được xu hướng của thị trường tập trung vào thanh, thiếu niên. Từ đây, số lượng hàng hóa được mua bán cũng như lợi nhuận hàng tháng từ hoạt động này của các đối tượng là rất lớn.

Cũng theo chỉ huy Đội 4, Phòng Cảnh sát Kinh tế, dù Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 173 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 về việc cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, vận chuyển và sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm tương tự nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ khỏi những tác hại của các sản phẩm này, tuy nhiên các bộ, ngành có liên quan vẫn chưa ban hành những thông tư hướng dẫn cụ thể. Sự chậm trễ này đã gây khó khăn rất lớn cho các lực lượng chức năng trong quá trình phòng chống, kiểm tra, xử lý đối với vi phạm trên.

Cuộc chiến chống tội phạm kinh tế không chỉ là trách nhiệm của lực lượng Công an, hệ thống chính trị mà còn cần sự chung tay của toàn xã hội. Người dân cần nâng cao ý thức, nói không với các sản phẩm không rõ nguồn gốc, đồng thời cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng khi phát hiện các hành vi vi phạm. Chỉ khi cả cộng đồng cùng hành động, thị trường mới thực sự được bảo vệ, và sức khỏe người dân mới được đảm bảo.

Hoàng Phong

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/ban-tin-113/cong-an-ha-noi-giai-ma-duong-day-buon-thuoc-la-dien-tu-bang-cong-nghe-cao-i775804/