Công an Lạng Sơn: Đẩy mạnh cải cách hành chính, vì Nhân dân phục vụ

Công an xã Thanh Lòa, huyện Cao Lộc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân qua bộ phận một cửa

Công an xã Thanh Lòa, huyện Cao Lộc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân qua bộ phận một cửa

Nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, năm 2023, công tác cải cách hành chính (CCHC) của Công an tỉnh tiếp tục đạt kết quả tích cực, chỉ số và thứ bậc về CCHC được nâng lên. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về an ninh trật tự và chất lượng phục vụ các cơ quan, tổ chức, cá nhân, được các cấp, ngành và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Để đạt kết quả trên, Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh đã quán triệt và cụ thể hóa nghị quyết của Đảng, Chính phủ và chương trình, kế hoạch của Bộ Công an, của tỉnh về công tác CCHC; đồng thời ban hành kế hoạch, văn bản chỉ đạo thực hiện, đặc biệt là tiếp tục quán triệt thực hiện Nghị quyết số 44, ngày 25/4/2022 của Đảng ủy Công an tỉnh về đẩy mạnh công tác CCHC của lực lượng Công an Lạng Sơn trong tình hình mới. Trong đó, tập trung vào các nội dung như: cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính (TTHC), bãi bỏ thủ tục rườm rà, không còn phù hợp; hiện đại hóa nền hành chính…

Cắt giảm TTHC, rút ngắn thời gian quyết

Đại tá Thái Hồng Công, Giám đốc Công an tỉnh cho biết: Xác định CCHC là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, quyết định hiệu quả các mặt công tác công an; là yêu cầu khách quan, vừa cấp thiết, vừa lâu dài trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự (ANTT), Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh luôn quan tâm, tập trung chỉ đạo quyết liệt, toàn diện công tác CCHC, với phương châm: “Lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả của CCHC”. Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh thường xuyên đôn đốc các phòng, công an các huyện, thành phố rà soát các TTHC, từ đó, nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền loại bỏ những TTHC, thành phần hồ sơ, yêu cầu điều kiện TTHC còn rườm rà, không cần thiết, góp phần giảm chi phí, thời gian, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp…

Kết quả, trong năm 2023, Công an tỉnh đã đề xuất sửa đổi 30 TTHC trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về ANTT của Bộ Công an; cắt giảm yêu cầu nộp bản sao chứng minh Nhân dân/căn cước công dân đối với 30 TTHC thuộc lĩnh vực quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ… Đồng thời, Công an tỉnh đã triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm cắt giảm thời gian giải quyết TTHC; bố trí, phân công cán bộ, chiến sĩ (CBCS) đảm nhận từng nhiệm vụ cụ thể, hợp lý và có sự phối hợp chặt chẽ tạo sự tối ưu hóa trong thực hiện các quy trình giải quyết TTHC. Quá trình giải quyết, trường hợp không đúng hoặc chưa đủ thủ tục, cần bổ sung giấy tờ, tài liệu, các CBCS sẽ giải thích chi tiết, cụ thể và hướng dẫn để cá nhân, tổ chức bổ sung hoàn thiện, không yêu cầu bổ sung hồ sơ, tài liệu quá 1 lần.

Trong năm qua, Công an tỉnh đã rút ngắn thời gian giải quyết đối với 27 TTHC trong các lĩnh vực. Trong đó, rút ngắn thời gian giải quyết 7 TTHC đối với lĩnh vực giao thông, 5 TTHC đối với lĩnh vực xuất nhập cảnh, 8 TTHC đối với lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy… Qua đó, giảm phiền hà, giảm chi phí, thời gian giải quyết TTHC cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp, nêu cao tinh thần vì Nhân dân phục vụ của lực lượng công an, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Ông Đình Văn Khanh, ở khối 6, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn cho biết: Trong tháng 6/2023, tôi đến Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh giải quyết thủ tục hành chính về đăng ký xe ô tô. Tôi thấy các CBCS công an làm việc rất trách nhiệm, hướng dẫn tận tình, giải thích cặn kẽ, các thủ tục được giải quyết nhanh chóng. Nếu như trước đây tôi phải chờ 2 ngày thủ tục mới xong thì nay thủ tục được giải quyết trong ngày, tôi thấy rất hài lòng.

Thiết thực cải cách TTHC tại cơ sở, năm 2023, Công an tỉnh đã chỉ đạo xây dựng mô hình CCHC tại 50 đơn vị công an cấp xã nhằm tiếp nhận và giải quyết TTHC theo cơ chế “một cửa”; tiếp nhận trả hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến; niêm yết công khai các TTHC để người dân theo dõi, thực hiện… Qua đây, góp phần giảm chi phí, thời gian thực hiện TTHC cho tổ chức và người dân.

Thiếu tá Nông Đức Long, Trưởng Công an xã Thanh Lòa, huyện Cao Lộc cho biết: Mô hình CCHC của công an xã hoạt động theo cơ chế một cửa, được thành lập từ tháng 8/2023. Từ khi đưa mô hình vào hoạt động đến nay, công tác tiếp nhận và giải quyết các TTHC của Công an xã có nhiều thuận lợi, cắt giảm được nhiều thủ tục, do đều được thực hiện trên môi trường điện tử. Công an xã cắt cử 1 đồng chí chuyên tiếp dân và giải quyết TTHC qua cổng dịch công. Từ khi mô hình đưa vào hoạt động đến nay, Công an xã đã giải quyết trên 400 TTHC cho người dân, chủ yếu về các lĩnh vực: khai sinh, đăng ký hộ khẩu thường trú, tạm trú, xác nhận thông tin cư trú. So với trước đây, một số thủ tục giảm thời gian thực hiện từ 5 – 7 ngày thì nay đã giảm xuống thực hiện trong ngày, do dữ liệu dân cư đã được kết nối trên môi trường điện tử, không phải mất nhiều thời gian xác minh. Qua khảo sát, người dân đều đánh giá hài lòng về thái độ phục vụ, thời gian giải quyết TTHC của CBCS công an xã.

Nhờ rút gọn các thủ tục rườm rà, không cần thiết, không còn phù hợp, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC, Công an toàn tỉnh đã nâng cao chất lượng phục vụ các cơ quan, tổ chức, cá nhân, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo ANTT tại địa phương.

CCHC gắn với chuyển đổi số

Cùng với cải cách các TTHC, Công an tỉnh đã chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương trên địa bàn đẩy mạnh hiện đại hóa nền hành chính, tận dụng những lợi thế của môi trường điện tử để nâng cao hiệu quả công tác CCHC trong tình hình mới.

Trong đó, năm 2023 Công an tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg, ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030, xác định 9 nhiệm vụ trọng tâm, 63 nhiệm vụ cụ thể gắn với 5 nhóm tiện ích theo nội dung đề án về phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, phát triển công dân số, dữ liệu dân cư…

Kết quả, Công an tỉnh đã triển khai cung cấp 11/11 dịch vụ công theo chức năng của lực lượng công an; cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình với 6 thủ tục, dịch vụ công trực tuyến một phần với 5 thủ tục. Kết quả, Công an tỉnh đã tiếp nhận và giải quyết thủ tục qua dịch vụ công trực tuyến tổng số trên 160.000 hồ sơ. Cùng đó, hoàn thành thu nhận hồ sơ căn cước công dân cho 100% công dân đủ điều kiện; kích hoạt thành công 385.607 tài khoản định danh điện tử, đạt 113%; tích cực cập nhật, bổ sung dữ liệu dân cư lên hệ thống điện tử đảm bảo luôn “đúng, đủ, sạch, sống”, phục vụ các yêu cầu nghiệp vụ công an và kết nối, chia sẻ dữ liệu chuyên ngành khác. Qua đây, góp phần phát triển công dân số, đẩy mạnh chuyển đổi số trên địa bàn. Ví như đến nay, 100% cơ sở y tế trên địa bàn tổ chức khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đã triển khai khám chữa bệnh bằng căn cước công dân có gắn chíp điện tử.

Công an tỉnh cũng đã xây dựng hệ thống 11 mã QR-Code trên môi trường điện tử, giúp công dân có nhu cầu tìm hiểu, thực hiện TTHC có thể quét mã ở bất cứ đâu và bất kỳ thời điểm nào; cập nhật, đăng tải 174 mã QR-Code lên môi trường điện tử, công khai TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của công an tỉnh và lịch tiếp công dân của các đơn vị có chức năng giải quyết thủ tục hành chính lên trang điện tử Công an tỉnh, tạo điều kiện cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân tra cứu, vận dụng khi có nhu cầu.

Thêm vào đó, Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị có chức năng giải quyết TTHC triển khai số hóa theo hướng dẫn của cục chuyên ngành thuộc Bộ Công an. Thượng tá Nguyễn Thị Tuyết, Phó Trưởng Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (XNC) Công an tỉnh cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Công an tỉnh, đơn vị đã chủ động triển khai thực hiện số hóa trong giải quyết các TTHC, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục XNC. Trong năm 2023, đơn vị đã tiếp nhận gần 129.600 hồ sơ TTHC thuộc lĩnh vực XNC. Trong đó, riêng thủ tục cấp hộ chiếu phổ thông trong nước cho 100% các thành phần hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu bao gồm tờ khai, biểu mẫu, giấy tờ liên quan đều được scan, lưu trữ trên hệ thống xử lý số liệu của Cục Quản lý XNC Bộ Công an, phân cấp cho công an các đơn vị, địa phương khai thác…

Với các giải pháp trên, công tác CCHC của Công an tỉnh đã có những bước chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng, được người dân và các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn đánh giá cao về tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ, chiến sĩ. Qua triển khai khảo sát đo lường sự hài lòng của người dân trên 8 lĩnh vực trong năm 2023, 100% người dân được khảo sát đều đánh giá ở mức độ “hài lòng” và “rất hài lòng” với sự phục vụ của đơn vị có chức năng giải quyết TTHC của Công an Lạng Sơn.

Chị Trương Thị Chi, trú tại phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn cho biết: Trong tháng 9/2023, tôi nộp hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu cho bản thân qua Cổng dịch vụ công và thấy rất thuận tiện vì không phải đến cơ quan công an, dù đang không có mặt tại địa phương hay ngoài giờ hành chính vẫn có thể nộp được hồ sơ. Sau khi có kết quả, hộ chiếu còn được gửi về tận nhà qua bưu điện. Tôi thấy việc CCHC này rất tiện lợi, nhiều thủ tục được cắt giảm, đồng nghĩa với việc người dân giảm được chi phí, thời gian đi lại, tôi thấy rất hài lòng…

Có thể khẳng định, công tác CCHC được quan tâm thực hiện đã góp phần thúc đẩy, nâng cao chất lượng các mặt công tác công an, được các cấp, ngành và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Tại hội nghị công bố kết quả xác định chỉ số CCHC năm 2023 do Bộ Công an tổ chức ngày 15/11, chỉ số CCHC của Công an Lạng Sơn đạt 95,4%, cao hơn 4,24% so với tỷ lệ chung của công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và được Bộ Công an xếp loại xuất sắc và xếp thứ 11/63 tỉnh, thành, tăng 2 bậc so với năm 2022.

HOÀNG HUẤN

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/xa-hoi/634807-cong-an-lang-son-day-manh-cai-cach-hanh-chinh-vi-nhan-dan-phuc-vu-2.html