Công bố Báo cáo rà soát các mẫu hợp đồng hợp tác công - tư
Sau thời gian dự thảo, lấy ý kiến và hoàn thiện, sáng ngày 16/11/2023, Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã chính thức công bố Báo cáo rà soát các mẫu hợp đồng hợp tác công - tư (PPP) và Báo cáo huy động nguồn lực tài chính mới cho các dự án cơ sở hạ tầng (CSHT) tại Việt Nam.
Báo cáo được thực hiện trong khuôn khổ Dự án “Hỗ trợ kỹ thuật nhằm nâng cao năng lực, tăng cường khả năng thích ứng và phát triển bền vững”, do VIAC, VCCI và Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ (USAID) phối hợp thực hiện.
Phát biểu tại sự kiện, TS Vũ Tiến Lộc, đại biểu Quốc hội, thành viên Ủy ban kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch VIAC đã nhấn mạnh, trong bối cảnh kinh tế thế giới hậu COVID-19 cùng với nhiều thách thức lớn, xung đột địa chính trị, áp lực lạm phát kéo dài…, đối với các nền kinh tế châu Á đang phát triển như Việt Nam, phải cùng lúc thực hiện các nhiệm vụ lớn để đáp ứng nhu cầu về CSHT để duy trì tăng trưởng kinh tế trong đồng thời phải không ngừng đối phó với khó khăn chung.
Báo cáo Viễn cảnh CSHT toàn cầu năm 2017 cho thấy Việt Nam sẽ cần hơn 600 tỷ USD để đạt được các mục tiêu về CSHT vào năm 2040, trong khi đó, theo nhóm Công tác CSHT (Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - VBF), ước tính mỗi năm, Chính phủ Việt Nam chỉ có thể dành 15 - 18 tỷ USD (khoảng 7% GDP) cho chi tiêu CSHT trong tổng nhu cầu đầu tư hàng năm từ 25 - 30 tỷ USD, bao gồm cả ngành điện.
Do đó, mỗi năm, dự kiến Việt Nam sẽ thiếu tới 15 tỷ USD tài trợ cho hạ tầng, trong đó tài chính và tài trợ của khu vực tư nhân sẽ có vai trò thiết yếu, khi mức nợ công của Việt Nam được thiết lập ở mức 60% GDP.
“Đứng trước những thách thức về nhu cầu tài chính như vậy, việc huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân, nhu cầu tìm kiếm các cơ chế và công cụ tài chính để mở rộng các nguồn tài chính hiện tại để đầu tư cho CSHT ở Việt Nam là thiết yếu và ngày càng gia tăng…” - Chủ tịch VIAC nhấn mạnh.
Đồng thời khẳng định, đầu tư theo phương thức PPP hiện được coi là mô hình tiềm năng nhất để thu hút nguồn lực về tài chính, kinh nghiệm và kỹ thuật từ khối tư, tham gia vào xây dựng CSHT thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm gánh nặng đầu tư cho ngân sách nhà nước.
“Nói cách khác, PPP chính là giải pháp khắc phục được vấn đề thiếu hụt vốn đầu tư của nhà nước, hỗ trợ cho những khoản đầu tư cần cấp vốn mà không phải gia tăng nợ của chính phủ ngay ở bước khởi đầu…” - Chủ tịch VIAC quả quyết.
Đề cập đến khung pháp lý, Chủ tịch VIAC cho biết, kể từ khi Quốc hội ban hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư vào năm 2020 (Luật PPP 2020), tiếp theo đó là các Nghị định 28/2021/NĐ-CP và Nghị định 35/2021/NĐ-CP, các quy định điều chỉnh hoạt động đầu tư PPP tại nhiều Luật và Nghị định được ban hành trước đây đã được đã nhất thể hóa, thể hiện sự thể chế hóa các định hướng và chỉ đạo của Đảng và Chính phủ về việc phát triển hệ thống CSHT, đặc biệt là trong hoạt động huy động nguồn lực tư nhân qua phương thức PPP.
Tuy nhiên, đầu tư theo phương thức PPP vẫn còn là một lĩnh vực mới ở nước ta và đang có xu hướng phát triển mạnh trong những năm gần đây, nên mặc dù các quy định pháp luật trong lĩnh vực này liên tục được bổ sung, hoàn thiện nhưng vẫn chưa theo kịp với thực tiễn.
Bên cạnh đó, đặc điểm của các dự án PPP là quy mô đầu tư lớn, thời gian kéo dài, quá trình triển khai thực hiện làm phát sinh các quan hệ pháp lý phức tạp, liên quan đến nhiều chủ thể khác nhau. Do đó, việc thực thi pháp luật trong thu hút và triển khai các dự án PPP trên thực tế thời gian qua còn gặp phải những vướng mắc, bất cập.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do thiếu các quy định hướng dẫn cụ thể thi hành Luật PPP 2020 và thiếu các mẫu hợp đồng dự án PPP, khiến cho các bộ, ngành, địa phương gặp khó khăn, lúng túng trong quá trình nghiên cứu, chuẩn bị, triển khai dự án đầu tư PPP.
Đặc biệt, việc chưa ban hành và áp dụng mẫu hợp đồng để nhằm thiết lập một mẫu tiêu chuẩn thống nhất cho các hợp đồng dự án PPP (một tài liệu trong bộ hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP) cũng gây khó khăn cho các cơ quan trong việc xây dựng các nguyên tắc hợp đồng minh bạch nhằm tạo sự công bằng trong đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Cụ thể, việc xây dựng và ban hành các mẫu hợp đồng dự án PPP, trong đó bao gồm Mẫu Hợp đồng BOT (xây dựng, kinh doanh, vận hành), Hợp đồng BLT (Xây dựng - Thuê dịch vụ - Chuyển giao) và Hợp đồng O&M (kinh doanh - quản lý) đóng một vai trò quan trọng trong việc thiết lập hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn thống nhất, đồng bộ cho các hợp đồng dự án PPP, phù hợp với quy định của pháp luật, các chuẩn mực pháp lý hiện hành và thông lệ thực tiễn, qua đó góp phần đảm bảo nguyên tắc cạnh tranh công bằng trong việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án PPP, rút ngắn thời gian đàm phán, ký kết hợp đồng cho các cơ quan có thẩm quyền và nhà đầu tư. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có Mẫu Hợp đồng BOT được Bộ GTVT ban hành, còn đối với Mẫu Hợp đồng BLT và O&M hiện vẫn chưa thống nhất được về cơ quan đầu mối soạn thảo và thời điểm ban hành.
Đặt trong bối cảnh trên đây, Báo cáo Rà soát các mẫu Hợp đồng BOT, Hợp đồng BLT và Hợp đồng O&M ở Việt Nam được thực hiện với mục đích rà soát, đánh giá hiện trạng pháp luật về PPP nói chung và các mẫu Hợp đồng BOT, BLT và O&M áp dụng trong các lĩnh vực hạ tầng giao thông, thoát nước và xử lý chất thải nói riêng, có tham khảo kinh nghiệm pháp luật và thực tiễn triển khai hợp đồng dự án PPP tại Việt Nam cũng như các nước trong khu vực và trên thế giới.
Trên cơ sở đó, Báo cáo sẽ đưa ra những khuyến nghị về việc bổ sung, chi tiết hóa các quy định tại Mẫu Hợp đồng BOT trong quá trình soạn thảo, đàm phán, ký kết các Hợp đồng BOT; đồng thời đưa ra các đề xuất, gợi ý về các tiêu chí xây dựng các Mẫu Hợp đồng BLT và Hợp đồng O&M trong thời gian tới.
Đồng thời với việc công bố Báo cáo rà soát các mẫu hợp đồng PPP và Báo cáo huy động nguồn lực tài chính mới cho các dự án CSHT tại Việt Nam. Báo cáo này gồm hai phần, tương ứng với hai phương thức huy động nguồn lực tài chính mới là đầu tư tài sản mới bằng nguồn thu từ các tài sản hạ tầng cũ (AR) và thu hút các nhà đầu tư tổ chức. Trong mỗi phần, báo cáo trình bày khái quát về phương thức huy động nguồn lực tài chính, kinh nghiệm triển khai các phương thức này tại một số quốc gia và khuyến nghị áp dụng các mô hình tại Việt Nam.
Các báo cáo, tham luận và thông tin liên quan được đăng tải trên trang thông tin điện tử: www.viac.vn và www.facebook.com/viac.vn/.