Công bố chuỗi sự kiện Ngày không tiền mặt năm 2023
Chủ đề chuỗi sự kiện Ngày không tiền mặt năm nay là 'Kết nối dữ liệu, thúc đẩy thanh toán thông minh'. Hội thảo Quốc gia Ngày không tiền mặt năm 2023 sẽ được tổ chức vào ngày 16/6 tới đây.
Ngày 26/5, tại TP.HCM, Vụ Thanh toán (NHNN) phối hợp với Sở Công Thương TP.HCM tổ chức họp báo công bố chuỗi sự kiện hưởng ứng Ngày không tiền mặt năm 2023.
Sự kiện Ngày không tiền mặt năm nay xuyên suốt trong tuần lễ diễn ra chương trình, Ban Tổ chức sẽ phối hợp với các sở ngành chức năng tại TP.HCM cũng như phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trên cả nước tổ chức các hoạt động, bao gồm: Hội thảo quốc gia Ngày không tiền mặt năm 2023 (tâp trung vào các chủ đề gia tăng hiệu quả các giải pháp kết nối thúc đẩy thanh toán thông minh, liên thông dữ liệu giữa các ngành, lĩnh vực, hệ thống); Cuộc thi Chiến thần không tiền mặt (tổ chức từ 16/6 đến 15/7); Lễ hội “Cashless Town” (từ ngày 16-18/6/2023); Chương trình “Big Boom khuyến mãi tập trung”…
Thông tin tại buổi họp báo, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết, chuỗi sự kiện Ngày không tiền mặt năm 2023 là hoạt động thiết thực hưởng ứng thông điệp của Thủ tướng Chính phủ “Năm 2023 - năm dữ liệu số, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới”.
Vì thế hoạt động của chuỗi sự kiện năm nay sẽ hướng đến các nội dung, nhiệm vụ tại Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ (Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030), cũng như kế hoạch phối hợp giữa Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước.
Trong đó, tập trung vào các nhiệm vụ kết nối, khai thác cơ sở dữ liệu về dân cư để làm sạch dữ liệu khách hàng và phục vụ các hoạt động nghiệp vụ của ngành ngân hàng, như: chấm điểm tín dụng, xác thực khách hàng trực tuyến, xác thực thông tin đa chiều…
Việc kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các đơn vị trong ngành ngân hàng, kết nối với doanh nghiệp cũng sẽ góp phần thúc đẩy nền kinh tế số, giúp ngành ngân hàng phát triển các hoạt động nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả giao dịch giữa ngân hàng và khách hàng, bảo đảm an toàn hoạt động và phòng chống tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng.
Theo báo cáo tổng kết của Ban Tổ chức Chương trình Ngày không tiền mặt, sau 4 năm tổ chức thường niên chương trình hữu ích và thiết thực này hoạt động thanh toán đã được thúc đẩy phát triển khá mạnh, góp phần đáng kể vào việc dịch chuyển hình thức thanh toán của doanh nghiệp, người dân tại các đô thị lớn nói riêng và cả nước nói chung.
Người tiêu dùng cả nước đã gia tăng đáng kể về số lượng và giá trị thanh toán không sử dụng tiền mặt tại các siêu thị, nhà hàng, cửa hàng, chợ dân sinh,… Trong đó, hình thức thanh toán bằng quét mã QR code có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ nhất cả về số lượng và giá trị (năm 2022 thanh toán bằng QR code tăng 225,36% về số lượng và 243,92% về giá trị so với năm 2021).
So với cùng kỳ năm ngoái, 3 tháng đầu năm nay giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 53,5% về số lượng. Trong đó, thanh toán qua kênh Internet tăng hơn 88% về số lượng và 7,4% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 65,5% về số lượng và 13,3% về giá trị.
Đáng chú ý, theo ông Nguyễn Đăng Hùng, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS), thanh toán qua phương thức QR code thời gian qua đã tăng trưởng rất mạnh với 160,7% về số lượng và 43,8% về giá trị (sau 3 tháng đầu năm). Hình thức thanh toán quét mã QR code bằng điện thoại thông minh hiện đã được người dân sử dụng khá phổ biến vì tính tiện lợi, nhanh chóng, chính xác. Dịch vụ chuyển tiền VietQR thời gian qua cũng được hầu hết các ngân hàng ưu ái miễn phí và cho phép thực hiện cả các giao dịch có giá trị nhỏ như tiền lẻ nên được người dân rất chào đón.
Ngoài ra, cũng theo Ban Tổ chức chương trình, sau hơn một năm triển khai thí điểm dịch vụ tài khoản Mobile Money - dùng tài khoản viễn thông để thanh toán hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ, đến nay cả nước có 3,71 triệu tài khoản Mobile Money với hơn 8.800 điểm kinh doanh và 15.300 điểm chấp nhận thanh toán./.