Công bố hoàn thành xử lý hiện trường đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So
Sáng 24/10, tại xã Đông Sơn, huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên - Huế), Binh chủng Hóa học (Bộ Quốc phòng) đã công bố hoàn thành xử lý hiện trường đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So.
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - Trưởng Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam; lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã tham dự buổi lễ.
Tại buổi lễ, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh, sau 3 năm triển khai dự án, từ một sân bay là điểm nóng ô nhiễm với chất độc vô cùng độc hại, nguy hiểm, sân bay A So đã được hoàn trả môi trường trong sạch, an toàn, ngăn ngừa tác động nguy hiểm của dioxin đối với sức khỏe con người và môi trường sinh thái, giúp ổn định đời sống, phát triển kinh tế xã hội. Thành công của dự án thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo sát sao của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đối với công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học sau chiến tranh; khẳng định năng lực khoa học công nghệ của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Tháng 3/2020, Bộ Quốc phòng đã phê duyệt dự án “Xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So thuộc huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế” giao trực tiếp cho Binh chủng Hóa học chủ trì thực hiện dự án. Theo đó, Binh chủng đã thành lập Ban Quản lý dự án “Xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So thuộc huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế” và giao cho Trung tâm Hành động Quốc gia xử lý chất độc hóa học và môi trường trực tiếp chủ trì và thiết kế công nghệ áp dụng cho dự án. Qua phân tích, đánh giá, Trung tâm hành động Quốc gia xử lý chất độc hóa học và môi trường đã lựa chọn công nghệ chôn lấp, cô lập kết hợp công nghệ xử lý bằng phương pháp phân hủy sinh học để xử lý đất nhiễm dioxin tại sân bay A So phù hợp với điều kiện kinh tế cũng như kỹ thuật tại Việt Nam. Chất độc được cách ly hoàn toàn với môi trường bên ngoài, không gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người và môi trường sinh thái.
Với tổng kinh phí 74 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, dự án đã tiến hành rà phá bom mìn đối với diện tích hơn 9 hecta tại sân bay A So; tiến hành thu gom, xử lý 38.718 m3 đất và trầm tích ô nhiễm dioxin. Đặc biệt, với công nghệ chôn lấp cô lập do Viện Hóa học Môi trường quân sự nghiên cứu, dự án đã ứng dụng hiệu quả công nghệ sinh học do Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) chuyển giao để xử lý triệt để đất ô nhiễm nặng. Đây là minh chứng rõ nét về khả năng làm chủ công nghệ của Việt Nam trong xử lý dioxin nói riêng và chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh nói chung.
Qua 3 năm triển khai, dự án đã thực hiện xử lý xong 5 luống đất nhiễm chất độc dioxin bằng phương pháp chôn lấp cô lập và thực hiện xong xử lý 1 luống bằng phương pháp phân hủy sinh học (tổng khối lượng 38.718 m3 đất nhiễm). Dự án đã tiến hành hoàn thổ và trồng cây trên diện tích đất khu B (5,23ha), san mặt bằng hố chôn dự án tại khu A theo đúng tiến độ đề ra và bàn giao đất sạch cho địa phương.
Trong chiến tranh, Mỹ đã sử dụng thung lũng A So của huyện A Lưới làm sân bay dã chiến. Đây cũng là nơi chứa chất độc hóa học, là trạm trung chuyển để không quân Mỹ đi phun rải ở khu vực miền Trung Việt Nam. Trong vòng 10 năm (1961-1971), Thừa Thiên - Huế với trọng điểm là sân bay A So là nơi hứng chịu hậu quả nặng nề của chất độc hóa học. Sau chiến tranh, toàn tỉnh có gần 16.000 người bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, riêng huyện A Lưới có khoảng 5.000 người.