Công bố khảo sát 2025 về nhu cầu quản lý tài sản và đầu tư của người Việt

Ngày 8/7, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty Quản lý Quỹ Thiên Việt (TVAM) tổ chức Hội nghị 'Tích lũy và Quản lý tài sản'. Tại hội nghị TVAM chính thức công bố Kết quả khảo sát 2025 'Thực trạng và nhu cầu của người Việt về quản lý tài sản cá nhân'.

Các diễn giả thảo luận giải pháp tiết kiệm và đầu tư tài sản cá nhân tại hội nghị.

Các diễn giả thảo luận giải pháp tiết kiệm và đầu tư tài sản cá nhân tại hội nghị.

Báo cáo khảo sát phản ánh nhu cầu lớn về tư vấn và đồng hành trong quản lý tài chính chuyên nghiệp – cả về mặt kiến thức lẫn công cụ.

Báo cáo khảo sát của Công ty Quản lý Quỹ Thiên Việt ghi nhận một thực trạng đáng quan tâm ở nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam. Mặc dù có đến 88% nhà đầu tư kỳ vọng lợi nhuận trên 7%/năm, trong đó 42% mong đợi mức sinh lời từ 15–30%/năm, phần lớn vẫn ưu tiên các kênh đầu tư truyền thống như tiết kiệm, vàng và bất động sản.

Dù các kênh đầu tư như vàng, bất động sản có thể sinh lời tốt ở một số giai đoạn, nhưng đặc tính thanh khoản thấp, khó dự báo, nhất là trong bối cảnh thị trường biến động nhanh, khiến việc tối ưu danh mục dài hạn gặp nhiều thách thức.

Số liệu từ báo cáo cho thấy, có tới 75% nhà đầu tư chỉ đầu tư vào 2–3 kênh, đặc biệt là các kênh truyền thống, thay vì chủ động phân bổ tài sản đa dạng – một xu hướng tương đồng với toàn cầu.

 Quang cảnh Hội nghị "Tích lũy và Quản lý tài sản".

Quang cảnh Hội nghị "Tích lũy và Quản lý tài sản".

Thực tế này phản ánh tâm lý e ngại rủi ro và thiếu định hướng trung dài hạn, ngay cả ở nhóm nhà đầu tư có năng lực tài chính và sở hữu tài sản tích lũy lớn. Họ thường ưu tiên các sản phẩm đơn giản, dễ tiếp cận hơn là đa dạng hóa danh mục qua các công cụ tài chính như , trái phiếu hay đầu tư trực tiếp vào doanh nghiệp.

Xu hướng này không chỉ phổ biến ở nhóm nhà đầu tư đại chúng. Ngay cả nhóm có tài sản từ 1 tỷ đồng và thu nhập hàng năm trên 500 triệu đồng cũng thể hiện hành vi tương tự.

Điều này cho thấy rào cản không nằm ở khả năng tài chính, mà chủ yếu đến từ việc chưa đủ trải nghiệm đầu tư và kiến thức về quản lý tài chính. Không ít nhà đầu tư – kể cả những người có kinh nghiệm, vẫn chưa chủ động lập danh mục phù hợp với mục tiêu đang có.

Có đến 74% nhà đầu tư trong khảo sát kỳ vọng mức thu nhập sau nghỉ hưu từ 100–500 triệu đồng mỗi năm, nhưng phần lớn vẫn đầu tư theo thói quen, thiếu phân bổ rủi ro hợp lý. Điều này dẫn đến việc bỏ lỡ cơ hội tận dụng sức mạnh của lãi kép và không đạt được lợi nhuận như mong muốn.

Khảo sát cho thấy phần lớn nhà đầu tư vẫn đang “tự lo” cho hành trình tài chính của mình mà thiếu sự hỗ trợ chuyên sâu, được dẫn chứng bởi 77% nhà đầu tư chia sẻ gặp khó khăn khi tự quản lý tài sản. Trong đó, 51% bị cảm xúc chi phối khi ra quyết định và 48% thiếu kiến thức chuyên môn, khiến họ dễ bị cuốn theo xu hướng ngắn hạn hoặc đầu tư không hiệu quả.

Dù vậy, nhu cầu hỗ trợ tài chính vẫn rất rõ ràng. Có đến 81% người khảo sát cho biết họ mong muốn được tư vấn, đặc biệt ở các mảng như: đầu tư bất động sản (44%), lập kế hoạch tài chính tổng thể (32%), đầu tư cổ phiếu, trái phiếu, quỹ (31%), và tư vấn thuế liên quan đến tài sản (29%).

Trong bối cảnh hiện nay, dịch vụ Quản lý tài sản (Wealth Management) đóng vai trò quyết định trong việc định hướng hành trình tài chính hiệu quả và bền vững của nhà đầu tư.

là dịch vụ tư vấn và quản lý đầu tư toàn diện, giúp cá nhân lập kế hoạch tài chính, bảo toàn và phát triển tài sản dài hạn thông qua phân bổ danh mục, đầu tư và kiểm soát rủi ro.

Dịch vụ này hiện được các tổ chức tài chính hàng đầu tại Việt Nam định dạng theo hướng cá nhân hóa và tích hợp giải pháp đầu tư, hướng dẫn thuế, lập kế hoạch bất động sản, kế hoạch nghỉ hưu, thừa kế và hỗ trợ pháp lý.

Cho đến nay, công nghệ vẫn chưa thể thay thế được yếu tố con người trong việc ra quyết định tài chính. Nhiều nhà đầu tư vẫn cần cảm giác an tâm khi có chuyên gia đồng hành, đặc biệt trong các giai đoạn thị trường biến động.

Vì vậy, mô hình hybrid – kết hợp giữa công nghệ số và tư vấn - quản lý đầu tư cùng chuyên gia, sẽ là một hướng phát triển phù hợp, giúp xây dựng lòng tin, nâng cao trải nghiệm và mở rộng tiếp cận dịch vụ quản lý tài sản tại Việt Nam trong thời gian tới.

 Ông Trần Vinh Quang, Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Thiên Việt (TVAM).

Ông Trần Vinh Quang, Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Thiên Việt (TVAM).

Ông Trần Vinh Quang, Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Thiên Việt (TVAM), chia sẻ: Lần đầu tiên tại Việt Nam, chúng ta có được một bức tranh toàn diện về khoảng cách giữa kỳ vọng sinh lời, hành vi tài chính và nhu cầu thực sự của nhà đầu tư cá nhân.

Khoảng trống này mở ra dư địa rất lớn cho thị trường quản lý tài sản – đặc biệt khi tầng lớp trung lưu và người tiêu dùng cao cấp đang tăng trưởng nhanh chóng cả về quy mô và kỳ vọng.

Tại các quốc gia phát triển như Mỹ, Singapore hay Trung Quốc, phân bổ tài sản bài bản từ cổ phiếu, trái phiếu, quỹ đầu tư đến các tài sản thay thế – là điều phổ biến. Trong khi đó, phần lớn tài sản của người Việt vẫn đang tập trung vào bất động sản và vàng.

“Để thu hẹp khoảng cách này, các định chế tài chính bao gồm cả công ty chứng khoán và các quỹ đầu tư như TVAM – cần đóng vai trò hướng dẫn, đồng hành và chuẩn hóa dịch vụ quản lý tài sản theo chuẩn mực quốc tế”, ông Trần Vinh Quang nhấn mạnh.

ANH TUẤN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/cong-bo-khao-sat-2025-ve-nhu-cau-quan-ly-tai-san-va-dau-tu-cua-nguoi-viet-post892406.html