Thuế quan của Mỹ: Lợi ích ngắn hạn, thiệt hại lâu dài

Trước thời điểm ngày 1/8 - mốc áp thuế mới mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra - nhiều quốc gia châu Á và Liên minh châu Âu (EU) đang gấp rút đàm phán với Mỹ nhằm tránh các mức thuế quan cao kỷ lục có thể 'giáng đòn' mạnh vào xuất khẩu và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Sau tuyên bố hôm 7/7 về việc áp mức thuế quan từ 25% đến 40% đối với hàng hóa từ 14 quốc gia, bao gồm cả đồng minh thân cận như Nhật Bản, Hàn Quốc, những đối tác như Thái Lan, Indonesia và các nước đang phát triển như Bangladesh hay Myanmar, chính quyền Tổng thống Trump đã gia hạn thời điểm các mức thuế có hiệu lực sang ngày 1/8, thay vì 9/7 như dự kiến ban đầu.

Động thái này tạo ra khoảng thời gian ba tuần cho đàm phán, nhưng đồng thời cũng kéo dài tình trạng bất ổn với các nhà sản xuất và nhà đầu tư. Bà Pamela Coke-Hamilton, Giám đốc Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) của Liên hợp quốc, cảnh báo sự không chắc chắn về thuế quan có thể làm tê liệt các quyết định đầu tư dài hạn và gây thiệt hại lớn cho những nền kinh tế đang phát triển.

Nhật Bản, Hàn Quốc ráo riết hành động

Thép xuất khẩu tại cảng ở Pyeongtaek, Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Thép xuất khẩu tại cảng ở Pyeongtaek, Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Chính phủ Nhật Bản cho biết đã khởi động các cuộc đàm phán với Mỹ để bảo vệ ngành công nghiệp ô tô - trụ cột xuất khẩu của nước này. Ông Ryosei Akazawa, Trưởng đoàn đàm phán thương mại Nhật Bản, đã điện đàm 40 phút với Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick, khẳng định Tokyo sẽ tiếp tục đối thoại tích cực nhưng không chấp nhận đánh đổi ngành nông nghiệp để đạt được một thỏa thuận nhanh.

Về phía Hàn Quốc, Bộ trưởng Thương mại Yeo Han-koo cũng đã có các cuộc gặp tại Washington với các quan chức cấp cao Mỹ nhằm đề nghị miễn hoặc giảm thuế đối với những mặt hàng xuất khẩu chủ lực như ô tô, thép và linh kiện. Ông Yeo Han-koo nhấn mạnh Hàn Quốc là đồng minh lâu dài và đối tác sản xuất đáng tin cậy của Mỹ, và kêu gọi Washington “đối xử ưu đãi” trong chính sách thuế nhập khẩu sắp tới.

Chính phủ Hàn Quốc đang thúc đẩy khả năng đạt được một gói thỏa thuận toàn diện bao gồm cả thuế quan, biện pháp phi thuế quan và hợp tác công nghiệp trước thời hạn 1/8.

EU cảnh báo đáp trả, Đức cứng rắn

Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) - đối tác thương mại song phương lớn nhất của Mỹ - đang đàm phán để đạt được nhượng bộ liên quan đến mức thuế cơ bản 10% với một số mặt hàng như máy bay, thiết bị y tế, đồ uống có cồn và ô tô. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Đức Lars Klingbeil cảnh báo nếu không đạt được một thỏa thuận công bằng, EU sẵn sàng thực hiện các biện pháp đáp trả.

Theo nguồn tin từ Brussels, EU hiện đang chịu mức thuế nhập khẩu lên tới 50% đối với thép và nhôm, 25% đối với ô tô và 10% cho nhiều mặt hàng khác. Mỹ cũng đang xem xét mở rộng phạm vi áp thuế với dược phẩm và chất bán dẫn.

Khó khăn đối với một số nước Đông Nam Á

Một số nền kinh tế Đông Nam Á cũng đối mặt khả năng chịu ảnh hưởng mạnh bởi chính sách thuế mới của Mỹ. Indonesia đối mặt mức thuế 32%, Thái Lan 36%, trong khi Lào và Myanmar bị áp thuế tới 40%. Bangladesh - nơi ngành may mặc đóng góp hơn 80% kim ngạch xuất khẩu - bị đánh thuế 35%, khiến các hiệp hội doanh nghiệp nước này cảnh báo nguy cơ mất đơn hàng lớn.

Tuy nhiên, không phải quốc gia nào cũng rơi vào thế bị động. Campuchia, sau nhiều vòng đàm phán với Mỹ, đã được giảm mức thuế từ 49% xuống còn 36%. Phó Thủ tướng Campuchia Sun Chanthol gọi đây là một “chiến thắng lớn” và tuyên bố nước này sẽ tiếp tục đàm phán để giảm sâu hơn nữa.

Về phần mình, Malaysia cũng bày tỏ lo ngại về việc mức thuế 25% có thể làm gián đoạn dòng đầu tư và hoạt động của doanh nghiệp, song khẳng định nước này cam kết theo đuổi đàm phán để đạt được kết quả bền vững.

Gánh nặng lên người tiêu dùng và rủi ro lạm phát

Theo ước tính của trung tâm nghiên cứu chính sách Yale Budget Lab, sau loạt động thái mới, mức thuế trung bình mà người tiêu dùng Mỹ phải gánh đã tăng từ 15,8% lên 17,6% - mức cao nhất kể từ năm 1934. Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs nhận định chính sách này sẽ làm tăng thêm 1,4 điểm phần trăm vào mức thuế trung bình của nền kinh tế Mỹ.

Các chuyên gia cảnh báo cuộc chiến thuế quan kéo dài có thể làm trầm trọng thêm nguy cơ kinh tế đình lạm (kinh tế đình trệ đi kèm với lạm phát cao) tại Mỹ và buộc châu Âu phải tăng cường kích thích tiêu dùng nội địa để bù đắp cho các trở ngại thương mại.

Trong bối cảnh ba tuần tới mang tính quyết định, mọi ánh mắt đang đổ dồn về Washington và các bàn đàm phán thương mại. Dù một số nước đã đạt được thỏa thuận sơ bộ với Mỹ, chính quyền Tổng thống Trump cho biết vẫn sẵn sàng “lắng nghe” nếu các đối tác “đề xuất một cách làm khác”.

Minh Trang/TTXVN (Tổng hợp)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/thue-quan-cua-my-loi-ich-ngan-han-thiet-hai-lau-dai-20250708223539017.htm