Lo ngại thiếu hụt nguồn cung, giá đường dự báo tiếp tục neo cao

Mặc dù thị trường toàn cầu đã ghi nhận mức dư cung 0,5 triệu tấn đường vào cuối niên độ 2023/2024 nhưng tình trạng thiếu hụt nguồn cung dự báo sẽ sớm lặp lại khi nhiều quốc gia đang đẩy mạnh dùng mía cho sản xuất ethanol.

Bên cạnh yếu tố thời tiết, giá đường neo cao còn đến từ việc ngày càng nhiều quốc gia đẩy mạnh sản xuất ethanol từ mía đường.

Bên cạnh yếu tố thời tiết, giá đường neo cao còn đến từ việc ngày càng nhiều quốc gia đẩy mạnh sản xuất ethanol từ mía đường.

Theo dữ liệu của Chứng khoán FPT, trong giai đoạn 2019/2020 - 2023/2024, giá đường thế giới tăng mạnh với mức tăng trưởng trung bình kép hàng năm (CAGR) lên tới 9,2% do tình trạng thiếu hụt nguồn cung gia tăng. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng đường trên thế giới tăng trưởng khoảng 2,5%/năm.

Bên cạnh yếu tố thời tiết diễn biến cực đoạn trong những năm vừa qua, tình trạng thiếu hụt nguồn cung còn đến từ xu hướng chuyển dịch rõ rệt từ trồng mía để làm đường sang trồng mía để sản xuất ethanol, đặc biệt là tại Brazil và Ấn Độ. Hai quốc gia này chiếm khoảng 50% tổng sản lượng đường xuất khẩu toàn cầu.

Bước sang niên độ 2023/2024, mặc dù thị trường ghi nhận mức thặng dư 0,5 triệu tấn nhưng giá đường vẫn neo ở ngưỡng cao 22 - 24 US cents/lbs (0,454 kg). Thậm chí, vào đầu niên vụ, giá đường đã có lúc lên hơn 27 US cents/lbs - mức cao nhất 11 năm. Nguyên nhân chủ yếu do thị trường lo ngại tình trạng thiếu hụt nguồn cung sẽ lặp lại trong niên vụ sau khi thời tiết tại Ấn Độ và Thái Lan diễn biến tiêu cực.

(Nguồn: ISO, OECD, Chứng khoán FPT)

(Nguồn: ISO, OECD, Chứng khoán FPT)

Theo đánh giá mới đây của Tổ chức Đường Thế giới (ISO), sản lượng đường toàn cầu trong niên độ 2024/2025 dự báo giảm 4% so với niên độ trước. Trong đó, sản lượng đường tại Brazil dự báo giảm 5% do thời tiết khô hạn và xu hướng dịch chuyển của các nhà máy sang sản xuất ethanol nhằm tận dụng lợi thế từ giá nhiên liệu sinh học.

Tương tự, sản lượng đường của Ấn Độ dự báo giảm 12% trong bối cảnh Chính phủ nước này khuyến khích sản xuất ethanol từ mía, hướng tới việc pha trộn 20% ethanol vào xăng nhiên liệu trong năm 2025, dẫn đến các hạn chế về xuất khẩu đường.

Về phía nhu cầu, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) ước tính nhu cầu sử dụng đường toàn cầu năm nay sẽ tăng trưởng 1,2%.

Theo đó, giá đường thế giới trong niên độ 2024/2025 được dự báo duy trì ở mức cao 18 - 22 US cents/lbs và có thể tăng thêm 3% trong niên độ 2025/2026.

(Nguồn: ISO, OECD, Chứng khoán FPT)

(Nguồn: ISO, OECD, Chứng khoán FPT)

Tại Việt Nam, Chứng khoán FPT cho biết giá đường trong nước diễn biến cùng chiều với giá đường thế giới do đó giá đường sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao 19.000 - 20.000 đồng/kg đến cuối năm 2025; đồng thời, giá thu mua mía ở các nhà máy cũng neo cao từ 1.300 - 1.400 đồng/kg.

Diễn biến giá này được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp mía đường, đặc biệt là các doanh nghiệp có vùng nguyên liệu lớn, chất lượng cao như Công ty Cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC AgriS, mã cổ phiếu SBT), Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi (mã cổ phiếu QNS), Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La (mã cổ phiếu SLS)…, cũng như khuyến khích nông dân giữ vững vùng nguyên liệu.

Cũng theo Chứng khoán FPT, sản lượng mía của Việt Nam trong niên độ 2024/2025 ước đạt 3,8 triệu tấn, tăng tới gần 22% so với niên độ trước nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi và diện tích trồng mía tăng mạnh (khoảng 27%) khi giá đường neo cao, kích thích nông dân mở rộng diện tích canh tác.

Duy Quang

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/lo-ngai-thieu-hut-nguon-cung--gia-duong-du-bao-tiep-tuc-neo-cao-142601.htm