Công bố kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024

Ngày 6-7, tại họp báo thường kỳ của Chính phủ tháng 6-2024, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trao đổi về mục tiêu tăng trưởng kinh tế và kế hoạch thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) cả năm 2024. Cũng tại họp báo, các bộ, ngành công bố, làm rõ một số thông tin khác được dư luận quan tâm.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương thông tin về kỳ vọng tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương thông tin về kỳ vọng tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm.

Kiến nghị lựa chọn kịch bản tăng trưởng cả năm 6,5-7%

Trả lời về thu hút đầu tư FDI, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tổng vốn FDI đăng ký 6 tháng đạt gần 15,2 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ. Trong đó FDI đăng ký mới đạt hơn 9,5 tỷ USD, tăng 46,9%; vốn FDI thực hiện đạt khoảng 10,8 tỷ USD, tăng 8,2%. Nhiều dự án FDI lớn trong các lĩnh vực bán dẫn, điện tử, năng lượng… được đầu tư mới và mở rộng tăng vốn.

Đối với kỳ vọng 6 tháng cuối năm 2024, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, nhiều tổ chức tài chính quốc tế đánh giá cao, lạc quan về thu hút FDI của Việt Nam nhờ vào 3 yếu tố: chiến lược đa dạng hóa cung ứng đầu tư; tăng trưởng kinh tế Việt Nam có nhiều triển vọng, tác động tích cực đến chiến lược đầu tư của các nhà đầu tư và yếu tố nền tảng. Mặc dù gặp nhiều biến động từ các yếu tố bên ngoài, tuy nhiên chỉ số CPI của Việt Nam vẫn duy trì dưới mức 4%, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.

“Qua khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, niềm tin của nhà đầu tư FDI vẫn đang rất tích cực, thể hiện mong muốn tiếp tục đầu tư vào nước ta. Do vậy, có thể kỳ vọng thu hút FDI cả năm 2024 có thể đạt ở mức 39 - 40 tỷ USD, cao hơn so với cùng kỳ năm 2023" – Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.

Về mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2024, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhắc lại, tăng trưởng GDP quý II và 6 tháng đầu năm tích cực. Cụ thể, tăng trưởng GDP quý II ước đạt 6,93% so với cùng kỳ, 6 tháng tăng 6,42%, vượt cận trên kịch bản tại Nghị quyết 01 (6%).

Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh, cộng đồng và xã hội kỳ vọng kết quả tăng trưởng cuối năm tốt đẹp hơn. Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng trình Chính phủ.

Kịch bản 1: Tăng trưởng cả năm đạt 6,5% (cận trên mục tiêu Quốc hội quyết nghị), tăng trưởng quý III là 6,5%, quý IV là 6,6% (kịch bản tại Nghị quyết số 01 là 6,7% và 7%). Kịch bản 2: Tăng trưởng cả năm đạt 7%, tăng trưởng quý III là 7,4%, quý IV là 7,6%, cao hơn kịch bản tại Nghị quyết số 01 là 0,7% và 0,6%. Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Chính phủ lựa chọn kịch bản tăng trưởng cả năm 6,5-7%, phấn đấu đạt mức cao 7%.

Thông tin tại họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, nhiều tổ chức, chuyên gia quốc tế tiếp tục đánh giá cao kết quả và triển vọng của kinh tế Việt Nam. ADB, Standard Chartered, HSBC dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam khoảng 6%. IMF đánh giá Việt Nam là đại diện Đông Nam Á duy nhất lọt vào top 10 với dự báo tăng trưởng 6,4% giai đoạn 2024 - 2029. Xếp hạng môi trường kinh doanh tăng 12 bậc; Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu xếp hạng tăng 2 bậc;… Nhiều tổ chức, chuyên gia quốc tế tiếp tục đánh giá cao kết quả và triển vọng của kinh tế Việt Nam.

ADB, Standard Chartered, HSBC dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam khoảng 6%. IMF đánh giá Việt Nam là đại diện Đông Nam Á duy nhất lọt vào top 10 với dự báo tăng trưởng 6,4% giai đoạn 2024-2029. Xếp hạng môi trường kinh doanh tăng 12 bậc; Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu xếp hạng tăng 2 bậc.

Kiểm tra sinh trắc học bảo đảm quyền lợi của khách hàng

Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cam kết, mọi vướng mắc liên quan đến áp dụng sinh trắc học trong giao dịch ngân hàng đều được hệ thống ngân hàng xử lý.

Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cam kết, mọi vướng mắc liên quan đến áp dụng sinh trắc học trong giao dịch ngân hàng đều được hệ thống ngân hàng xử lý.

Liên quan đến những khó khăn của người dân khi cung cấp thông tin sinh trắc học cho ngân hàng, tại họp báo, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng cho biết, Quyết định 2345/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về triển khai giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng có mục đích đầu tiên là làm sạch các tài khoản.

Theo ông Dũng, cách thức kiểm tra sinh trắc học đơn giản, là so sánh khuôn mặt của người thực hiện giao dịch với khuôn mặt đã được kiểm tra, đối chiếu với cơ sở dữ liệu của Bộ Công an. Nếu khớp đúng thì cho thực hiện. Còn những giao dịch dưới 10 triệu đồng, giao dịch thanh toán cho hàng hóa thiết yếu, kể cả 100 triệu đồng, mua vé máy bay, trả tiền điện… thì không bị điều tiết, không có vướng mắc về thuế.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, bình quân trong tháng 6-2024, lượng giao dịch trên 10 triệu đồng chiếm 8% số lượng giao dịch, bình quân 1 ngày có từ 1,8 – 2 triệu giao dịch này.

Cũng theo ông Dũng, hiện nay có khoảng 80% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng, tương đương với khoảng 65 triệu người trưởng thành có tài khoản tại ngân hàng. Số lượng tài khoản khoảng 180 triệu, bình quân mỗi người Việt Nam có 3 tài khoản tại ngân hàng.

Tính đến chiều 5-7, các ngân hàng đã đối chiếu làm sạch với căn cước công dân theo dữ liệu của Bộ Công an là 19 triệu, trong đó có 10% số người được ngân hàng hỗ trợ làm việc trực tiếp tại quầy. Trong ngày đầu 1-7, do rất đông người vào thử các hệ thống nên có sự trục trặc nhất định. Những ngày sau đó, hệ thống đã hoạt động bình thường. Giao dịch ngày 5-7 là đạt điểm đỉnh của hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, với 26,3 triệu giao dịch, lớn nhất trong 10 ngày gần đây, trong đó 8,35% là giao dịch trên 10 triệu đồng. “Ngân hàng Nhà nước cũng rất lựa chọn chứ không phải bắt tất cả mọi người phải xác thực sinh trắc học. Tương lai nếu làm tốt chúng ta có thể giảm số tiền giao dịch xuống”, ông Phạm Tiến Dũng cho hay.

Về bảo mật thông tin, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, Luật Tổ chức tín dụng có quy định về trách nhiệm của ngân hàng trong bảo mật thông tin. Luật An ninh mạng, đặc biệt là Nghị định 13 quy định về bảo vệ thông tin. Khi ngân hàng làm cũng phải tuân thủ các quy định này. Ngân hàng Nhà nước có thông tư quy định về đảm bảo an ninh, an toàn và sự hoạt động liên tục của các hệ thống thông tin. Về bảo mật giao dịch, giao dịch trên 10 triệu đồng có thêm một bước kiểm tra sinh trắc học, còn các giao dịch khác vẫn như cũ, gồm OTP, username, password.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng tái khẳng định, không có chuyện tất cả 180 triệu tài khoản đều phải kiểm tra sinh trắc học và việc này sẽ được làm có lộ trình, dần dần, làm đến đâu chắc đến đó, với mục tiêu duy nhất là bảo đảm quyền và lợi ích của khách hàng.

Cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre nhận lợi ích vật chất từ Giám đốc Xuyên Việt Oil

Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Phó Chánh Văn phòng Bộ Công an, Người phát ngôn Bộ Công an, thông tin về các vụ án được dư luận quan tâm.

Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Phó Chánh Văn phòng Bộ Công an, Người phát ngôn Bộ Công an, thông tin về các vụ án được dư luận quan tâm.

Tại họp báo, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Phó Chánh Văn phòng Bộ Công an được giới thiệu giữ chức Người phát ngôn Bộ Công an, thay Trung tướng Tô Ân Xô được giao nhiệm vụ mới. Trả lời câu hỏi tại họp báo, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên cho biết, đối với các vụ án liên quan đến Tập đoàn Phúc Sơn; Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An; ông Nguyễn Văn Yên, nguyên Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương đang được cơ quan điều tra Bộ Công an tập trung điều tra, làm rõ theo quy định pháp luật.

Đối với vụ án vi phạm về quy định quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ, nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; gây ảnh hưởng đối với người khác xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil và các cá nhân, tổ chức liên quan, đến nay Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố 14 bị can về 5 nhóm tội danh.

Trong quá trình điều tra xác định có 2 nội dung chính là các đối tượng đã lợi dụng chức năng về quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, thuế, ngân hàng để được cấp và gia hạn giấy phép kinh doanh xăng dầu khi không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.

Đối với bà Mai Thị Hồng Hạnh (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil) và đồng phạm đã sử dụng trái phép nguồn tiền từ quỹ bình ổn và giảm giá xăng dầu và tiền thuế bảo vệ môi trường vào mục đích kinh doanh, sử dụng cá nhân.Ngoài ra, Mai Thị Hồng Hạnh đã sử dụng một phần tiền này để thiết lập các mối quan hệ.

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đang tích cực điều tra, làm rõ vụ án và xác định trách nhiệm của các cá nhân liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật, đồng thời tiếp tục xác minh, kê biên, phong tỏa tài sản của các đối tượng liên quan để đảm bảo thu hồi tài sản cho Nhà nước.

Liên quan đến vụ án này, Bộ Công an xác định, trong thời gian từ cuối năm 2021 đến tháng 4-2022, ông Lê Đức Thọ (cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre) đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhận lợi ích vật chất từ Mai Thị Hồng Hạnh để tác động gây ảnh hưởng với các tổ chức tín dụng tạo thuận lợi cho Công ty Xuyên Việt Oil được cấp hạn mức tín dụng, vay vốn, giải ngân với điều kiện ưu đãi. Ông Lê Đức Thọ đã bị khởi tố, bắt tạm giam về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi".

Ngoài ra, ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường (Bộ Công Thương) và Đặng Công Khôi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) bị khởi tố về tội "Thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng". Ông Lê Duy Minh, cựu Cục trưởng Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh, Giám đốc Sở Tài chính thành phố Hồ Chí Minh bị khởi tố về tội "Nhận hối lộ". Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã bị khởi tố về tội "Nhận hối lộ".

B.T - X.T - V.G.P

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/cong-bo-kich-ban-tang-truong-kinh-te-viet-nam-nam-2024-post297683.html