Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 9 luật và 1 Pháp lệnh
Chiều 20.12, tại Phủ Chủ tịch, dưới sự chủ trì của Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 9 luật vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Tám và 1 Pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tham dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy; Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần; Phó Chánh án Tòa án dân tối cao Nguyễn Văn Tiến; Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm; Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Quyên.
9 luật vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Tám gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật Tư pháp người chưa thành niên năm 2024; Luật Địa chất và khoáng sản năm 2024; Luật Phòng không nhân dân năm 2024; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư công năm 2024; Luật Điện lực năm 2024. Đồng thời, công bố Pháp lệnh Chi phí tố tụng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 11.12.2024.
Luật Địa chất và khoáng sản năm 2024 đã bỏ một số quy trình thủ tục hành chính; đơn giản hóa một số thủ tục hành chính so với Luật năm 2010. Cụ thể, bỏ thủ tục đăng ký khảo sát thực địa để lập đề án thăm dò khoáng sản. Trường hợp này, tổ chức, cá nhân chỉ cần gửi văn bản thông báo đến UBND cấp tỉnh nơi có khu vực dự kiến thăm dò khoáng sản trước khi tiến hành khảo sát. Quy định một số trường hợp không phải thực hiện đóng cửa mỏ khoáng sản; một số trường hợp chỉ phải lập, thực hiện phương án đóng cửa mỏ thay vì đề án đóng cửa mỏ. Luật có hiệu thi hành từ ngày 1.7.2025.
Luật Điện lực năm 2024 gồm 9 chương, 81 Điều, bổ sung nguyên tắc về xây dựng giá điện cho các loại hình; bổ sung phương pháp hướng dẫn và hình thức định giá đối với lưới điện truyền tải do các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư xây dựng; bổ sung cơ chế giá điện hai thành phần (giá công suất, giá điện năng). Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1.2.2025.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu có hiệu lực thi hành từ ngày 15.1.2025.
Trong đó, về sửa đổi Luật Đầu tư, Luật bổ sung thủ tục đầu tư đặc biệt đối với dự án đầu tư thuộc lĩnh vực công nghiệp bán dẫn công nghệ cao…tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, khu thương mại tự do và khu chức năng trong khu kinh tế theo hướng chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”. Về sửa đổi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật xóa bỏ hạn chế về lĩnh vực đầu tư và mức đầu tư tối thiểu để mở rộng lĩnh vực và tạo cơ chế linh hoạt thu hút đầu tư theo phương thức này…
Luật Đầu tư công năm 2024 đã cho phép tách công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đối với tất cả các nhóm dự án (bao gồm cả dự án nhóm B, C); Nâng quy mô vốn đầu tư công của dự án quan trọng quốc gia từ 30.000 tỷ đồng trở lên; của dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C với quy mô gấp 2 lần so với các quy định hiện hành. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2025.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế đã sửa đổi, cập nhật đối tượng tham gia. Theo đó, bổ sung đối tượng đã được các luật khác quy định và nhân viên y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản. Quy định mức hưởng bảo hiểm y tế khi thực hiện thông cấp khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo hướng không phân biệt địa giới hành chính theo tỉnh, giữ ổn định tỷ lệ mức hưởng bảo hiểm y tế theo quy định của luật hiện hành và mở rộng với một số trường hợp. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2025.
Cũng có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2025, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược đã miễn nộp hồ sơ lâm sàng đối với thuốc mới sản xuất trong nước có chỉ định phòng, điều trị bệnh truyền nhiễm nhóm A đã được công bố dịch, có cùng hoạt chất, dạng bào chế, đường dùng, chỉ định với thuốc đã được cấp phép lưu hành tại một trong các cơ quan quản lý dược tham chiếu. Thực hiện đa dạng hóa hệ thống thuốc và phương thức kinh doanh, phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc. Cho phép cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhập khẩu thuốc chưa có giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam.
Luật Tư pháp người chưa thành niên năm 2024 quy định 12 biện pháp xử lý chuyển hướng gồm: Khiển trách; Xin lỗi bị hại; Bồi thường thiệt hại; Giáo dục tại xã, phường, thị trấn; Quản thúc tại gia đình; Hạn chế khung giờ đi lại; Cấm tiếp xúc với người có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới; Cấm đến địa điểm có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới; Tham gia chương trình học tập, dạy nghề; Tham gia điều trị hoặc tư vấn tâm lý; Thực hiện công việc phục vụ cộng đồng; Giáo dục tại trường giáo dưỡng. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2026.
Luật Phòng không nhân dân năm 2024 gồm 7 chương, 47 điều, quy định về nội dung hoạt động phòng không nhân dân; xây dựng kế hoạch phòng không nhân dân; xây dựng thế trận phòng không nhân dân; huấn luyện phòng không nhân dân… Luật cũng quy định về nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập tàu bay không người lái, phương tiện bay khác. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2025.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam đã cho phép sĩ quan được xét nâng lương trước thời hạn và giao Chính phủ quy định cụ thể tiêu chí, tiêu chuẩn để xét thăng quân hàm sĩ quan cấp tướng trước thời hạn; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định cụ thể tiêu chí, tiêu chuẩn để xét thăng quân hàm sĩ quan cấp tá, cấp úy và nâng lương sĩ quan trước thời hạn. Luật có hiệu thi hành từ ngày 1.12.2024.
Pháp lệnh chi phí tố tụng có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2025, quy định về người được miễn tạm ứng chi phí xem xét thẩm định tại chỗ, chi phí giám định trong tố tụng dân sự tố tụng hành chính gồm: Trẻ em; cá nhân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; người cao tuổi được hưởng chính sách bảo trợ xã hội và người khuyết tật được hưởng chính sách bảo trợ xã hội theo quy định của pháp luật; người có công với cách mạng; người dân tộc thiểu số cư trú ở thôn, xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi liệt sỹ, người có công nuôi liệt sỹ; người nhiễm chất độc da cam.