Công bố mở Bến cảng container quốc tế Tân Cảng Hải Phòng
Bến cảng container quốc tế Tân Cảng Hải Phòng được mở để tiếp nhận tàu thuyền Việt Nam và nước ngoài ra - vào hoạt động bốc dỡ hàng hóa và thực hiện các dịch vụ hàng hải khác có liên quan. Cục Hàng hải Việt Nam vừa có Quyết định công bố mở bến cảng container Quốc tế Tân Cảng Hải Phòng, thuộc khu bến cảng Lạch Huyện của Công ty TNHH Cảng Container Quốc tế Tân Cảng Hải Phòng để tiếp nhận tàu thuyền Việt Nam và nước ngoài ra, vào hoạt động bốc dỡ hàng hóa, thực hiện các dịch vụ hàng hải khác có liên quan.
Bến cảng container quốc tế Tân Cảng Hải Phòng (tên viết tắt: TC-HICT), vị trí tại phía trái luồng hàng hải Hải Phòng, thuộc địa phận huyện Cát Hải. Bến cảng nằm trong vùng nước cảng biển thuộc khu vực quản lý của Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng đã được Bộ Giao thông vận tải công bố tại Thông tư số 23/2019/TT-BGTVT ngày 21/6/2019.
Bến cảng có tổng chiều dài 750m (Cầu cảng số 1 dài 375m, Cầu cảng số 2 dài 375m), tiếp nhận tàu trọng tải đến 50.000 DWT đầy tải và 145.000 DWT giảm tải với mớn nước phù hợp (tàu có trọng tải trên 100.000 DWT đến 132.900 DWT giảm tải mớn nước tối đa 14,3m, tàu có trọng tải trên 132.900 DWT đến 145.000 DWT giảm tải mớn nước tối đa 14,0m); Cầu cảng số 1A có chiều dài 150m, tiếp nhận tàu, sà lan sức chứa 100Teus (tương đương tàu trọng tải 2.000DWT).
Theo quyết định, Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng có trách nhiệm quản lý Nhà nước chuyên ngành về hàng hải tại khu vực bến cảng, cầu cảng TC-HICT và được thu các khoản phí theo quy định pháp luật. Căn cứ điều kiện khai thác cầu cảng, điều kiện thực tế của cầu cảng, luồng hàng hải tại khu vực, giới hạn độ sâu vùng nước trước cầu cảng, luồng tàu ra vào cầu cảng (theo thông báo hàng hải)…, hồ sơ thiết kế của cầu cảng, điều kiện khai thác cầu cảng, quy định tại Quyết định này, phương án bảo đảm an toàn được duyệt và các quy định của pháp luật có liên quan để cho phép tàu thuyền có trọng tải và mớn nước phù hợp ra, vào neo đậu, bốc xếp hàng hóa và thực hiện các dịch vụ hàng hải khác tại các cầu cảng nêu trên với yêu cầu bảo đảm an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, phòng chống cháy nổ và phòng ngừa ô nhiễm môi trường.
Đối với Công ty TNHH Cảng Container Quốc tế Tân Cảng Hải Phòng, có trách nhiệm Căn cứ quy định của Quyết định, các quy định của pháp luật có liên quan và hồ sơ thiết kế cầu cảng, thông số kỹ thuật của tàu theo thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để thông báo cụ thể điều kiện khai thác và tổ chức khai thác vận hành cầu cảng đúng mục đích.
Rà soát, hoàn chỉnh và phê duyệt quy trình vận hành, khai thác, bảo trì công trình phù hợp với thiết kế cầu cảng theo quy định hiện hành. Trong quá trình vận hành khai thác, Công ty TNHH Cảng Container Quốc tế Tân Cảng Hải Phòng cần thường xuyên theo dõi, quan trắc, kiểm tra, đánh giá an toàn công trình để xử lý kịp thời khi phát sinh sự cố. Công tác duy tu, bảo trì cầu cảng, khảo sát thông báo hàng hải định kỳ độ sâu các khu nước trước cầu cảng, luồng vào cầu cảng và vũng quay trở tàu của cầu cảng cần được thực hiện theo quy định.
Theo Quyết định số 522/QĐ-BGTVT do Bộ Giao thông Vận tải công bố Danh mục bến cảng thuộc các Cảng biển Việt Nam, trong tổng số 296 bến cảng thuộc các Cảng biển Việt Nam, thành phố Hải Phòng có 52 bến cảng, gồm các bến cảng: Hải Phòng (khu cảng chính, Hoàng Diệu), Vật Cách, Đình Vũ, Xăng dầu 19-9, Đoạn Xá, Transvina, Hải Đăng, Greenport, Chùa Vẽ, Cửa Cấm, Thủy sản II, Caltex, công nghiệp tàu thủy Nam Triệu….
Quy hoạch tổng thể phát triển cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 được phê duyệt. Quy hoạch tập trung phát triển hai khu vực Lạch Huyện, Nam Đồ Sơn (Hải Phòng) và Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu) để trở thành các cảng trung chuyển quốc tế. Quy hoạch xác định mục tiêu đến năm 2030, hệ thống cảng biển Việt Nam đáp ứng thông qua lượng hàng hóa từ hơn 1,1 - 1,4 tỷ tấn; trong đó, hàng container từ 38 - 47 triệu TEU; hành khách từ 10,1 - 10,3 triệu lượt khách.
Theo số liệu từ Cục Hàng hải Việt Nam, trong tháng đầu năm 2024 có tổng số hơn 8.300 lượt tàu thuyền thông qua cảng biển Việt Nam. Con số này tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023.
Số lượt tàu quốc tế tăng mạnh với số lượt thông qua đạt 4.210 lượt, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượt tàu nội thông qua đạt 4.167 lượt, tăng 16%. Số lượt tàu xuất nhập cảnh đạt 511 lượt, tăng 10% và tàu chạy tuyến nội địa đạt 3.656 lượt, tăng 17%.