Công bố Quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Sáng ngày 9/10, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị 'Công bố Quyết định phê duyệt Quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050'.

Phát biểu tại hội nghị, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo cho biết, Quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ban hành tại Quyết định số 895/QĐ-TTg ngày 24/8/2024.

Việc ban hành Quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là góp phần triển khai thực hiện Luật Quy hoạch, Luật Lâm nghiệp và cụ thể hóa Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đồng thời góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển bền vững theo Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Quang cảnh hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

Mục tiêu tổng quát của quy hoạch là xây dựng ngành lâm nghiệp trở thành một ngành kinh tế, kỹ thuật trên cơ sở thiết lập, quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng bền vững tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp; đảm bảo sự tham gia rộng rãi, bình đẳng của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động lâm nghiệp, huy động các nguồn lực xã hội; phát huy tối đa các tiềm năng, vai trò và giá trị của rừng để phát triển bền vững; đóng góp ngày càng tăng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Mục tiêu cụ thể: Đảm bảo duy trì tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc ổn định từ 42% đến 43%, chú trọng nâng cao chất lượng rừng, nhất là rừng tự nhiên hiện có. Tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp bình quân đạt 5,0% đến 5,5%/năm. Giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt 20 tỷ USD vào năm 2025 và 25 tỷ USD vào năm 2030.

Đến năm 2025, giá trị thu nhập từ rừng trồng sản xuất trên một đơn vị diện tích tăng lên 1,5 lần, đến năm 2030 tăng 2 lần so với năm 2020. Thu dịch vụ môi trường rừng tăng bình quân 5%/năm. Giai đoạn 2021 - 2025 thu khoảng 3.500 tỷ đồng/năm, giai đoạn 2026 - 2030 thu khoảng 4.000 tỷ đồng/năm.

Quy hoạch cũng nêu rõ 7 nhóm giải pháp và 9 lĩnh vực nhà nước ưu tiên hỗ trợ đầu tư. Đó là chuyển giao công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới trong sản xuất lâm nghiệp; xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng sản xuất; sản xuất giống cây rừng chất lượng cao...

Về nguồn vốn, khái toán nhu cầu vốn thực hiện Quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 khoảng 217.305 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 106.960 tỷ đồng (ngân sách nhà nước khoảng 27.517 tỷ đồng, chiếm 26%, các nguồn vốn hợp pháp khác khoảng 79.443 tỷ đồng, chiếm 74%).

Tại hội nghị, các ban, bộ ngành, các cơ quan từ trung ương tới địa phương tập trung thảo luận và đưa ra các giải pháp nhằm đảm bảo thực hiện có hiệu quả Quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia trong thời gian tới./.

Quá trình tổ chức lập quy hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì tổ chức hội thảo, hội nghị xin ý kiến góp ý; gửi hồ sơ quy hoạch để lấy ý kiến các bộ, ngành, các cơ quan liên quan và các tỉnh, thành phố; đăng tải hồ sơ quy hoạch trên Cổng thông tin điện tử để xin ý kiến rộng rãi; thông qua Hội đồng thẩm định 02 lần; trình Chủ tịch Hội đồng xem xét, ban hành Báo cáo thẩm định quy hoạch và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt.

Khánh Linh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/cong-bo-quy-hoach-lam-nghiep-quoc-gia-thoi-ky-2021-2030-tam-nhin-den-nam-2050-161321.html