Công bố quyết định 2 Bảo vật quốc gia tại tỉnh Bình Định
Hai tượng sư tử trong tư thế nửa nằm, nửa đứng là hình tượng điêu khắc độc nhất trong lịch sử nghệ thuật điêu khắc tượng sư tử của Champa được phát hiện cho đến nay.
Sáng 21/11, Sở Văn hóa và thể thao (VHTT) tỉnh Bình Định đã tổ chức Lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia (BVQG) hai tượng sư tử đá thành Đồ Bàn và giới thiệu các BVQG tỉnh Bình Định.
Theo lãnh đạo Sở VHTT Bình Định, 2 tượng sư tử đá thành Đồ Bàn, niên đại cuối thế kỉ thứ XI, đầu thế kỉ thứ XII, phát hiện năm 1992 tại thôn Bả Canh gần di tích tháp Cánh Tiên trong khu vực thành Đồ Bàn, xã Nhơn Hậu, An Nhơn.
Hai tượng sư tử trong tư thế nửa nằm, nửa đứng là hình tượng điêu khắc độc nhất trong lịch sử nghệ thuật điêu khắc tượng sư tử của Champa được phát hiện cho đến nay.
Trước đó, tại Quyết định số 73/QĐ-TTg, ngày 18/1, về việc công nhận BVQG (đợt 12, năm 2023), Thủ tướng Chính phủ đã công nhận 29 hiện vật là BVQG.
Trong số 29 hiện vật được công nhận là BVQG tại Quyết định số 73/QĐ-TTg, tỉnh Bình Định có hai Tượng sư tử đá thành Đồ Bàn, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bình Định.
Liên quan đến các hiện vật Champa được công nhận là BVQG đợt này, ngoài hiện vật hai Tượng sư tử đá thành Đồ Bàn thuộc tỉnh Bình Định; tỉnh Ninh Thuận có 2 hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia, gồm Bia Phước Thiện, niên đại cuối thế kỉ thứ VIII, đầu thế kỉ thứ IX, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh và Tượng thờ Vua Pô Klong Garai, niện đại thế kỉ thứ XVI-XVII, hiện thờ tại Tháp Po Klong Garai, TP Phan Rang- Tháp Chàm.
Các BVQG khác được công nhận đợt này, gồm Phù điêu Đản sinh Brahma Mỹ Sơn E1, niên đại thế kỉ thứ VII-VIII và Tượng Shiva Mỹ Sơn C1, niên đại thế kỉ thứ VIII, cùng được lưu giữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Đà Nẵng; Linga vàng Po Dam, niên đại thế kỉ thứ VIII-IX, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bình Thuận (là hiện vật gốc độc bản, quý hiếm, có hình thức độc đáo);
Phù điêu Nữ thần Uma, niên đại thế kỉ thứ IX-X, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu; Phù điêu Apsara Trà Kiệu, niên đại thế kỉ thứ X, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.