Hai vị khách làm bừng dậy những giá trị vĩnh cửu trong tim

Dù đã nửa thế kỷ trôi qua, hai vị khách ngày xưa, những sinh viên trẻ từ Thụy Sỹ - nay đã ngoài 80 tuổi - mới đến Việt Nam, làm sống lại những kỷ niệm nguyên vẹn trong trái tim họ.

Ba chàng trai Thụy Sỹ - một giáo viên trẻ và hai sinh viên - hôm nay chỉ còn hai người đến, sau những phối hợp và giới thiệu của GS. Trình Quang Phú và bà Trần Tố Nga. Ông Olivier Parriaux và Bernard Bachelard - những người đã từng treo cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trên nóc nhà thờ Đức Bà ở Paris năm 1969 - được đón tiếp trọng thị và đầy cảm động tại TP.HCM.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã trao tặng Huy hiệu TP.HCM và gọi thân thương “hai người đồng chí” đấu tranh vì hòa bình và công lý.

Mấy ngày qua, người dân thành phố mới được nghe họ kể lại câu chuyện ngày xưa ở Paris - một người leo lên đỉnh chóp nhà thờ, hai người kia lái xe và canh gác. Họ kể lại trong sự hồi hộp: “Chóp cao quá, độ dốc không có chỗ chạy lấy đà, phải bám vào trụ, loay hoay mất rất lâu mới hoàn thành”. Và mãi tới năm ngoái, 2023, họ mới ra mắt cuốn sách kể lại câu chuyện “Cờ Việt Cộng trên đỉnh nhà thờ Đức Bà”.

Trong những năm tháng Việt Nam kháng chiến đầy gian nan và kiên cường, sự ủng hộ quốc tế đã được thể hiện qua những cách thức khó có thể hình dung được. Tất cả những “sáng kiến từ trái tim” đã tạo ra phong trào phản chiến mạnh mẽ trong lòng nước Mỹ và trên toàn thế giới.

Hai vị khách hôm nay được người dân TP.HCM dõi theo từng bước qua truyền hình, các cuộc họp báo, giao lưu, thăm bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, các tin tức truyền thông… khiến tình yêu và lòng biết ơn của người Việt Nam trào dâng, luôn sẵn chứa trong trái tim mỗi người.

Thành phố đón hai vị khách Thụy Sỹ làm sống lại một kỷ niệm khác trong tôi - người viết những dòng này. Khoảng hơn chục năm trước, cũng tại Sài Gòn, tôi đón bà Norman Morrison (người đã bế con gái nhỏ đến đặt con trước Nhà Trắng và tự thiêu để phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam). Hôm đó, có cả vợ chồng người con gái Emily - nhân vật trong bài thơ của Tố Hữu “Emily con”. Lần ấy, bà ghé thăm chớp nhoáng và không xuất hiện trên truyền thông. Emily lúc đó đang mang thai và sắp làm mẹ.

Khi chia tay, tôi đã đưa bà một nén hương và nói: “Tôi không rõ các phong tục của người Mỹ, nhưng xin bà cầm về, thắp nén hương này trên mộ anh Norman Morrison và cầu nguyện giúp: Người Việt Nam luôn nhớ ơn và biết ơn ông”.

Thành phố đón thêm hai người Thụy Sỹ - nay đã nhiều tuổi, nhưng họ vẫn đang cùng nhịp đập trái tim với người dân Việt Nam. Họ gợi nhớ nhiều người bạn quốc tế như bà Norman Morrison, như hai thầy giáo Pháp André Menras và Jean Pierre Debrisban, những người đã phất cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trước tòa nhà Quốc hội của chính quyền Sài Gòn vào năm 1970.

Những người bạn của Việt Nam như vậy - họ là câu trả lời cho các cuộc chiến tranh: Dù thế giới ngày càng phức tạp, các cuộc chiến tranh hôm nay vẫn chưa ngừng nghỉ, dù vũ khí ngày càng giết người “hiệu quả” hơn… thì trái tim con người hiểu biết và yêu thương luôn có cách hành động cao quý và bất ngờ để ủng hộ hòa bình.

Chúc cho chuyến đi này, hai ông có những ngày tuyệt vời ở đất nước mà các ông đã góp sức tranh đấu bằng tình thương yêu mãnh liệt của tuổi trẻ. Hai ông sẽ vui và cảm động khi nhìn thấy ở Sài Gòn - TP.HCM, có một nhà thờ Đức Bà giống nguyên mẫu nhà thờ ở Paris. Như một dấu ấn bền vững vĩnh cửu của người Việt Nam, giàu kính ngưỡng và tình yêu.

Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/hai-vi-khach-lam-bung-day-nhung-gia-tri-vinh-cuu-trong-tim-314690.html