Công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về bảo vật quốc gia Linga vàng

Trong số 29 bảo vật quốc gia được công nhận đợt này, có bảo vật Linga vàng ở tỉnh Bình Thuận. Đây là niềm vinh dự, tự hào của người dân tỉnh Bình Thuận, khi lần đầu tiên địa phương có hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia.

Sáng 2/10, tại tháp Po Sah Inư (TP.Phan Thiết), tỉnh Bình Thuận tổ chức Lễ Công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận bảo vật quốc gia Linga vàng.

Trước đó, ngày 18/1/2023, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết đinh số 73 về việc công nhận bảo vật quốc gia đợt 12 - năm 2023. Trong số 29 bảo vật quốc gia được công nhận đợt này, có Linga vàng tỉnh Bình Thuận.

Sư cả Thường Xuân Hữu - Chủ tịch Hội đồng chức sắc Bàlamôn giáo tỉnh Bình Thuận phát biểu tại lễ công bố.

Sư cả Thường Xuân Hữu - Chủ tịch Hội đồng chức sắc Bàlamôn giáo tỉnh Bình Thuận phát biểu tại lễ công bố.

Bảo vật quốc gia Linga vàng tỉnh Bình Thuận có niên đại khoảng thế kỷ VIII-IX, là hiện vật gốc độc bản, quý hiếm, có hình thức độc đáo; có giá trị về lịch sử, văn hóa, thẩm mỹ. Linga vàng là biểu tượng của sự sinh sôi nảy nở của vạn vật và muôn loài, được chế tác rất đặc biệt có trọng lượng 78,36 gram, với tỉ lệ vàng ròng chiếm 90,4%, 9,6% còn lại là bạc và đồng.

Hiện vật Linga vàng tại di tích tháp Po Dam (xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong) được phát hiện ngay ở địa tầng trong quá trình khai quật khảo cổ, chứa đựng những thông tin khoa học quan trọng, có giá trị lớn đối với công tác nghiên cứu và nhận thức các vấn đề về văn hóa - lịch sử liên quan đến di tích tháp Po Dam nói riêng và văn hóa Chăm nói chung.

Chức sắc người Chăm tại Lễ công bố.

Chức sắc người Chăm tại Lễ công bố.

Bảo vật quốc gia Linga vàng là tư liệu khoa học quan trọng không chỉ đối với khảo cổ học, mà còn có giá trị lớn đối với nghiên cứu lịch sử, văn hóa, mỹ thuật, tôn giáo, kỹ thuật luyện kim, nghề kim hoàn… của cộng đồng người Chăm trước đây.

Trong Bàlamôn giáo, Linga tượng trưng cho thần Shiva với tư cách là nguyên lý nhân quả (phá hủy và tái sinh), là sự sinh sản, vật thờ quan trọng trong các di tích kiến trúc tôn giáo thuộc văn hóa Champa ở miền Trung Việt Nam và các quốc gia cổ đại khác trong khu vực Đông Nam Á.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Đoàn Anh Dũng trao Bằng khen cho tập thể và cá nhân.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Đoàn Anh Dũng trao Bằng khen cho tập thể và cá nhân.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận, hiện nay, trên toàn tỉnh có 78 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh được xếp hạng, trong đó có 28 di tích quốc gia, 50 di tích cấp tỉnh và 4 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Bên cạnh đó, Bảo tàng tỉnh Bình Thuận hiện đang lưu giữ gần 60 ngàn hiện vật; trong đó có gần 30 ngàn hiện vật, cổ vật, tài liệu có giá trị về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật gắn với quá trình hình thành, tồn tại và phát triển của địa phương qua các thời kỳ lịch sử.

Nhân dân địa phương và du khách tham quan khu trưng bày hiện vật.

Nhân dân địa phương và du khách tham quan khu trưng bày hiện vật.

Ông Bùi Thế Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận cho biết, ngày 5/3/2024, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành kế hoạch số 736 về việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị bảo vật quốc gia Linga vàng: "Trong kế hoạch này, chúng tôi cũng đề xuất là trưng bày thường niên vào các sự kiện quan trọng và vào các lễ hội đặc biệt như là dịp Katê này. Chúng tôi cũng làm một phiên bản để trưng bày thường xuyên và di động ở các nơi, ở những sự kiện mà mình mong muốn để truyền bá văn hóa của Việt Nam nói chung, lan tỏa giá trị từ xưa của người Chăm".

Đoàn Sĩ/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/cong-bo-quyet-dinh-cua-thu-tuong-chinh-phu-ve-bao-vat-quoc-gia-linga-vang-post1125529.vov