Công bố Quyết định đặc xá năm 2022: Người hiếp dâm trẻ em không được xem xét đặc xá
Các phạm nhân hoạt động nhằm lật đổ chính quyền, phá rối an ninh; hiếp dâm và hiếp dâm trẻ em có tính chất loạn luân, cướp tài sản có sử dụng vũ khí... không được xét đặc xá trong đợt này.
Sáng 4/7, Văn phòng Chủ tịch nước công bố Quyết định về việc đặc xá năm 2022 của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, nhân dịp kỷ niệm Quốc khánh 2/9.
Đây là năm thứ 2 liên tiếp thực hiện đặc xá theo Luật Đặc xá 2018. Năm 2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng ký quyết định đặc xá cho 3.026 phạm nhân đang chấp hành án, 3 người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù và 6 trường hợp đang hoãn chấp hành án phạt tù.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết, đến nay chưa thống kê được có bao nhiêu người đủ điều kiện đặc xá trong đợt này. Các phạm nhân đều bình đẳng khi xét đặc xá, tuy nhiên nhóm người phạm tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế và chức vụ phải kèm theo một điều kiện là "hoàn thành nghĩa vụ phần dân sự".
Lý giải về việc năm thứ 2 liên tiếp thực hiện đặc xá, ông Long cho hay, đây thể hiện tính nhân văn, nhân đạo và khoan hồng của pháp luật. Hơn nữa, hàng ngàn người được đặc xá năm 2021 đã hưởng niềm vui, về với gia đình để làm lại cuộc sống. Đa số họ đều chấp hành tốt các quy định, chỉ có 2 người được đặc xá dịp năm ngoái phạm tội lại, bởi thế năm nay lại tiếp tục đặc xá.
Người được xét đặc xá dịp này gồm, người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn, tù nhân chung thân được giảm xuống tù có thời hạn và người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.
Để được đặc xá, người đang chấp hành án phải đáp ứng được 7 điều kiện. Tiêu chí đầu tiên được xét đến là ý thức cải tạo tốt, được xếp loại từ khá trở lên; chấp hành án tù ít nhất 1/2 thời gian phạt hoặc 15 năm tù.... Nếu những người này được giảm thời gian chấp hành án phạt tù thì thời gian đó không được tính là đã chấp hành.
Một điều kiện khác là phạm nhân phải chấp hành xong hình phạt bổ sung là tiền. Phạm nhân thi hành được một phần nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác và lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt nên không thể thi hành tiếp phần còn lại cũng được xem xét.
Người lập công, mắc bệnh hiểm nghèo, đau ốm thường xuyên, khuyết tật, từ đủ 70 tuổi trở lên, là lao động duy nhất trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nữ phạm nhân có thai hoặc có con dưới 3 tuổi đang ở cùng... sẽ được xem xét đặc xá khi chấp hành ít nhất 1/3 hoặc 2/5 thời gian án tù hay 13 năm với tù nhân chung thân được giảm xuống án tù có thời hạn.
Đợt đặc xá dịp Quốc khánh năm nay không xét các trường hợp phạm nhân bị kết tội phản bội Tổ quốc, gián điệp, hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, phá rối an ninh... Người trước đó đã được đặc xá, có 2 tiền án trở lên, giết người có tổ chức, hiếp dâm và hiếp dâm trẻ em có tính chất loạn luân, cướp tài sản có sử dụng vũ khí... cũng không được xét đặc xá đợt này.
Khi báo chí đặt câu hỏi về điều kiện đặc xá đối với nhóm tội về tham nhũng, kinh tế, đại diện Bộ Công an cho rằng bất cứ phạm nhân nào cũng được xem xét "bình đẳng như nhau", riêng nhóm tội phạm về tham nhũng và kinh tế còn phải hoàn thành phần trách nhiệm dân sự.
Đáng chú ý, báo chí nêu một trường hợp cụ thể là Phan Sào Nam (người vừa phải quay trở lại trại giam do được tha tù sớm trái quy định) có thuộc diện được đặc xá năm nay? Đại diện Bộ Công an cho hay, giống với mọi phạm nhân khác, nếu Phan Sào Nam đủ điều kiện theo quy định chung thì sẽ được xem xét.