Công chức mãn đời: Đâu cần đặt ra!

Cuộc tranh luận bỏ chế độ 'viên chức suốt đời' thì lo viên chức không yên tâm làm việc, không bỏ thì lo viên chức 'sáng cắp ô đi, tối cắp ô về', lại tiếp tục kéo dài vô tận trong cuộc tranh luận sửa đổi Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức (Thanh niên Online 2-9-2019).

Có lẽ cũng nên nhìn sang nước khác để thử hiểu vấn đề trong một góc nhìn khác: làm thế nào vẫn duy trì chế độ viên chức suốt đời mà không để tiếp diễn những trò “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” [mà qua tranh luận thống kê có tới 30% công chức đang như thế hay tệ hơn nữa là “đục khoét... mọi thứ trần đời” như đã có thể thấy qua những “cáo thị tầm nã” hay “bố cáo bãi chức/tống giam” ngay cả ở cấp cao], hay nếu bỏ biên chế suốt đời e sẽ rơi vào tình thế “xin-cho”...

Thiệt ra, nền hành chính nào cũng có các viên chức tạm gọi là chính ngạch và không chính ngạch, như ở Pháp gọi là titulaires và non-titulaires. Việc bảo vệ người công chức, tạm dịch chữ fonctionnaire, tập trung ở nguyên tắc sau:

- Không giống như nhân viên khu vực tư nhân, người công chức không bị chi phối bởi một hợp đồng với người sử dụng họ.

- Người công chức được bảo vệ trong những nội dung sau: quyền được đối xử bình đẳng, quyền tham gia và hoạt động công đoàn theo lựa chọn cá nhân, quyền được bảo đảm trong những trường hợp tố tụng kỷ luật, quyền tự do ý kiến, quyền tham gia trong vai trò tư vấn - trong việc quản lý cơ quan công sở thông qua các cơ quan trọng tài...(1).

Song, những nghĩa vụ của người công chức cũng rất nghiêm ngặt, nên sẽ tránh tạo điều kiện cho những “thói xấu” lây lan như đã có thể thấy qua chuyện một nữ nhân viên tạp vụ bị một phó giám đốc sở ở một tỉnh miền Tây “canh hễ chỗ làm việc tôi không có người là ông vào ôm, sờ soạng...” (VTC News 17-8-2016). Trường hợp này khó có thể xảy ra trong một bộ máy hành chính được quản lý bằng những điều khoản bảo vệ chống lại quấy rối tình dục và tinh thần.

Nếu nhìn lại một số xã hội, sẽ thấy ở đó lớp viên chức trung cấp, cao cấp, thậm chí kể cả chức tổng thống (ví dụ ở Pháp với các tổng thống Macron, Hollande, Chirac...) thường xuất thân từ trường ENA (Quốc gia hành chính) mà thi tuyển đầu vào yêu cầu một trình độ tối thiểu đại học, tức tuyển những người xuất sắc nhất của mỗi năm; đào tạo bởi một giáo ban thượng thặng theo một học trình cũng không kém, mà mẫu số chung là những thanh niên có đam mê “tang bồng hồ thỉ”, ra trường sẽ tham gia lớp cầm quyền bằng tài trí.

Bởi thế những người tốt nghiệp ENA, có một từ riêng để gọi họ - các énarques - tức các cựu quốc gia hành chính, là những người cầm quyền. Nhưng bên cạnh đó, luật pháp cũng như các quy định giám sát (tài chính chẳng hạn) đều rất ngặt nghèo và được áp dụng không buông lơi, nên không có đất cho “thu vén” nảy mầm.

Chuyện một bộ trưởng Pháp phải từ chức vì bị “soi” chuyện thưởng thức tôm hùm và rượu ngon bằng tiền công quỹ cho thấy: (i) cũng còn những rơi rớt tham ô, hủ hóa, song không phải là một bệnh dịch chung; (ii) do giám sát, kể cả của xã hội, của báo chí mà có kỷ luật nghiêm; (iii) chính vì quá nghiêm nên mức độ tham ô mới “bèo” như thế (vài trăm euro hay bất quá ngàn euro bữa ăn); (iv) do đó, tham ô, tham nhũng không có đất để sinh sôi, khoan nói đến nảy nở; (v) công chức tập trung vào chức trách của mình và đam mê thăng tiến.

Trong tư duy đó, vấn đề “viên chức suốt đời” đâu còn phải đặt ra. Và nếu có những biện pháp nào có khả năng giảm bớt những “thói xấu” có thể biến thành “tập quán xã hội” thì có lẽ cũng cần xúc tiến, với điều kiện lập ra những hành lang giám sát.

(1) Le statut général de la fonction publique.

Danh Đức

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/293918/cong-chuc-man-doi-dau-can-dat-ra.html