Công chức tăng việc, người dân hưởng lợi

Việc phân cấp, ủy quyền trong giải quyết một số thủ tục hành chính đã thực sự có hiệu quả, vừa đáp ứng được mong đợi của người dân, vừa thuận lợi cho việc triển khai công việc của cán bộ, công chức.

Cán bộ, công chức bộ phận "một cửa" phường Vĩnh Tuy giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

Cán bộ, công chức bộ phận "một cửa" phường Vĩnh Tuy giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

Việc thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị trên địa bàn quận Hai Bà Trưng theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27-11-2019 của Quốc hội và Nghị định số 32/2021/NĐ-CP ngày 29-3-2021 của Chính phủ đã đem lại nhiều hiệu quả thiết thực. Trong đó, việc tăng cường phân cấp, ủy quyền kéo theo khối lượng công việc của cán bộ, công chức nhiều hơn, nhưng người dân được hưởng lợi khi thời gian giải quyết thủ tục hành chính giảm đi.

Đơn giản hóa quy trình giải quyết thủ tục

Thuê trọ trên địa bàn phường Vĩnh Tuy, chị Nguyễn Thị Hạ Lan đã đến bộ phận “một cửa” của UBND phường để sao y bản chính một số giấy tờ cần thiết. “Tôi không gặp bất cứ khó khăn nào, vì cán bộ, công chức ở đây hướng dẫn rất tận tình. Trước đây, việc ký chứng thực là phần việc của lãnh đạo phường, nếu lãnh đạo không có mặt tại trụ sở thì phải chờ đến cuối giờ mới có kết quả, nay chưa đầy 30 phút đã xong mọi thủ tục. Tôi thấy việc ủy quyền cho công chức tư pháp - hộ tịch ký chứng thực giúp nâng cao hiệu quả thực hiện thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình, người dân có thể nhận kết quả ngay khi đến giao dịch tại UBND phường mà không phải chờ đợi nhiều giờ hay phải đi lại nhiều lần”, chị Lan vui vẻ nói.

Cán bộ công chức tư pháp - hộ tịch tại bộ phận “một cửa” UBND phường Vĩnh Tuy Hà Huy Dũng chia sẻ, thuận lợi lớn khi phân cấp ủy quyền trong thực hiện mô hình chính quyền đô thị là cán bộ có thể chủ động thời gian để xử lý hồ sơ cho công dân. Trước đây để chứng thực xong khoảng 300 hồ sơ thì công chức tư pháp - hộ tịch phải mất rất nhiều thời gian, thì nay có thể giải quyết ngay trong ngày mà vẫn làm được công việc chuyên môn.

“Việc ủy quyền giúp giảm đầu mối, lược bỏ các bước xử lý nội bộ, tạo điều kiện cho công chức tư pháp - hộ tịch chủ động hơn trong việc bố trí thời gian giải quyết công việc, giảm áp lực công việc và tăng đáng kể thời gian giải quyết các công việc khác mà lãnh đạo UBND phường phân công”, ông Dũng cho hay.

Công chức bộ phận "một cửa" quận Hai Bà Trưng hướng dẫn người dân giải quyết thủ tục hành chính.

Công chức bộ phận "một cửa" quận Hai Bà Trưng hướng dẫn người dân giải quyết thủ tục hành chính.

Cần thêm cơ chế về biên chế, đãi ngộ

Là phường có quy mô dân số vào loại lớn nhất quận Hai Bà Trưng - khoảng 6 vạn dân, trung bình mỗi ngày, cán bộ, công chức bộ phận “một cửa” của phường Vĩnh Tuy phải tiếp nhận, giải quyết hàng trăm hồ sơ thủ tục hành chính các loại.

Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Tuy Trần Thị Minh Vân cho biết, số dân cả tạm trú và thường trú trên địa bàn có thể lên tới hơn 7 vạn khi các chung cư cao tầng mọc lên, kéo theo nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính của người dân tăng. Vì thế, hầu hết cán bộ, công chức của phường đều phải làm thêm giờ, ngoài giờ hành chính, song chế độ phụ cấp, công tác phí, làm thêm giờ chưa được như kỳ vọng.

Để rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, UBND phường triển khai hiệu quả 2 mô hình: “Thực hiện thí điểm mô hình chứng thực chữ ký tại nhà các văn bản, giấy tờ áp dụng cho các đối tượng là người cao tuổi, người cô đơn, người khuyết tật và người có công với cách mạng trên địa bàn phường Vĩnh Tuy” và “Thực hiện thí điểm mô hình ngày thứ tư không chờ đối với các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực hộ tịch (không có yêu cầu xác minh) trên địa bàn phường Vĩnh Tuy”.

Theo quy định tại Nghị định số 32/2021/NĐ-CP của Chính phủ thì số lượng biên chế công chức phường loại 1 là không quá 15 người/phường, hiện còn thấp so với số lượng công việc thực tế tại phường. Vì thế, công chức phường của quận ngoài nhiệm vụ chuyên môn hầu hết đều được giao nhiệm vụ kiêm nhiệm các lĩnh vực khác, theo dõi nắm bắt địa bàn dân cư, tổ dân phố trong khi chế độ chính sách chưa thay đổi nên chưa động viên được lực lượng công chức.

Mô hình sáng kiến Ngày thứ tư “tốc ký” được UBND quận Hai Bà Trưng đưa vào hoạt động tại bộ phận “một cửa” từ đầu tháng 7.

Mô hình sáng kiến Ngày thứ tư “tốc ký” được UBND quận Hai Bà Trưng đưa vào hoạt động tại bộ phận “một cửa” từ đầu tháng 7.

Quy định cũng nêu rõ, công chức tư pháp - hộ tịch phải trực tiếp kiểm tra, tiếp nhận hồ sơ chứng thực tại bộ phận “một cửa”. Do đó, để giải quyết các việc khác và phối hợp với các bộ phận chuyên môn kiểm tra, giải quyết các sự việc ngoài trụ sở là rất khó khăn.

“Từ thực tiễn trên, chúng tôi đề xuất xem xét tăng mức hỗ trợ tiền cho công chức tư pháp - hộ tịch, bởi mức hỗ trợ hiện nay 15% mức lương cơ bản là quá thấp. Với đặc thù là phường có dân số đông, chúng tôi cũng đề nghị được tăng thêm số lượng công chức để giảm áp lực công việc”, bà Trần Thị Minh Vân kiến nghị.

Qua tìm hiểu, thực trạng trên cũng đang diễn ra tại nhiều phường của quận Hai Bà Trưng. Để thực hiện hiệu quả mô hình chính quyền đô thị, Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Quang Trung đề nghị thành phố xem xét bổ sung khung vị trí việc làm, biên chế; có giải pháp tạm thời về nhân lực, đáp ứng nhiệm vụ trước mắt, cho cơ chế tạm thời ký hợp đồng về chuyên môn. Trong thời gian thí điểm này, thành phố nên cho phép quận chủ động bố trí sử dụng lao động giữa các phòng, ban, UBND các phường vẫn bảo đảm khung biên chế, chức danh nghề nghiệp phù hợp với vị trí việc làm để đáp ứng yêu cầu công việc.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/cong-chuc-tang-viec-nguoi-dan-huong-loi-635841.html