Công chức thôi việc nỗ lực thích nghi với thị trường lao động

TP.HCM dự kiến có hơn 11.000 người thuộc diện dôi dư sau sắp xếp. Đây là lực lượng nhiều kinh nghiệm, được đánh giá là nguồn nhân lực tiềm năng cho thị trường lao động, đặc biệt ở khối doanh nghiệp tư nhân.

Sau khi sắp xếp lại đơn vị hành chính, TP dự kiến sẽ có khoảng hơn 11.000 người thuộc diện dôi dư. Trong số này, có 5.453 cán bộ, công chức, viên chức và 5.562 người hoạt động không chuyên trách cấp xã.

Đây là lực lượng nhiều kinh nghiệm, được đánh giá là nguồn nhân lực tiềm năng cho thị trường lao động, đặc biệt ở khối doanh nghiệp tư nhân. Việc kết nối hiệu quả sẽ giúp những lao động rời khu vực côngsớm tái hòa nhập thị trường lao động, đồng thời khai thác tốt nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp.

Phải chủ động, thích nghi nhanh

Là công chức tại một trung tâm dự báo nguồn nhân lực, ông Hồ Chí Cường (55 tuổi), là một trong những cán bộ nghỉ công tác theo diện hỗ trợ tại Nghị định 178/2024 về chính sách với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang khi sắp xếp bộ máy.

Trước thời điểm nghỉ hưu 6 năm 8 tháng, ông Cường cho biết bản thân đã cân nhắc kỹ khi quyết định nghỉ. Với ông, đây không phải là sự kết thúc, mà là một hướng chuyển động mới phù hợp với hoàn cảnh, sức khỏe và nhu cầu cá nhân. Không chọn nghỉ ngơi hoàn toàn sau khi rời khỏi cơ quan nhà nước, ông Cường vẫn đang nhận lời làm thêm các công việc phù hợp từ bạn bè, người quen.

“Tôi thấy mình đã đủ điều kiện để nghỉ, lại có thêm khoản hỗ trợ thì nên tận dụng. Giờ nghỉ thì vừa có lương hưu, vừa có một khoản kinh phí ban đầu, trong khi sức khỏe còn tốt, vẫn có thể tiếp tục đi làm. Như vậy là hợp lý. Bạn tôi là giám đốc một đơn vị, thỉnh thoảng có việc khảo sát nhà ở, kênh rạch, tôi vẫn chạy qua phụ. Còn sức nghĩ thì vẫn còn làm, không bị gò bó giờ giấc, miễn phù hợp với khả năng của mình là được” - ông Cường nói.

Theo ông Cường, nhiều người nghỉ theo diện Nghị định 178/2024 cũng lựa chọn như vậy: Nếu sức khỏe không cho phép thì nghỉ hẳn, còn ai vẫn còn khả năng thì tiếp tục đóng góp cho xã hội theo cách riêng.

“Tôi chỉ là nhân viên bình thường, không giữ chức vụ gì lớn nhưng tôi thấy chính sách này thực sự phù hợp và thiết thực. Nghỉ ở cơ quan nhà nước không có nghĩa là dừng lại. Tôi xem đây là một chặng mới trong hành trình lao động của mình” - ông Cường nói.

Là cán bộ công có hơn 21 năm đảm nhiệm công việc liên quan hồ sơ và cấp giấy tờ, trước kế hoạch sáp nhập và tinh gọn, anh Nhân (43 tuổi) chủ động nộp đơn xin nghỉ việc, tìm kiếm cơ hội phát triển mới ở khu vực tư nhân.

Thời gian đầu làm việc tại doanh nghiệp, anh Nhân thừa nhận bản thân rất bỡ ngỡ. Từ cách quản trị, tốc độ xử lý hồ sơ đến áp công việc,... mọi thứ đều khác xa môi trường công lập mà anh từng quen thuộc.

“Tôi như một tân binh giữa lớp trẻ giỏi công nghệ và thành thạo ngoại ngữ. Nhưng tôi xác định nếu muốn tồn tại thì phải học lại từ đầu. Từ cách sử dụng phần mềm quản lý công việc, cách trình bày email chuyên nghiệp...

Đây là những điều rất khác với văn hóa hành chính quen thuộc. Không có chỗ cho tư duy “làm đúng quy trình là đủ”, mà bản thân mình phải thích nghi nhanh, tự chủ động giải quyết nhiều vấn đề” - anh Nhân chia sẻ.

Không có lợi thế về tuổi trẻ, nhưng anh Nhân sở hữu thứ mà nhiều người phải mất hàng chục năm mới tích lũy được: Gần hai thập kỷ kinh nghiệm xử lý văn bản và am hiểu sâu về cơ chế, vận hành trong bộ máy nhà nước. Chính điều đó giúp anh nhanh chóng trở thành “người gác cổng” về pháp lý và hành chính tại doanh nghiệp mới.

 Người lao động tìm việc ở Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM. Ảnh minh họa: HẢI NHI

Người lao động tìm việc ở Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM. Ảnh minh họa: HẢI NHI

Tương tự, sau gần 5 năm làm việc tại một đơn vị sự nghiệp công lập ở TP.HCM, anh Hoàng (ngụ TP Thủ Đức) quyết định chuyển sang làm cho một doanh nghiệp tư nhân về thực phẩm nông sản.

Anh Hoàng thừa nhận, dù có kinh nghiệm công tác, bản thân vẫn phải học lại từ đầu - từ cách tiếp cận khách hàng đến làm việc với đối tác. "Ở khu vực công, tôi đã quen với quy trình chặt chẽ, phân cấp rõ ràng và ít chịu áp lực cạnh tranh trực tiếp như doanh nghiệp" - anh Hoàng bày tỏ.

Theo anh Hoàng, dù làm ở đâu, mỗi quyết định đều phải được cân nhắc kỹ. Khác biệt lớn nhất giữa khu vực công và doanh nghiệp là tính tự chủ và áp lực tài chính. Nếu doanh nghiệp đòi hỏi sự linh hoạt và hiệu quả tức thời thì khu vực công cũng phải đảm bảo trách nhiệm với nguồn lực và xã hội.

"Tôi nhận ra, ở doanh nghiệp, vai trò của mình chẳng khác nào một người bán hàng thực thụ - mang doanh thu về cho tổ chức. Nhưng dù ở khu vực nào, năng lực mới là yếu tố then chốt. Không đáp ứng được yêu cầu, ai cũng có thể bị thay thế" - anh Hoàng nói.

Doanh nghiệp trọng dụng

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Hoàng Thanh Hải, Giám đốc nhân sự Công ty TNHH Sơn Jotun Việt Nam, nhận định những cán bộ từ khu vực công thường sở hữu nền tảng kiến thức sâu rộng về hệ thống pháp luật, quản lý hành chính và quy trình làm việc với cơ quan chức năng.

“Đây là những yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp phát triển bền vững và tuân thủ quy định pháp luật. Cán bộ xuất thân từ khu vực công cũng phù hợp với vị trí quản trị nhân sự – hành chính. Một số người có năng lực phân tích và hoạch định chính sách, hơn nữa còn có thể đảm nhiệm vai trò quản lý chiến lược, xây dựng quy trình, quy chế nội bộ hoặc tham gia quản lý rủi ro.

Kinh nghiệm và mạng lưới quan hệ từ khu vực công trở nên giá trị đối với các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực chịu sự điều tiết chặt chẽ từ nhà nước như hạ tầng, năng lượng, giáo dục hoặc y tế” - ông Hải nói.

Cùng quan điểm, theo ThS Nguyễn Tuấn Anh, chuyên gia chính sách công, việc doanh nghiệp chủ động tận dụng nguồn nhân lực dôi dư từ khu vực công cho thấy giá trị của đội ngũ này - từ kinh nghiệm, chuyên môn đến phẩm chất công vụ.

“Nhiều cán bộ, công chức có thể phát huy tốt tại khu vực tư nhân, nhất là trong các lĩnh vực như bất động sản, logistics, tư vấn đầu tư… Đây là những nơi đòi hỏi hiểu biết sâu về pháp lý và quy trình hành chính” - ông Tuấn Anh nhận định.

Cũng theo vị ThS này, cán bộ khu vực công có ba lợi thế nổi bật giúp họ trở thành "ứng viên vàng" trong mắt doanh nghiệp.

Thứ nhất, hiểu biết sâu về thể chế, chính sách, pháp luật - yếu tố ngày càng được doanh nghiệp coi trọng. Thứ hai, là kỹ năng điều phối, quản trị hành chính vững vàng, đặc biệt ở khâu tổ chức bộ máy, xây dựng quy trình, vận hành nhân sự - tài chính. Thứ ba, là mạng lưới quan hệ và am hiểu cơ chế vận hành của bộ máy nhà nước. Đây là "tài sản mềm" nhưng rất hữu ích trong các lĩnh vực như phát triển dự án, đấu thầu công hay hợp tác công - tư.

Do đó, ThS Nguyễn Tuấn Anh cho rằng một nền hành chính hiện đại không chỉ cần công chức tận tụy, mà cần cả những “nhà quản lý công” chuyên nghiệp. Để tận dụng hiệu quả hơn, cần xây dựng hệ thống đánh giá cán bộ tiệm cận với chuẩn mực thị trường - minh bạch, công bằng, chuyên nghiệp.

“Doanh nghiệp Việt Nam có thể tham khảo mô hình từ Singapore, Nhật Bản hay châu Âu, nơi mỗi vị trí đều có khung năng lực rõ ràng và lộ trình phát triển cụ thể. Đồng thời, cần mở rộng "cửa ra - vào" giữa khu vực công và tư, như cho cán bộ biệt phái sang doanh nghiệp hoặc mời chuyên gia tư nhân tham gia hoạch định chính sách”, ThS Nguyễn Tuấn Anh đề xuất.

*Tên nhân vật cán bộ, công chức trong bài đã được thay đổi.

Nguồn lực quý của thị trường lao động

Trao đổi với PLO, bà Lượng Thị Tới, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, cho biết việc cán bộ, công chức chuyển dịch từ khu vực công sang khu vực tư nhân là xu hướng tất yếu trong bối cảnh bộ máy hành chính đang được sắp xếp lại để tinh gọn, hiệu quả hơn.

Bà Lượng Thị Tới, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM.

“Đây là nguồn nhân lực có kinh nghiệm, nắm rõ cơ chế quản lý nhà nước. Tạo điều kiện cho họ quay lại thị trường lao động sẽ góp phần sử dụng hiệu quả nguồn lực, giảm áp lực an sinh và thích ứng với già hóa dân số” - bà Tới nói.

Theo bà Tới, Sở Nội vụ đã triển khai kế hoạch hỗ trợ nghề nghiệp cho nhóm này, gồm khảo sát nhu cầu đào tạo, kết nối tuyển dụng, phối hợp với các trung tâm dịch vụ việc làm và doanh nghiệp để giới thiệu việc làm phù hợp. Đồng thời, phối hợp với các Sở KH&CN, Ngân hàng Chính sách xã hội để hỗ trợ tiếp cận vốn và chính sách để khởi nghiệp.

Thời gian tới, TP sẽ đẩy mạnh truyền thông, tổ chức sàn giao dịch chuyên đề và đánh giá mức độ sẵn sàng làm việc ngoài công lập sẽ được thực hiện theo nhu cầu thực tế và yêu cầu doanh nghiệp, trên cơ sở triển khai các phương án cụ thể trên từng đối tượng.

HẢI NHI

Nguồn PLO: https://plo.vn/cong-chuc-thoi-viec-no-luc-thich-nghi-voi-thi-truong-lao-dong-post854886.html