Công chức về hưu sớm: Làm gì để không còn 'dư chấn quyền lực'
Tôi không phải công chức, nhưng đã từng làm trong một tổ chức quốc tế – nơi cũng chẳng khác khu vực nhà nước là bao: công việc ổn định, đãi ngộ khá, có bổng lộc, được tiếp cận với nhiều VIP và được tôn trọng. Thế nên, khi nhớ lại lúc rời đi, tôi cũng thấy hình ảnh mình trong những công chức về hưu sớm ngày nay.

Tôi xin chia sẻ một số nhận xét từ trải nghiệm và quan sát của một người từng ở vị trí tương tự và những bạn bè tôi. Từ công chức ở đây bao gồm cả người nhà nước và làm các tổ chức được bao cấp (phi chính phủ, quốc tế). Và chỉ nói đến những người thực sự về “hưu non” với một khoản tiền hỗ trợ.
Bạn sẽ nhận được một gói tiền, bạn có một số mối quan hệ tốt từ thời còn là quan chức; bạn vẫn còn năng lượng và trí tuệ. Bạn chưa muốn về hưu. Vậy bạn nên làm gì?
1. Đừng để tiền bạc “một đi không trở lại”
Khi về hưu sớm, bạn có một khoản tiền hỗ trợ kha khá. Nhưng đây cũng có thể là số tiền cuối cùng bạn nhận được, nếu không biết cách sử dụng. Điều đầu tiên bạn cần nhớ: Đừng vội vàng đầu tư ngay!
Tôi đã chứng kiến không ít người hào hứng rót tiền vào các dự án startup, mở công ty, hoặc hùn vốn làm ăn với bạn bè trong vòng mấy tháng sau khi nghỉ việc khu vực công. Để chứng tỏ mình, để khởi đầu mới, thậm chí là để quên đi sự thất vọng/buồn chán khi rời bỏ khu vực công. Kết quả? Tiền ra đi nhanh hơn một cú click chuột. Trải nghiệm đầu tiên của bạn là mất một mớ tiền vì ngây thơ trong thương trường.
Hãy dành ít nhất từ 6 đến 12 tháng để suy nghĩ, tìm hiểu trước khi đưa ra quyết định. Nếu chưa biết làm gì, cứ gửi tiết kiệm hoặc tốt hơn, đầu tư vào một quỹ tài chính tin cậy – nơi mà dù bạn có không làm gì thì tiền vẫn có cơ hội tăng trưởng theo nền kinh tế. Đừng để một ngày đẹp trời, bạn thấy mình đã góp vốn vào một quán cà phê và ba tháng sau thì đóng cửa vì… không ai uống, đừng góp vốn vào một công ty rồi mãi không thấy có lợi nhuận vì thương trường là chiến trường, tiền thực sự không dễ kiếm (như bổng lộc).
Khoản tiền hỗ trợ này là bệ đỡ để bạn có thời gian suy nghĩ về con đường tiếp theo, chứ không phải là vé một chiều đến khu phố vỡ nợ.
2. Về quan hệ “người tình rồi quên, bạn bè rồi xa”
Bạn từng có một mạng lưới quan hệ rộng rãi trong khu vực công và ân tình với doanh nghiệp tư nhân. Nhưng tin tôi đi, mối quan hệ này có “hạn sử dụng” và chỉ “nóng” trong vòng ba năm sau khi bạn nghỉ việc. Sau đó? Bạn sẽ thấy mình ngày càng ít nhận được cuộc gọi, ít được mời dự tiệc, và những người từng vui vẻ với bạn trước đây sẽ tỏ ra bận rộn hơn rất nhiều. Không phải họ ghét bỏ gì bạn. Họ cần giữ quan hệ với người kế nhiệm bạn và dành thời gian cho việc khác.
Vậy nên, ba năm đầu sau khi nghỉ là thời gian vàng để tận dụng các mối quan hệ này để xây dựng công việc ở khu vực tư nhân. Nếu bạn có ý định mở công ty, tư vấn, hoặc chuyển sang làm cho doanh nghiệp, hãy làm ngay trong giai đoạn này khi quan hệ vẫn còn đủ “ấm”.
Sau này nếu nhân viên cũ không còn nhớ đến bạn, đối tác tư nhân cũng chẳng gọi nữa, thì cũng đừng trách. Đó là quy luật tự nhiên. Ngày trước người ta nể bạn phần nhiều vì vị trí của bạn, chứ không nhất thiết vì bạn là anh em chiến hữu gì.
3. Đừng giữ cái “tôi”
Rất nhiều công chức khi bước ra khu vực tư nhân vấp ngã không phải vì thiếu năng lực, mà vì “cái tôi”, vì sự sĩ diện quá cao.
Cách đây 20 năm, ngày tôi nghỉ việc ở một tổ chức lớn ở nước ngoài, và về nước với mức lương bằng 1/20 mức cũ, việc đầu tiên khi tôi chuẩn bị đưa gia đình về Việt Nam là gọi điện cho chị tôi và hỏi: “Chị có danh sách các công ty dạy tiếng Anh ở Việt Nam không? Em muốn tìm hiểu mức tiền dạy ở đó thế nào và xin việc”.
Chị tôi cười phá lên và hỏi: “Chú học đến tiến sĩ ở Mỹ, từng làm ở các tổ chức quốc tế oách thế này, sao lại đi hỏi dạy tiếng Anh ở Việt Nam?”
Tôi trả lời: “Đấy là lựa chọn cuối cùng của em. Nếu em không làm được việc gì ra hồn ở Việt Nam và không thích nghi nổi, thì em vẫn có thể đi dạy tiếng Anh nuôi gia đình.”
Đối với tôi đó là chuyện bình thường. Thời làm chuyên viên, tôi thấy oai, được gặp các quan chức lớn của thế giới và chính phủ Việt Nam. Nhưng đó là chuyện của ngày trước. Khi đổi nghề, trong trường hợp xấu nhất không có việc gần chuyên môn cũ thì nhặt rác, lái xe, hay dạy tiếng Anh, tôi xác định cũng sẽ làm, miễn là nuôi được vợ con. Và tôi không bao giờ xấu hổ, coi những việc ấy là kém cỏi cả.
Sự nhũn nhặn, khiêm nhường không bao giờ là đủ!
Tôi có một người bạn rất giỏi. Khi anh ấy rời khu vực công một thời gian và có nhu cầu tìm việc làm, tôi giới thiệu anh ấy vào một tập đoàn lớn nơi tôi đã từng làm lãnh đạo. Tôi sắp xếp một buổi ăn tối với lãnh đạo của tập đoàn đó – một chiến hữu như là người em của tôi. Việc ăn tối cùng chỉ là thủ tục lời chào thân tình chứ bạn tôi đã hứa là nhận anh ấy.
Nhưng đến gần cuối buổi, khi không hề say vì chúng tôi không uống rượu, ông anh cựu công chức cao hứng nói những lời rất suồng sã dạy dỗ tôi rất “trịch thượng” ngay trong bữa ăn trước mặt tất cả nhân viên và cộng sự cũ của tôi. Người bạn tôi – sếp lãnh đạo tập đoàn kia, chỉ im lặng và cười nhẹ.
Sau bữa tối, bạn ấy nói với tôi: “Tôi không thể nhận ông ấy được. Một người mà còn không tôn trọng anh trước tất cả đàn em cũ của anh thì sau này làm sao tôi quản lý nổi ông ấy? Ông ấy vẫn không nhớ mình đã thành thường dân!”
Vậy là ông anh tôi mất một cơ hội tốt chỉ vì một hành động nhỏ, thiếu khiêm nhường.
Tôi có quen một ông anh khác mà tôi rất kính trọng, đồng thời cũng là một trong những ân nhân khi tôi về Việt Nam. Anh từng quản lý một lĩnh vực quan trọng của nhà nước, ảnh hưởng sâu rộng đến khu vực tư nhân ngành đó. Nói thẳng ra, anh là người mà nhiều ông bà chủ phải kính nể, thậm chí quỵ lụy. Tuy nhiên, thời làm công chức, anh chưa bao giờ lợi dụng vị thế của mình để tư lợi hay gây khó dễ với doanh nghiệp.
Ngày anh từ quan, nhiều ông bà chủ doanh nghiệp tìm đến mời anh làm cho họ như một cách trả những món nợ ân tình mà anh chưa từng đòi hỏi. Anh nhận một công việc từ họ.
Nhưng anh hiểu rõ rằng thế thời đã khác. Ngày trước, anh có thể là người mà bao doanh nghiệp phải cầu cạnh, nhưng khi bước ra ngoài, anh biết mình biết ta. Anh không ngại gọi những ông bà chủ – những người từng cần đến anh – bằng những mỹ từ họ thích nghe như “Ông chủ tịch”, “Chị đại”, “Bà chủ”… Anh tôn trọng những chỉ đạo có thể thay đổi 180 độ của họ mà không hề phàn nàn. Anh bảo tôi: “Đó là công ty của B nên anh nghe B!”
Chính sự khiêm nhường và sự tỉnh táo ấy đã giúp anh trở thành “đại gia”, một trong số ít những người rời khỏi khu vực công mà đạt được thành công lớn ở khu vực tư nhân. Anh không để bản thân bị vướng vào cái gọi là “dư chấn quyền lực” (“power hangover”) để mắc kẹt trong hào quang quá khứ sau khi rời nhà nước. Với anh, một khi đã ra khỏi hệ thống, thì vai trò cũ cũng kết thúc, không còn luyến tiếc.
4. Quản lý kỳ vọng của mình
Một người quen của tôi là người nước ngoài, từng là đại sứ. Anh yêu Việt Nam đến mức sau khi hết nhiệm kỳ, anh nghỉ việc và ở lại Việt Nam, mở công ty tư vấn riêng. Sau 10 năm gặp lại, tôi hỏi anh: điều gì làm ông khó thích nghi nhất khi rời nhà nước làm tư nhân?
Anh trả lời: “Có nhiều thứ, nhưng có một thứ tao hiểu mà vẫn mãi không chấp nhận được, là ngày trước tao nói chuyện với ai cũng dễ, hẹn với ai cũng nhanh. Tao cứ ngỡ mọi người quý tao lắm. Ấy thế mà khi làm công ty riêng, cũng những người ấy mà tao phải chầu chực mấy tháng chưa hẹn được. Hóa ra hồi ấy tao là đại sứ nên mới thế. Giờ tao là dân quèn thì ai cũng như ai”.
Một điều bạn sẽ thấy là tại sao hồi bạn làm ở khu vực công, việc gì nhờ cũng dễ. Mà mới quay ngoắt đi mấy tháng về khu vực tư nhân thì cũng người ấy lại “bạc” với mình thế. Có khá nhiều người sốc nặng khi thấy mình bị đối xử vậy. Thời còn làm “quan”, một cú gọi điện của bạn là xong việc. Giờ bạn có khi còn phải đi năn nỉ từ trưởng phòng rồi chuyên viên để được ký một cái giấy phép hoặc chấp thuận.
Khi bạn làm ở khu vực công, bạn là người có chức có quyền hoặc có ảnh hưởng với họ. Giờ bạn trở thành người đi cầu cạnh rồi. Thời thế đổi thay, bạn phải luôn nhớ điều đó.
Ngày trước bạn chỉ phải dạ vâng sếp của mình và các lãnh đạo cao hơn. Giờ thì ai trong khu vực công bạn cũng phải dạ vâng hết khi bạn làm ở khối tư nhân. Trong đó có những người này xưa chỉ là cấp bậc dưới của bạn và bạn nghiễm nhiên coi họ có trách nhiệm nghe mình.
Tin tôi đi, cái “dạ vâng” ấy khác với cái “dạ vâng” khi bạn còn làm cho khối công lắm.
Một kỳ vọng khác bạn cũng cần thay đổi là cách mọi người làm việc. Khi còn trong khu vực công, bạn quen với nguyên tắc tuân thủ: sếp nói là làm, và cấp dưới không có quyền phản đối. Nhưng khi sang khu vực tư nhân, bạn sẽ sốt ruột hơn nhiều vì có quá nhiều bên liên quan (“stakeholders”). Không ai làm theo kiểu “chỉ thị” của bạn nữa, mà mọi thứ đều là thương thảo và thỏa hiệp.
Việc hành xử áp đặt sẽ khiến bạn mất đi sự ủng hộ của đồng nghiệp và cấp trên rất nhanh. Hãy kiên nhẫn và đừng mong việc sẽ suôn sẻ ngay.
Đừng để về hưu sớm thành “hưu luôn”
Về hưu sớm không có nghĩa là “hết vai”, mà đơn giản là bạn đang đổi vai. Nhưng đổi lại, bạn có thứ mà nhiều người thèm muốn: sự tự do. Bạn có thể tận hưởng cuộc sống, thử nghiệm những điều mới mẻ.
Vậy nên, thay vì ngồi hoài niệm về những ngày tháng huy hoàng, hãy cất “cái tôi” vào tủ và bắt đầu cuộc sống mới. Dù làm doanh nhân, tư vấn, dạy học, hay trồng rau nuôi cá, điều quan trọng nhất là đừng để mình trở thành “bảo tàng di động” của một thời vang bóng.