Siết vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn: Lấp khoảng trống vốn bằng trái phiếu
Nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng đến năm 2030 ước lên tới 245 tỷ USD trong khi ngành ngân hàng đang siết lại tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn. Để lấp khoảng trống về vốn, theo các chuyên gia, Việt Nam cần phát triển mạnh hơn nữa thị trường TPDN.

Trong báo cáo về dòng vốn tương lai, chuyên gia phân tích VIS Rating ước tính, giai đoạn 2025 - 2030, nước ta ước tính cần khoảng 245 tỷ USD cho cao tốc, đường sắt tốc độ cao và các dự án năng lượng, trong khi đầu tư công chỉ đáp ứng 70% nhu cầu vốn dự kiến.
Trong những năm gần đây, đầu tư tư nhân đã dần trở thành động lực chính, chiếm hơn 50% tổng vốn đăng ký đầu tư tài sản cố định. Trong khi kênh tín dụng ngân hàng đang bị thắt chặt hơn do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) siết lại việc sử dụng tiền gửi ngắn hạn cho vay dài hạn, vai trò của kênh trái phiếu trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Điển hình như dư nợ vay ngân hàng cho các dự án thu phí đường bộ đã giảm trung bình 6%/năm trong giai đoạn 2020 - 2024. Do đó, để lấp đầy khoảng trống về nguồn vốn cho cơ sở hạ tầng, chuyên gia VIS Rating cho rằng, Việt Nam cần phải phát triển sâu hơn thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) và thu hút vốn tư nhân dài hạn.
Các thay đổi về quy định pháp lý gần đây đang mở đường cho các công ty dự án phát hành trái phiếu linh hoạt hơn - chẳng hạn như Luật PPP sửa đổi cho phép các doanh nghiệp dự án hạ tầng chào bán trái phiếu riêng lẻ và thực hiện niêm yết trái phiếu ngay sau khi phát hành.
Nhà nước cũng đang tăng mức đóng góp vốn chủ sở hữu để giảm gánh nặng nợ và cải thiện chất lượng tín nhiệm cho các doanh nghiệp dự án. Một nghị định sắp ban hành, cho phép chào bán trái phiếu hạ tầng ra công chúng mà không cần lịch sử tài chính, dự kiến sẽ tiếp tục mở khóa nguồn vốn trái phiếu cho dự án hạ tầng.
Trong khi điều kiện phát hành sẽ được nới lỏng, các biện pháp kiểm soát sau phát hành sẽ được siết chặt, chẳng hạn như thiết lập ngân hàng giám sát, tài khoản hạch toán độc lập và giải ngân theo tiến độ quy định, tạo nên khung pháp lý vững chắc hơn.
Bên cạnh đó, kênh TPDN hiện yêu cầu chặt chẽ hơn về công bố thông tin, siết chặt điều kiện phát hành và bắt buộc xếp hạng tín nhiệm, giúp củng cố niềm tin nhà đầu tư và nâng cao tính minh bạch. Những cải cách trên khi song hành cùng nhau sẽ định vị TPDN như một công cụ huy động vốn dài hạn và khả thi cho tham vọng cơ sở hạ tầng của Việt Nam.
Trong bối cảnh này, chuyên gia VIS Rating tin rằng, bảo lãnh tín dụng và xếp hạng tín nhiệm là những công cụ quan trọng để khai thác vốn tư nhân cho dự án hạ tầng.
Xếp hạng tín nhiệm cũng đánh giá ảnh hưởng của bảo lãnh tín dụng, tài sản thế chấp và cấu trúc thanh toán nợ - thiết lập các tiêu chuẩn rõ ràng hơn cho việc định giá rủi ro và cải thiện tính của thanh khoản của trái phiếu dự án. Những công cụ này kết hợp lại đóng vai trò thiết yếu trong việc mở rộng phát hành trái phiếu cơ sở hạ tầng và thu hút vốn tư nhân dài hạn.