'Công cụ' mới của Bộ Xây dựng để điều tiết nguồn cung nhà ở
Nghị định 30/2021 mới ban hành được ví như 'công cụ' giúp cơ quan quản lý Nhà nước kiểm soát được việc phát triển các dự án nhà ở, sao cho phù hợp cung - cầu trên thị trường.
Mới đây, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục phát triển nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), đã có chia sẻ về những điểm mới của Nghị định 30/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 99/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở.
Xử lý vấn đề lệch pha cung - cầu
Theo ông Nguyễn Mạnh Khởi, một trong những điểm mới của Nghị định là việc đưa thêm những quy định rõ ràng để điều tiết cung - cầu trên thị trường bất động sản, tránh việc phá vỡ kế hoạch phát triển nhà quá thiên về xây dựng nhà ở thương mại giá cao hoặc trung cấp.
Ông Khởi đánh giá các dự án bất động sản tại nhiều địa phương vẫn phát triển theo phong trào, những nơi thiếu vẫn thiếu, những nơi thừa vẫn thừa. Theo quy định trước kia, kế hoạch phát triển nhà ở thường mang tính "hình thức", bởi có thể dễ điều chỉnh, thêm - bớt.
Từ đó dẫn đến việc ở một số địa phương, khi xây dựng kế hoạch phát triển nhà ở thì rất tốt, nhưng việc thực hiện lại chưa đạt hiệu quả, dẫn tới tình trạng dư thừa một số phân khúc bất động sản, trong khi có những phân khúc lại thiếu. Đặc biệt là thiếu ở phân khúc bất động sản vừa túi tiền, dành cho người có thu nhập thấp.
Lãnh đạo Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản cho biết Nghị định 30 ra đời với mục đích quy định lập ra kế hoạch phát triển cụ thể cho từng địa phương, kèm theo những điều kiện ràng buộc nhất định. Ví dụ, tỉnh A dự kiến phát triển bao nhiêu triệu m2, cho nhóm đối tượng người dân nào, từ đó tránh gây ra tình trạng thừa hay thiếu bất động sản nhà ở.
"Cần có kế hoạch và quy định rõ ràng để tránh tình trang nhiều địa phương tự động điều chỉnh chương trình, phát triển tự phát các dự án bất động sản", ông Khởi nói.
Ông Nguyễn Mạnh Khởi cho biết mục tiêu của Nghị định 30 là xây dựng một chương trình phát triển thị trường bất động sản chuẩn, có tính dự báo với diện tích xây dựng dự kiến, diện tích nhà ở cho các đối tượng cụ thể để từ đó bố trí quỹ đất, xác định các khu vực phát triển phù hợp, qua đó xác định nguồn lực.
Không phải đất ở có được phát triển dự án bất động sản?
Lãnh đạo Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản cũng trả lời về một số đề nghị bổ sung thêm trường hợp “nhà đầu tư có quyền sử dụng loại đất khác không phải là đất ở” cũng được chấp thuận chủ trương đồng thời với việc công nhận nhà đầu tư đó làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở.
Ông Khởi cho biết theo quy định tại Điều 22 của Luật Nhà ở 2014 thì việc lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại được thực hiện thông qua 3 hình thức: Đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai; đấu thầu dự án có sử dụng đất; chỉ định chủ đầu tư trong trường hợp nhà đầu tư có đủ điều kiện làm chủ đầu tư theo quy định.
Tại điểm c khoản 1 Điều 75 của Luật Đầu tư 2020 đã sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 23 của Luật Nhà ở 2014: "Có quyền sử dụng đất ở hợp pháp và các loại đất khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng sang làm đất ở".
Do đó, ông Khởi cho biết Nghị định 30/2021 đã quy định có 3 trường hợp được chấp thuận chủ trương đồng thời với công nhận chủ đầu tư dự án như trên. Trường hợp thứ hai là bổ sung thêm theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 75 Luật Đầu tư 2020.
"Đối chiếu với quy định của Luật Nhà ở 2014 và Luật Đầu tư 2020 thì kiến nghị đề nghị bổ sung thêm trường hợp nhà đầu tư chỉ cần có quyền sử dụng đất không phải là đất ở cũng được chấp thuận làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại là không phù hợp với quy định", ông Khởi nói.