'Công cuộc chuyển đổi số phải vượt qua trào lưu rộ lên rồi chìm đi'
Đối với chuyển đổi số cũng như việc phát triển, ứng dụng các công nghệ mới của cuộc CMCN 4.0, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng Việt Nam phải nỗ lực hơn thiên hạ gấp nhiều lần; phải sẵn sàng thay đổi thói quen, nếp nghĩ, thậm chí nét văn hóa của những người làm lúa nước, vượt qua trào lưu cứ rộ lên một thời gian rồi lại chìm đi.
Ngày 8.8 tại Hà Nội, Bộ TT-TT phối hợp cùng Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam 2019 (Vietnam ICT Summit 2019) với chủ đề “Chuyển đổi số vì một Việt Nam hùng cường”.
Tại Diễn đàn, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã phát biểu chỉ đạo và nhấn mạnh Chuyển đổi số không chỉ là cơ hội của Việt Nam mà cũng là cơ hội của các quốc gia, dân tộc khác. Cơ hội đó nếu không tận dụng tốt sẽ trở thành thách thức.
Theo Phó thủ tướng, ứng dụng CNTT tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn cho mỗi doanh nghiệp, hiệu quả lớn hơn cho mỗi tổ chức, mang lại cơ hội lớn hơn cho mỗi người dân và doanh nghiệp. Vì là quốc gia đi sau nên theo Phó thủ tướng, Việt Nam muốn bằng hay vượt lên thì sẽ phải nỗ lực gấp nhiều lần.
Chúng ta thường nói là phải đi thẳng vào hiện đại như mạng 5G, trí tuệ nhân tạo (AI), Blockchain và với tâm thế như vậy, tư duy quan trọng nhất Phó thủ tướng nhấn mạnh chính là phải sẵn sàng thay đổi những thói quen, nếp nghĩ từ trước đến nay để vượt qua khó khăn, vượt lên chính mình.
Ngoài ra, theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, bắt đầu cần phải định hướng mục tiêu lớn gắn liền với giải pháp cụ thể, cũng như “xây lâu đài nguy nga với từng viên gạch”. Bên cạnh sự nỗ lực, chúng ta phải sẵn sàng thay đổi thói quen, nếp nghĩ, thậm chí nét văn hóa của những người làm lúa nước, vượt qua trào lưu cứ rộ lên một thời gian rồi lại chìm đi.
Khu vực triển lãm giới thiệu những giải pháp, ứng dụng phục vụ cho chuyển đổi số - Ảnh: T.A
Tập trung xây dựng môi trường pháp lý
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng Việt Nam phải tập trung xây dựng môi trường pháp lý. Cụ thể, cơ sở pháp lý, chính sách phải được cải thiện để doanh nghiệp có sự hỗ trợ của Nhà nước, có trách nhiệm với xã hội khi ứng dụng công nghệ mới, CNTT.
Doanh nghiệp phải có được lợi ích kinh tế trực tiếp như về thuế, vốn, tài nguyên... Tới đây, Bộ TT-TT có vai trò rất quan trọng cùng với sự hợp tác của các bộ trong việc thu nhận những bức xúc, vướng mắc hiện nay trong ứng dụng, phát triển CNTT để trình Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành; đặc biệt các bộ kinh tế phải vào cuộc. Các bộ, ngành cần “xác định một số việc quan trọng, tập trung đồng bộ, làm ngay, làm đến cùng”.
Cũng tại Diễn đàn, Phó thủ tướng ra “đề bài” cho giới CNTT. Cụ thể, mọi giao tiếp giữa Chính phủ và người dân cần được tính hợp trên điện thoại thông minh; phát triển thanh toán không dùng tiền mặt… Nhiệm vụ cho các cấp chính quyền phải nhanh chóng ban hành các văn bản pháp lý, tạo ra những ứng dụng đáp ứng yêu cầu của người dân, xã hội.
Phó thủ tướng cho biết tới đây Chính phủ sẽ làm việc với Bộ TT-TT, Hiệp hội, Liên minh chuyển đổi số quốc gia để tiếp thu các ý kiến để đề ra chiến lược và hành động cụ thể, thiết thực.
Cũng tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định cuộc CMCN 4.0 và công cuộc chuyển đổi số sẽ tạo ra động lực phát triển mới cho Việt Nam trong các thập kỷ tới. Thế hệ chúng ta đang đứng trước những cơ hội vô giá trong sứ mệnh đưa đất nước đến phồn vinh hùng cường.
Bộ trưởng rất mong mọi người cùng các doanh nghiệp hãy kề vai sát cánh, mạnh mẽ đột phá vươn lên, để dân tộc Việt Nam sớm được sánh nganh vai các cường quốc năm châu. Khi cuộc cách mạng số, CMCN 4.0 xảy ra, tương lai không nằm trên đường kéo dài của quá khứ, nó tạo cơ hội cho các đổi mới sáng tạo.
“Các nước như Việt Nam có cơ hội bứt phá, nhưng phải là một tư duy mới, không truyền thống, không tuần tự. Cả quản lý nhà nước, cả doanh nghiệp, đều cần một sự đột phá trong tư duy, trong chính sách, trong cách tiếp cận”, Bộ trưởng nhấn mạnh.