Cộng đồng là chủ thể bảo tồn và phát huy giá trị di sản

Ngày 1/12, tại Hà Nội, Hội đồng Anh phối hợp với Cục Di sản Văn hóa tổ chức Hội thảo 'Di sản Văn hóa sống và Phát triển bền vững'.

Quang cảnh Hội thảo "Di sản Văn hóa sống và Phát triển bền vững”. Ảnh: P.Sỹ.

Quang cảnh Hội thảo "Di sản Văn hóa sống và Phát triển bền vững”. Ảnh: P.Sỹ.

Hội thảo thuộc Dự án Di sản Kết nối của Hội đồng Anh tại Việt Nam. Từ năm 2021-2023, sáng kiến Thử thách Di sản Văn hóa cộng đồng đã được xây dựng dưới dạng các chương trình tài trợ nhằm cho phép cộng đồng địa phương chủ động đưa ra ý tưởng và nhận hỗ trợ để thiết kế và thực hiện các hoạt động nhằm bảo tồn, phát huy và hưởng lợi từ di sản văn hóa của họ. Đây là cơ hội cho các cộng đồng đã được tập huấn trong những năm trước áp dụng các kỹ năng mới của họ dưới hình thức hành động.

Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Lê Thị Thu Hiền cho biết, di sản văn hóa phi vật thể hay “di sản sống” có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống của chúng ta. Di sản sống tạo cơ hội cho cộng đồng và cá nhân ý thức về bản sắc và sự kế tục. Di sản có thể thúc đẩy sự gắn kết xã hội, tôn trọng sự đa dạng văn hóa và tính sáng tạo của con người và giúp các cộng đồng, cá nhân kết nối với nhau ở cấp độ địa phương và với thế giới rộng lớn hơn.

“Được nắm giữ, thực hành và trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, di sản văn hóa phi vật thể, di sản sống được các cộng đồng và các nhóm người không ngừng tái tạo để thích nghi với môi trường, với mối quan hệ qua lại giữa cộng đồng, với tự nhiên và lịch sử của họ, hình thành trong họ ý thức về bản sắc và sự kế tục, qua đó khích lệ sự tôn trọng đối với sự đa dạng văn hóa và tính sáng tạo của con người. Vì vậy, để bảo vệ di sản sống, trước hết phải coi cộng đồng, chủ thể nắm giữ di sản là trung tâm” - bà Hiền nhấn mạnh.

Việt Nam sở hữu một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể, như các sản phẩm thủ công truyền thống, các nghi lễ, hình thức biểu diễn nghệ thuật, và những tri thức bản địa, ăn sâu vào văn hóa dân tộc. Cùng với việc ngày càng có nhiều giá trị văn hóa được công nhận cả trong nước và quốc tế, lĩnh vực di sản văn hóa đang có những chuyển biến tích cực, có lợi cho những người thực hành và thành viên cộng đồng, những người đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển bền vững. Với mục tiêu khám phá sự giao thoa giữa di sản phi vật thể và phát triển bền vững tại Việt Nam, tập trung vào vai trò và sự tham gia của cộng đồng.

Bà Donna McGowan - Giám đốc Hội đồng Anh Việt Nam cho biết, Hội đồng Anh có cơ hội làm việc với các cộng đồng trên khắp Việt Nam trong việc bảo tồn và phát triển di sản văn hóa, với sự cộng tác của các cơ quan nhà nước cũng như các tổ chức văn hóa. Hội thảo cùng nhìn nhận những chiến lược phù hợp, thách thức và cơ hội trong việc tận dụng di sản phi vật thể để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

Tại hội thảo, các đại biểu cùng nhau trao đổi, đưa ra các quan điểm, các ví dụ điển hình và các trao đổi đa chiều về “di sản sống” và phát triển bền để cùng nhìn nhận ra những chiến lược phù hợp, thách thức và cơ hội trong việc tận dụng di sản phi vật thể để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Đồng thời vinh danh sự đóng góp của cộng đồng, khẳng định tầm quan trọng và vai trò trung tâm của họ trong quá trình chuyển biến này.

P.Sỹ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/cong-dong-la-chu-the-bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-di-san-10267923.html