Cộng đồng mạng 'dậy sóng' vì thái độ vô cảm trước sự ra đi của nhà nghiên cứu từng đề xuất cải cách tiếng Việt

'Phê bình, phản biện là điều cần thiết nhưng lấy cái chết của một người làm trò tiêu khiển là thiếu nhân cách. Dù có ủng hộ hay không ủng hộ cách suy nghĩ 'rất khác' của ông về cải cách chữ Việt, thì cũng nên dành cho ông sự tôn trọng sau cuối' - đó là tâm sự của nhiều người bày tỏ trên mạng xã hội trước việc không ít bình luận để biểu tượng cười cợt (haha) tại những bài thông tin về sự ra đi của PGS.TS Bùi Hiền, nhà giáo, nhà nghiên cứu từng gây tranh cãi với đề xuất cải tiến chữ quốc ngữ.

Khi tin ông qua đời ở tuổi 90 được công bố, nhiều người bàng hoàng. Nhưng điều khiến người ta đau lòng hơn là một bộ phận người dùng mạng xã hội đã dùng biểu tượng "Haha" viết những lời giễu cợt dưới các bài đưa tin như là một "dịp" để trút bỏ những hằn học trước đó.

Nhiều nhà nghiên cứu, người dùng mạng xã hội cho rằng dù có thể không đồng tình với đề xuất cải tiến chữ viết của ông nhưng việc cười cợt sau khi ông mất là hành động phi đạo đức và làm tổn thương đến văn hóa phản biện lành mạnh.

Dù đề xuất của ông gây tranh cãi, thậm chí có nhiều người "bị chê" nhưng không ít người nhắc lại và khẳng định đây là sản phẩm của sự lao động khoa học nghiêm túc.

Với những sinh viên và nhiều người biết ông, thì ông là một con người lạc quan, một nhà giáo luôn có tâm và nhân hậu.

Một người dùng mạng xã hội khác viết: “Xin vĩnh biệt người thầy đáng kính suốt cuộc đời gắn bó và yêu nước Nga! Thầy đã truyền lửa cho các thế hệ học trò tình yêu với tiếng Nga, đất nước và con người Nga!”.

Một người dùng mạng xã hội có tên Phùng Thúy có viết: “Dân ta không chấp nhận những suy nghĩ khác biệt với đám đông. Dù có ủng hộ hay không ủng hộ cách suy nghĩ “rất khác” của ông về cải cách chữ Việt, thì cũng nên dành cho ông sự tôn trọng sau cuối”.

Đọc thông tin về sự ra đi của PGS.TS Bùi Hiền, vẫn có nhiều người vào thả mặt cười và đưa ra những nhận xét khiếm nhã. Cộng đồng mạng cho rằng, dù như thế nào đi nữa thì ông cũng là một Phó Giáo sư, với những mong muốn tốt đẹp, việc có nhiều người thả biểu tượng cười cợt “haha” cho thấy nhân cách quá kém.

Một người khác có viết: “Chẳng hiểu một số đông những người comment (bình luận) những lời rất mỉa mai chua cay, thiếu văn minh, thậm chí còn vui mừng, hả hê, người đã chết và trên nỗi đau mất mát của gia đình. Cả một đời cống hiến nên ông mới làm đến Phó giáo sư là chúng ta phải hiểu ông cũng có rất nhiều đề tài, công trình nghiên cứu cho nghành giáo dục. Chúng ta nên nhìn về những điều tốt đẹp mà ông đã làm, và dành tấm lòng thành kính với người đã mất”.

Năm 2017, PGS.TS. Bùi Hiền gây tranh cãi mạnh mẽ trên mạng xã hội khi bất ngờ công bố đề xuất cải tiến tiếng Việt. Chẳng hạn, "luật giáo dục" phải viết là "luật záo zụk", "nhà nước" là "n'à nướk", "ngôn ngữ" là "qôn qữ",...

Cách viết Tiếng Việt cải tiến mà PGS.TS. Bùi Hiền đưa ra, gây tranh cãi lớn trong dư luận.

Theo PGS.TS. Bùi Hiền, trải qua gần một thế kỷ, đến nay chữ quốc ngữ đã bộc lộ nhiều bất hợp lý, nên cần phải cải tiến để giản tiện, dễ nhớ, dễ sử dụng, tiết kiệm thời gian, …

Ngày 29/12/2017, đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt được Cục Bản quyền tác giả cấp giấy chứng nhận bản quyền.

Ngày 12/1/2018, ông tiếp tục công bố 3.254 câu thơ lục bát của Truyện Kiều bằng ngôn ngữ "tiếq Việt".

Cuối năm 2018, ông công bố dừng hoàn toàn, không nghiên cứu thêm bất cứ điều gì về bộ cải tiến tiếng Việt bởi bộ cải tiến đã hoàn thành rất đầy đủ, rõ ràng.

PGS.TS Bùi Hiền (1935 - 2025) là nhà giáo, nhà nghiên cứu ngôn ngữ và quản lý giáo dục, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội. Ông từng được cử đi học tiếng Nga từ năm 1953 và bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ tại Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva năm 1973.

Trong suốt sự nghiệp, ông gắn bó với công tác giảng dạy và nghiên cứu tiếng Việt. Ông qua đời ngày 11/5/2025 tại Phú Thọ, thọ 90 tuổi.

Đỗ Hợp

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/cong-dong-mang-day-song-vi-thai-do-vo-cam-truoc-su-ra-di-cua-nha-nghien-cuu-tung-de-xuat-cai-cach-tieng-viet-post1742085.tpo