Cộng đồng người Cơ Tu ở Tà Bhing phát triển sinh kế bền vững từ du lịch cộng đồng
Với cộng đồng người Cơ Tu ở xã Tà Bhing (huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam), thông qua hoạt động hiệu quả của HTX Du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu - Nam Giang và HTX Dệt thổ cẩm Zara đã và đang giúp cho họ phát triển sinh kế, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Hồi đầu năm nay, HTX Du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu - Nam Giang ở xã Tà Bhing đã vinh dự được trao Giải thưởng du lịch ASEAN 2025 ở hạng mục giải thưởng du lịch cộng đồng. Đây là lần thứ hai, HTX được vinh danh sau lần đầu tiên vào năm 2019.
Vừa tạo thu nhập, vừa gắn với bảo tồn
Với lực lượng nòng cốt là các nghệ nhân, đồng bào, các bạn trẻ yêu thích văn hóa truyền thống của người Cơ Tu, HTX này đã góp phần đóng góp cho phúc lợi xã hội và chất lượng cuộc sống cộng đồng, không chỉ tạo thu nhập cho người dân mà còn gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị vật thể, phi vật thể của địa phương để phát triển du lịch, tạo sự tương tác giữa cộng đồng địa phương với du khách…

Các du khách thích thú khi đến tham gia nét nguyên sơ của đồng bào Cơ Tu ở Tà Bhing thông qua tổ chức quy củ của HTX Du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu - Nam Giang.
Thời gian qua, HTX Du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu - Nam Giang đã định hướng phát triển các loại nông sản, kinh doanh các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, hàng lưu niệm và điều hành tour du lịch.
Với cách làm khác biệt, HTX này đã giúp người dân xã Tà Bhing có thu nhập và bảo tồn tốt hơn các giá trị văn hóa truyền thống. HTX được đánh giá cao vì góp phần cho phúc lợi xã hội và cải thiện chất lượng cuộc sống cộng đồng.
Mô hình trên không chỉ tạo thu nhập cho người dân mà còn phát huy các giá trị vật thể, phi vật thể của địa phương để phát triển du lịch, tạo sự tương tác giữa cộng đồng địa phương với du khách, đáp ứng các nguyên tắc khác của du lịch cộng đồng ASEAN.
Thông qua tổ chức quy củ của HTX, các du khách khi đến Tà Bhing sẽ được xem biểu diễn cồng chiêng, hát lý, nói lý, thưởng thức ẩm thực truyền thống đặc trưng của đồng bào Cơ Tu. Họ còn được xem các nữ nghệ nhân dệt thổ cẩm, mua sắm các mặt hàng lưu niệm do chính đồng bào nơi đây sản xuất.
Trong thời gian một ngày, du khách đến Tà Bhing sẽ được trải nghiệm các hoạt động văn hóa cộng đồng Cơ Tu như xem múa tâng tung da dá, thưởng thức các món ăn truyền thống; xem dệt cườm thổ cẩm tại làng nghề Zara và cùng trải nghiệm với cuộc sống người dân…
Khách đến thăm Tà Bhing chủ yếu là người nước ngoài, đặc biệt là du khách châu Á (nhiều nhất là Nhật Bản). Trước những nét văn hóa nguyên sơ của đồng bào, hầu hết du khách đều thích thú. Người Cơ Tu ở đây đón khách từ đầu làng. Từ nụ cười trong trẻo của các chàng trai, cô gái. Cái bắt tay hồn hậu, trìu mến, đến điệu múa Tung tung da dá, khiến cho du khách có cảm giác bị mê hoặc, quyến luyến, chẳng muốn về.
Ấn tượng với du khách chính là khi những thiếu nữ, chàng trai người Cơ Tu diễn vũ điệu Tung tung da dá trước khuôn viên nhà Gươl. Những đôi chân trần, đôi tay hòa nhịp tiếng cồng chiêng với những điệu múa uyển chuyển. Làm du lịch cộng đồng, người Cơ Tu bảo rằng, họ đang trên đường tìm lại “kho báu” của mình.
Điểm đến thu hút du khách
Theo ông Briu Thương, Chủ tịch HTX Du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu, lượng khách đến xã Tà Bhing, khá đông với các đoàn khách châu Á ưa thích trải nghiệm về văn hóa của đồng bào dân tộc Cơ Tu. Du khách đến quanh năm, đông nhất vào tháng 9 đến tháng 12 hàng năm.

Cộng đồng người Cơ Tu ở Tà Bhing dùng lời ca tiếng hát chào đón các du khách.
Cũng theo ông Thương, việc gìn giữ văn hóa truyền thống là một trong những điều tạo nên sự khác biệt trong các sản phẩm du lịch và các trải nghiệm của du khách. Thời gian tới, HTX cũng có những định hướng tiếp tục phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đẩy mạnh và đa dạng các hoạt động du lịch gắn với văn hóa truyền thống của cộng đồng Cơ Tu xã Tà Bhing.
Điều làm du khách ấn tượng ngay khi bước chân đến cổng làng du lịch cộng đồng ở đây chính là nội quy “3 không'” mà dân làng và du khách phải hứa với nhau: Không tự ý đi lại trong cộng đồng, không xâm phạm đến tài sản cá nhân, và không chụp ảnh khi chưa được phép; Không vứt rác bừa bãi và mang những cây con, vật lạ, chất cấm vào cộng đồng; Không cho tiền hoặc bất cứ vật gì cho người dân, đặc biệt là trẻ em.
Chính từ những điều mà du khách cùng người làng hứa với nhau này, đồng bào nơi đây tin rằng bản làng vẫn giữ nguyên nét đẹp hoang sơ cùng những con người đôn hậu nơi đây mà không bị “biến chất” bởi sự phát triển du lịch như ở một số nơi. Cùng với ý thức giữ gìn nét đẹp văn hóa bản địa, khi làm du lịch cộng đồng, người làng càng ý thức giữ gìn cảnh quan môi trường.
Nhờ vào việc phát triển du lịch mà làng nghề dệt thổ cẩm Zara ở Tà Bhing được hồi sinh, giúp tạo công ăn việc làm cho người dân, nhất là phụ nữ. Làng nghề này được phục hồi được đánh giá như một điểm sáng trong phát triển kinh tế ở vùng miền núi khó khăn Tà Bhing.
Nhất là doanh thu từ bán sản phẩm thổ cẩm của làng nghề bán ra cho du khách giúp cho các phụ nữ Cơ Tu tham gia dệt thổ cẩm tại làng có thêm thu nhập. Và thông qua hoạt động du lịch đã giúp thương hiệu dệt thổ cẩm Zara ở Tà Bhing được quảng bá, giới thiệu rộng rãi đến du khách khắp nơi, góp phần giúp làng nghề dệt thổ cẩm Zara được gìn giữ phát triển tốt.
Có được điều đó cũng nhờ vào việc phát triển HTX Dệt thổ cẩm Zara. HTX ra đời nhằm lưu giữ những nét cổ truyền của văn hóa dân tộc, không chỉ tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương mà còn là điểm đến thu hút khách du lịch.
Tính đến nay, HTX có 27 thành viên đều là người đồng bào dân tộc Cơ Tu. Dưới đôi bàn tay khéo léo, họ đã dệt nên những sản phẩm thủ công đặc sắc như khăn, túi, mũ, túi xách…
Đưa làng nghề dệt thổ cẩm 'vang xa'
Hoạt động của HTX này diễn ra đều đặn, hàng tuần vào thứ Hai, thứ Ba và thứ Tư, các thành viên trong HTX lại tập trung tại nhà sinh hoạt cộng đồng của thôn để cùng nhau dệt thổ cẩm, tạo ra các sản phẩm thủ công từ các vật liệu thô sơ do chính người dân Cơ Tu sáng tạo ra.

HTX Dệt thổ cẩm Zaragiúp làng dệt thổcẩm Zarangày càng vang xa.
Ở làng dệt thổ cẩm Zara, tất cả các thợ dệt trong làng và của HTX đều tập trung vào một nhà, cùng nhau dệt vải, tra cườm. Vải thổ cẩm dệt xong được đưa vào xưởng may tập trung, mỗi người một công đoạn, may váy quấn, khố, tấm đắp, túi…và nhiều loại vật dụng khác.
Thổ cẩm được HTX làm hoàn toàn thủ công và khép kín, từ khâu trồng cây nguyên liệu như bông, gai, đay, xe sợi, nhuộm, dệt vải, tạo hoa văn, tra cườm, thêu…cho đến may thành sản phẩm. Bên cạnh đó, các khung dệt ở đây cũng được làm hết sức thô sơ, chỉ từ những thanh tre, nứa…
Các sản phẩm của làng dệt Zara đều do họa sĩ thiết kế, đặt hàng từ kiểu dáng, màu sắc đến chủng loại. Đặc biệt, những chiếc túi thổ cẩm với nhiều tiện ích được quan tâm và thu hút người tiêu dùng.
Hiện, những sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống của HTX Dệt thổ cẩm Zara ngày càng đa dạng và phong phú về mẫu mã. Các sản phẩm thổ cẩm đã có chỗ đứng trên thị trường, thu hút du khách trong và ngoài nước đến làng tham quan và mua sắm. Trong đó, có nhiều sản phẩm như: bao gối, áo, tấm đắp, khăn trải bàn đến túi xách, túi đeo, ví nam, ví nữ… được thị trường ưa chuộng.
Bên cạnh việc thiết kế mẫu mã sản phẩm mới, HTX còn tiến hành nghiên cứu, phục dựng được 50 mẫu dệt truyền thống đang có nguy cơ mai một của đồng bào Cơ Tu. Đến nay, HTX đã cung cấp cho thị trường từ 200 đến 300 sản phẩm các loại, trong đó có rất nhiều sản phẩm hấp dẫn khách du lịch nước ngoài. Hầu như các mặt hàng đều được tiêu thụ hết, góp phần giúp đồng bào Cơ Tu phát triển kinh tế, cải thiện đời sống.
Tin rằng với hai HTX chủ lực là HTX Du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu - Nam Giang và HTX Dệt thổ cẩm Zara thì hoạt động du lịch cộng đồng ở Tà Bhing sẽ ngày càng tiến xa.
Và để các HTX tiếp tục phát triển mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm phát triển sinh kế bền vững cho người dân Cơ Tu ở Tà Bhing, thông qua định hướng của Liên minh HTX Việt Nam thì Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam sẽ có thêm hỗ trợ, đẩy mạnh tập huấn, trang bị và nâng cao nghiệp vụ du lịch cộng đồng cho HTX. Đặc biệt là tạo sự hỗ trợ, liên kết giữa các HTX với đơn vị lữ hành, công ty du lịch để quảng bá sản phẩm rộng rãi hơn nữa đến đông đảo khách du lịch.