Làng nghề chiếu cói Nga Sơn - Nơi hồn cói dệt nên lịch sử
Giữa nhịp sống hiện đại hối hả, làng nghề chiếu cói Nga Sơn (Thanh Hóa) vẫn bền bỉ gìn giữ nét truyền thống qua bàn tay tài hoa của những người thợ. Từng tấm chiếu không chỉ là vật dụng quen thuộc mà còn là biểu tượng của hồn quê, kết tinh trong từng sợi cói, từng đường dệt tinh tế. Trải qua bao biến thiên của thời gian, làng nghề ấy vẫn cháy bền ngọn lửa đam mê và sáng tạo, khẳng định giá trị văn hóa độc đáo giữa vòng xoay đổi thay của thời đại.
Huyện Nga Sơn nằm cách thành phố Thanh Hóa 40km đi về hướng Đông Bắc, từ lâu nổi tiếng là vùng đất giàu truyền thống văn hóa và lịch sử. Không chỉ được biết đến với nghề dệt chiếu cói truyền thống, Nga Sơn còn gắn liền với những danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử như Chiến khu Ba Đình, đền thờ Mai An Tiêm, động Từ Thức và những truyền thuyết mang đậm sắc màu dân gian.
Làng nghề chiếu cói Nga Sơn (Thanh Hóa) có lịch sử hàng trăm năm, bắt nguồn từ thời vua Đinh Tiên Hoàng, là một trong những vật cống tiến triều đình, được các bậc vua chúa, quý tộc ưa dùng. Cói Nga Sơn nổi tiếng với đặc điểm là sợi nhỏ, dai, óng mượt, đặc biệt là chỉ vùng đất ngập mặn ven biển này mới phù hợp để trồng cói và dệt chiếu.

Mùa cói tại xã Nga Thanh. Ảnh: Nga Sơn Biz
Sức sống mới từ làng nghề xưa
Từ lâu, Nga Sơn đã được biết đến là vùng đất của cây cói, nơi người dân sống gắn bó với nghề dệt chiếu truyền thống. Trước năm 1991, ngoài việc tiêu thụ nội địa, sản phẩm chiếu cói Nga Sơn từng được xuất khẩu sang thị trường Liên Xô và một số nước Đông Âu. Tuy nhiên, thời điểm đó, mặt hàng chủ yếu vẫn chỉ là chiếu dệt số lượng lớn, mẫu mã đơn giản, giá trị gia tăng chưa cao.
Cây cói không chỉ là nguyên liệu sản xuất mà còn là biểu tượng của sức sống mãnh liệt nơi vùng đất ven biển, nơi con người từng ngày bám biển, lấn đất, làm chủ thiên nhiên. Nghề cói đã nuôi sống bao thế hệ, ăn sâu vào đời sống văn hóa và kinh tế của người dân. Ông Nguyễn Văn Cung - một nghệ nhân cói thủ công lâu năm chia sẻ: “Tôi sinh ra và lớn lên ở làng nghề cói này. Nghề cói không chỉ là công việc mưu sinh, mà còn như một phần linh hồn của người dân nơi đây. Nhờ nghề này, bao thế hệ trong làng có cái ăn cái mặc, con cháu được đến trường. Cói đã nuôi sống cả làng, gắn bó với chúng tôi như máu thịt vậy". Thế nhưng, khi thị trường thay đổi, nhu cầu tiêu dùng chuyển hướng, cả người trồng cói lẫn các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp đều rơi vào tình cảnh khó khăn. Để nghề cói không bị đào thải, họ phải tìm một lối đi mới - một lối đi hướng tới xuất khẩu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cói.
Vào đầu những năm 2000, một số doanh nghiệp tiên phong ở Nga Sơn đã thay đổi cách nghĩ, cách làm trong sản xuất, một trong số đó là doanh nghiệp Viet Anh JSC. Họ tập trung đầu tư vào máy móc, công nghệ mới và không ngừng sáng tạo về mẫu mã nhằm chinh phục thị trường xuất khẩu khó tính. Từ những phương pháp thủ công truyền thống, người nghệ nhân đã khéo léo “thổi hồn” vào cây cói, lục bình, tre, nứa; biến nó thành hàng trăm sản phẩm thủ công mỹ nghệ đa dạng như thảm lót sàn, làn, túi xách, dép đi trong nhà, đồ trang trí nội thất... tất cả đều mang đậm dấu ấn của sự tinh tế và bản sắc làng nghề.
Đến nay, doanh nghiệp đã phát triển hơn 1000 dòng sản phẩm, trong đó có đến 70% được làm từ nguyên liệu cói. Hàng năm kim ngạch xuất khẩu đạt mức ổn định từ 4 - 5 triệu USD/năm. Các sản phẩm từ doanh nghiệp đã hiện diện tại nhiều thị trường quốc tế khắt khe như: Nhật Bản, Mỹ, Úc, New Zealand và Châu Âu; khẳng định bước chuyển mình mạnh mẽ của một làng nghề lâu đời. Không chỉ đòi hỏi mẫu mã đẹp, tinh xảo, các thị trường này còn đặt ra tiêu chuẩn cao về môi trường và an toàn cho người sử dụng, buộc cơ sở sản xu không ngừng cải tiến để thích nghi và phát triển bền vững.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Cung đã gắn bó với nghề hơn một thập kỷ
Nét văn hóa thuần Việt đang được hồi sinh
Bên cạnh là một sản phẩm thủ công truyền thống, cây cói và nghề dệt chiếu ở Nga Sơn còn mang trong mình giá trị văn hóa sâu sắc, trở thành cầu nối giữa quá khứ và hiện tại. Trên mỗi sợi cói đan dệt là tinh thần gìn giữ làng nghề bền bỉ của người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ - những người đang tiếp nối và làm mới nghề xưa bằng sự sáng tạo và tình yêu quê hương.
Không chỉ dừng lại ở phạm vi nội địa, hình ảnh sản phẩm cói của Nga Sơn từng hiện diện trong các hoạt động giao thương giữa Việt Nam với những cường quốc và thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ,... minh chứng cho vai trò và vị thế ngày càng nâng cao của địa phương trong bản đồ văn hóa và kinh tế. Chính từ giá trị ấy, việc quảng bá làng nghề gắn với du lịch văn hóa địa phương đang trở thành hướng đi triển vọng, đưa du khách về với miền quê chiếu cói để tìm hiểu lịch sử, trải nghiệm nghề truyền thống và cảm nhận một nét văn hóa thuần Việt đang được hồi sinh mạnh mẽ giữa dòng chảy hiện đại.

Bà Nguyễn Thị Minh - Trưởng phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin huyện Nga Sơn
“Những năm qua, lãnh đạo huyện Nga Sơn luôn quan tâm, chỉ đạo các phòng chuyên môn triển khai hiệu quả việc phát triển du lịch gắn với thế mạnh truyền thống của địa phương. Dựa trên lợi thế về văn hóa và lịch sử, chúng tôi đẩy mạnh phát triển du lịch tâm linh kết hợp với du lịch làng nghề - đặc biệt là làng nghề thủ công mỹ nghệ từ cói, mây, tre... vốn đã rất nổi tiếng ở Nga Sơn. Nhờ sự kết nối này, mỗi năm địa phương đón hàng nghìn lượt khách đến tham quan làng nghề. Không chỉ giúp quảng bá sản phẩm truyền thống như chiếu cói - một mặt hàng vừa gần gũi, vừa mang đậm bản sắc mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương”, bà Nguyễn Thị Minh - Trưởng phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin huyện Nga Sơn, chia sẻ.
Từ những sản phẩm đơn sơ phục vụ sinh hoạt, cói Nga Sơn đã vươn ra thế giới dưới hình hài các mặt hàng thủ công mỹ nghệ tinh xảo, góp phần đưa hình ảnh Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế. Qua từng sợi cói được đan dệt khéo léo là tinh thần gìn giữ di sản văn hóa, là sự kết nối giữa các thế hệ, đặc biệt là vai trò ngày càng rõ nét của giới trẻ trong việc bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống.
Làng nghề chiếu cói Nga Sơn không chỉ là niềm tự hào của người dân xứ Thanh mà còn là minh chứng sống động cho sự kết hợp hài hòa giữa văn hóa và thương mại. Nghề cói - với vai trò kép, vừa gìn giữ hồn cốt dân tộc, vừa thúc đẩy giao lưu kinh tế nhằm khẳng định vị thế của mình trên hành trình phát triển của tỉnh Thanh Hóa. “Mỗi sợi cói - Một hành trình” chính là lối đi thể hiện nét văn hóa đầy bản sắc và sức sống trong thời đại mới.