Cộng đồng quốc tế kêu gọi các bên ở Iraq kiềm chế bạo lực
Sau các cuộc đụng độ leo thang diễn ra hôm 29/8 (giờ địa phương) ở Baghdad, cộng đồng quốc tế đã lên tiếng kêu gọi tất cả các bên kiềm chế và giữ bình tĩnh. Điều quan trọng đối với tất cả các nhân tố là tránh bất kỳ hành động nào có thể khiến gia tăng bạo lực.
Theo người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ), ngày 29/8 (giờ địa phương), Tổng Thư ký Antonio Guterres kêu gọi các bên ở Iraq “kiềm chế và thực hiện các bước ngay lập tức để giảm leo thang tình hình”.
Người phát ngôn Stephane Dujarric nêu rõ Tổng Thư ký LHQ “quan ngại về các cuộc biểu tình đang diễn ra ở Iraq, trong đó nhiều người biểu tình xông vào các tòa nhà chính phủ”. Người đứng đầu LHQ “kêu gọi tất cả các bên vượt lên trên bất đồng và tham gia một cuộc đối thoại hòa bình ngay lập tức theo một cách thức mang tính xây dựng”.
Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi tất cả các bên cực kỳ kiềm chế và giữ bình tĩnh. EU nhắc lại tất cả các luật phải được tôn trọng và tính toàn vẹn của các thể chế được bảo vệ. Tất cả các bên cần nỗ lực hướng tới giảm leo thang căng thẳng và tham gia đối thoại chính trị trong khuôn khổ Hiến pháp, như một phương tiện duy nhất để giải quyết những bất đồng. EU nhắc lại sự ủng hộ vững chắc của liên minh đối với an ninh, ổn định và chủ quyền của Iraq.
Về phần mình, Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad cho biết, Washington lo ngại những diễn biến căng thẳng đang leo thang giữa chính quyền và những người biểu tình, đồng thời kêu gọi hai bên kiềm chế bạo lực. Cơ quan trên nêu rõ: “Các báo cáo về tình hình bất ổn trên khắp Iraq rất đáng báo động… Mỹ lo ngại căng thẳng gia tăng và kêu gọi tất cả các bên giữ hòa bình, kiềm chế các hành động có thể dẫn đến vòng xoáy bạo lực”.
Điều phối viên truyền thông chiến lược của Hội đồng an ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby cho biết, tình trạng bất ổn ở Iraq sau khi Giáo sĩ Moqtada al-Sadr tuyên bố rời chính trường là “đáng lo ngại”, kêu gọi “đối thoại” để xoa dịu các vấn đề chính trị của nước này. Tuy nhiên, ông khẳng định, Washington thấy chưa cần thiết phải sơ tán nhân viên Đại sứ quán Mỹ tại Iraq.
Những lời kêu gọi trên được đưa ra trong bối cảnh Thủ đô Baghdad của Iraq rơi vào hỗn loạn sau khi giáo sĩ Hồi giáo dòng Shiite quyền lực ở nước này, ông Moqtada al-Sadr tuyên bố sẽ rời chính trường do tình trạng bế tắc chính trị khó giải quyết hiện nay.
Những người ủng hộ Giáo sĩ Moqtada al-Sadr đã tiến hành biểu tình, nhiều người xông vào một tòa nhà chính phủ ở “Vùng Xanh” tại trung tâm Thủ đô Baghdad, nơi có các tòa nhà chính phủ và các cơ quan ngoại giao. Các nguồn tin cho biết ít nhất 7 quả đạn pháo đã rơi xuống “Vùng Xanh” trong ngày 29/8. Hiện chưa rõ bên nào đứng sau các vụ pháo kích trên. Theo các nhân viên y tế và cảnh sát, 12 người đã thiệt mạng và 19 người khác bị thương.
Kênh truyền hình Al Arabiya đưa tin đụng độ xảy ra giữa lữ đoàn Saraya al-Salam thân cận với Giáo sĩ Moqtada al-Sadr và lực lượng Hashd al-Shaabi tập hợp tất cả các nhóm dân quân dòng Shiite ở Iraq. Các bên sử dụng súng cối và súng máy hạng nặng. Hiện các đơn vị của quân đội Iraq đã được điều đến Baghdad để tăng cường lực lượng an ninh. Chiều 29/8, quân đội Iraq đã mở rộng lệnh giới nghiêm ra toàn quốc bắt đầu từ 19h (giờ địa phương - 23h cùng ngày theo giờ Việt Nam).
Giáo sĩ Moqtada al-Sadr có hàng triệu tín đồ trung thành. Những người ủng hộ ông đã biểu tình ngồi trước tòa nhà Quốc hội từ ngày 30/7 vừa qua để phản đối việc ông Mohammed Shia al-Sudani được đề cử làm Thủ tướng Iraq. Các cuộc biểu tình diễn ra trong bối cảnh những tranh cãi leo thang giữa Giáo sĩ Moqtada al-Sadr và các đối thủ của ông là khối Khuôn khổ Hợp tác (CF), một nhóm bảo trợ các đảng phái Shiite trong Quốc hội Iraq. Ngày 3/8, ông Moqtada al-Sadr còn kêu gọi những người ủng hộ tiếp tục biểu tình cho đến khi yêu cầu giải tán Quốc hội và tiến hành cuộc bầu cử sớm được đáp ứng.
Iraq chìm trong khủng hoảng chính trị và kinh tế-xã hội sau cuộc bầu cử hồi tháng 10/2021, trong đó đảng của ông Moqtada al-Sadr giành được nhiều ghế nhất, với 73/329 ghế tại Quốc hội Iraq. Căng thẳng tiếp diễn giữa các chính đảng Shiite trong thời gian qua đã khiến Iraq không thành lập được chính phủ mới, do không hội đủ 2/3 số phiếu cần thiết tại quốc hội để bầu được tổng thống mới theo quy định trong Hiến pháp. Toàn bộ các nghị sĩ thuộc đảng của ông Moqtada al-Sadr đã rút khỏi Quốc hội Iraq. Nếu được bầu, tổng thống mới sẽ chỉ định thủ tướng do liên minh lớn nhất trong quốc hội đề cử đứng ra thành lập một chính phủ mới nhiệm kỳ 4 năm.
Trong một cuộc họp hồi giữa tháng này, các nhà lãnh đạo chính trị chủ chốt tại Iraq, ngoại trừ giáo sĩ Moqtada al-Sadr, đã nhất trí hợp tác về một lộ trình nhằm chấm dứt bế tắc chính trị ở nước này sau các cuộc đối thoại do Thủ tướng Mustafa al-Kadhemi kêu gọi.
Trong thông báo, Văn phòng Thủ tướng Iraq cho biết các bên đã nhất trí về một số điểm, trong đó có cam kết tìm kiếm một giải pháp thông qua tiếp tục đối thoại “nhằm xây dựng một lộ trình hợp hiến và hợp pháp để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay”. Các bên tham gia cũng kêu gọi chấm dứt tất cả các hình thức leo thang căng thẳng chính trị, hối thúc những người ủng hộ giáo sỹ al-Sadr tham gia đối thoại toàn quốc.
Theo thông báo, các bên cũng không loại trừ khả năng tiến hành bầu cử sớm. Đàm phán có sự tham gia của Tổng thống Iraq Barham Saleh, Chủ tịch Quốc hội Mohammed al-Halbussi, đặc phái viên của Liên hợp quốc tại Iraq Jeanine Hennis-Plasschaert, 2 cựu Thủ tướng Nuri al-Maliki và Haider al-Abadi, cùng lãnh đạo các lực lượng chính trị tại Iraq.