Cộng đồng quốc tế quan tâm hỗ trợ giáo dục cho trẻ em gái tại các vùng khó khăn Việt Nam

Theo tờ The Star (Malaysia), ở nhiều cộng đồng nghèo khó, các trẻ em gái thường bị buộc phải bỏ học để đi làm, trong khi nhiều em khác bị buộc phải kết hôn và sinh con trước khi sẵn sàng về cả thể chất hoặc tinh thần.

Nhưng giáo dục là chất xúc tác cho sự thay đổi. Sức mạnh của giáo dục đối với trẻ em được thể hiện rõ nhất qua cuộc đời của Di, một cô gái người Hmong 21 tuổi đến từ huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên, Việt Nam.

Theo The Star, Tủa Chùa là một trong 74 huyện nghèo của Việt Nam và vẫn tồn tại tình trạng tảo hôn ở trẻ em gái. Nhiều bé gái chỉ đi học đến năm 10 tuổi rồi bỏ học để giúp gia đình làm việc đồng áng trong khi chờ lấy chồng.

Các trẻ em gái tại Tủa Chùa và nhiều nơi khác được quan tâm đi học. Ảnh: Daidoanket.

Các trẻ em gái tại Tủa Chùa và nhiều nơi khác được quan tâm đi học. Ảnh: Daidoanket.

Hầu hết họ hàng là nữ của Di đều kết hôn lúc 14, 15 tuổi và trở thành mẹ ngay sau đó.

Di gần như đi theo con đường tương tự nhưng em vẫn kiên trì, quyết tâm ở lại trường. Vào năm 14 tuổi, trước sức ép lấy chồng, Di đã nhận được sự can thiệp kịp thời và hỗ trợ thiết thực của chính quyền địa phương cùng các tổ chức phi chính phủ (NGO) như World Vision. Dưới sự khuyên nhủ của họ, cha mẹ Di đã đồng ý cho em trở lại trường học.

Hiện nay, Di là người đầu tiên trong làng vào đại học, hiện là sinh viên năm thứ 2 trường Đại học Sư phạm Hà Nội và đang theo đuổi ước mơ trở thành giáo viên mầm non. Di chia sẻ: "Tôi rất biết ơn World Vision và các nhà tài trợ của tôi. Nếu không có họ, tôi sẽ không có được tất cả những cơ hội mà tôi đã có, càng không thể chia sẻ câu chuyện khiêm tốn của mình. Tôi hy vọng sẽ có thêm nhiều cô gái được trao cơ hội tương tự để họ có thể sống một cuộc đời thể hiện được hết mọi khả năng".

Giám đốc điều hành World Vision Malaysia, Terry Leong cho biết: "Chúng tôi rất tự hào về câu chuyện của Di vì nó cho thấy sức mạnh của giáo dục đối với trẻ em". Tủa Chùa là một trong những cộng đồng được World Vision hỗ trợ.

Leong cho biết giáo dục là quyền cơ bản mà mọi trẻ em đều xứng đáng được hưởng nhưng nhiều trẻ em gái chưa được hưởng điều đó. Ông Leong nói: "Hàng triệu trẻ em không được tiếp cận bình đẳng với nền giáo dục có chất lượng chỉ vì họ mang giới tính nữ. Mọi trẻ em gái đều xứng đáng có cơ hội mơ ước, học hỏi và phát huy hết tiềm năng cá nhân của mình".

"Và chúng ta có thể thực hiện điều này thông qua hoạt động tài trợ cho trẻ em, để các bé gái được cung cấp những nguồn lực cần thiết để vượt qua các rào cản và đạt được mục tiêu của mình. Cùng nhau, chúng ta có thể tạo ra một tương lai cho các bé gái có thể phát triển mạnh mẽ", ông Leong cho biết.

An Bình

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/cong-dong-quoc-te-quan-tam-ho-tro-giao-duc-cho-tre-em-gai-tai-cac-vung-kho-khan-viet-nam-20230914103558155.htm