Cộng đồng quốc tế tiếp tục lên án vụ đảo chính tại Niger
Trong thông cáo ngày 28/7, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc lên án các nỗ lực thay đổi Chính phủ Niger một cách bất hợp pháp và kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho Tổng thống Niger Mohamed Bazoum.
Cộng đồng quốc tế tiếp tục lên án vụ đảo chính tại Niger, đặc biệt sau khi ngày 28/7, Tướng Abdourahamane Tchiani, người đứng đầu Lực lượng Bảo vệ Tổng thống từ năm 2011, tuyên bố mình là nhà lãnh đạo mới của quốc gia châu Phi bất ổn này và cảnh báo rằng bất kỳ sự can thiệp quân sự nào của nước ngoài sẽ dẫn đến tình trạng hỗn loạn.
Đầu tuần này, các thành viên của Lực lượng Bảo vệ Tổng thống do Tướng Tchiani đứng đầu tuyên bố lật đổ Tổng thống Bazoum, đóng cửa biên giới và áp đặt lệnh giới nghiêm trong nước "cho đến khi có thông báo mới."
Trong thông cáo ngày 28/7, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc lên án các nỗ lực thay đổi Chính phủ Niger một cách bất hợp pháp và kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho Tổng thống Niger Mohamed Bazoum.
Thông cáo có đoạn: “Các nước ủy viên Hội đồng Bảo an lên án mạnh mẽ những nỗ lực nhằm thay đổi chính phủ hợp pháp của Cộng hòa Niger vào ngày 26/7/2023 một cách vi hiến. Hội đồng Bảo an kêu gọi trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho Tổng thống được bầu cử dân chủ Mohammed Bazoum, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ ông, gia đình và các thành viên trong chính phủ của ông."
Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đe dọa cắt viện trợ cho Niger.
Ngày 28/7, Mỹ tuyên bố việc lật đổ tổng thống do dân bầu của Niger khiến viện trợ quân sự của Mỹ cho quốc gia nghèo khó nhưng có vị trí chiến lược này có thể gặp rủi ro.
Phát biểu với báo giới, người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby khẳng định những sự kiện ở Niger có ảnh hưởng tiêu cực tới quan hệ hợp tác với Mỹ, có thể khiến Washington ngừng hợp tác an ninh và các hoạt động khác với Chính phủ Niger.
Quan chức Nhà Trắng cảnh báo rằng cuộc đảo chính "sẽ tiếp sức cho các tổ chức cực đoan bạo lực, phá hoại sự ổn định" và "làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh và bạo lực trong khu vực."
Pháp yêu cầu khôi phục trật tự hiến pháp tại Niger, khẳng định "không công nhận" những người làm đảo chính và nhấn mạnh ông Bazoum là "Tổng thống duy nhất."
Dự kiến trong ngày 29/7, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ chủ trì một cuộc họp với các quan chức quốc phòng. Hiện Pháp đang triển khai khoảng 1.500 quân tại quốc gia Tây Phi này.
Trong khi đó, Tổng thống Kenya William Ruto gọi việc quân đội tiếp quản là "một trở ngại nghiêm trọng" đối với châu Phi. Ông cho rằng mong muốn của người dân Niger về nền dân chủ hợp hiến đã bị chà đạp với cuộc lật đổ chính phủ này.
Tổng thống Nigeria Bola Tinubu cho biết các nhà lãnh đạo Tây Phi sẽ nhóm họp vào ngày 30/7 tại Thủ đô Abuja của Nigeria để thảo luận về cuộc đảo chính.
Các tuyên bố trên được đưa ra sau khi ngày 28/7, Tướng Tchiani đã xuất hiện trên truyền hình nhà nước tự xưng là Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Bảo vệ Tổ quốc và trở thành nhà lãnh đạo mới của nước này.
Tổng thống Bazoum hiện vẫn bị giam giữ./.