Cộng đồng tình báo Mỹ chia rẽ về nguồn gốc Covid-19
Các quan chức Mỹ thừa nhận, cộng đồng tình báo nước này chưa giải quyết được cuộc tranh luận gay gắt bên trong chính quyền Tổng thống Joe Biden về nguồn gốc đại dịch Covid-19.
Tổng thống Biden hồi tháng 5 ra lệnh cho các cơ quan tình báo Mỹ trong vòng 90 ngày phải "gia tăng nỗ lực" nhằm xác định đại dịch do virus corona chủng mới gây ra đã khởi phát như thế nào.
Báo cáo tóm tắt điều tra của Văn phòng Giám đốc tình báo quốc gia Mỹ gửi tổng thống ngày 24/8 và được giải mật ngày 27/8 cho biết, họ vẫn chưa tìm ra đáp án thỏa đáng cho câu hỏi này.
Theo báo cáo, các cơ quan tình báo Mỹ vẫn bất đồng về nguồn gốc của virus. Một số cho rằng, bệnh bắt nguồn từ "việc tiếp xúc tự nhiên với một con vật nhiễm virus corona chủng mới hoặc một loại virus tiền thân gần gũi". Song, họ chỉ có "niềm tin thấp" vào kết luận đó.
Trong khi, phần còn lại của cộng đồng tình báo Mỹ có "niềm tin ở mức vừa phải" rằng, ca mắc Covid-19 đầu tiên ở người có khả năng do "một sự cố liên quan đến phòng thí nghiệm, có thể bao gồm việc thí nghiệm, xử lý động vật hoặc lấy mẫu của Viện virus học Vũ Hán" của Trung Quốc.
Báo cáo kết luận, các nhà phân tích sẽ không thể đưa ra "lời giải thích rõ ràng hơn" nếu không có các thông tin mới từ Trung Quốc, chẳng hạn như các mẫu lâm sàng hoặc dữ liệu dịch tễ học của những ca bệnh đầu tiên.
Theo Reuters, ngay sau khi báo cáo tóm tắt trên được công bố hôm 27/8, lãnh đạo Nhà Trắng đã lên tiếng cáo buộc Trung Quốc đang nắm giữ các thông tin quan trọng về nguồn gốc đại dịch nhưng ngăn cản các điều tra viên quốc tế cũng như các thành viên của cộng đồng y tế công cộng toàn cầu tiếp cận chúng.
Ngược lại, Trung Quốc nhất quyết bác bỏ giả thuyết virus thoát ra từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, đồng thời tố ngược đây là "âm mưu chính trị hóa dịch bệnh". Bắc Kinh cũng thúc đẩy các giả thuyết khác, kể cả giả thuyết virus đã bị rò rỉ khỏi một phòng thí nghiệm của quân đội Mỹ ở pháo đài Detrick, bang Maryland năm 2019.
Cho đến nay, đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của gần 4,5 triệu người trên thế giới kể từ khi ca mắc đầu tiên được chính thức ghi nhận ở Vũ Hán cuối tháng 12/2019. Theo thống kê của trang Worldometers, virus đã tấn công 221 quốc gia và vùng lãnh thổ, lây nhiễm cho tổng cộng trên 216 triệu ca bệnh.