Cộng đồng trách nhiệm xã hội trong đại dịch
Người thành đạt, người có địa vị nếu có lỡ lời, họ thành miếng mồi ngon cho xã hội lên đồng bỡn cợt, bêu riếu. Nếu chờ mãi không thấy lỡ lời, không ít kẻ sẽ sẵn sàng xuyên tạc. Hình ảnh của họ bị sử dụng méo mó cho nhiều mục đích khác nhau, không loại trừ cả mục đích bất lương. Đáp lại, các tỷ phú thường rất kiệm ngôn. Khi xã hội thật sự cần, thay vì nói, họ sẽ làm việc cần làm...
Thừa tinh thần "dân túy", dân chúng, nhất là người tham gia mạng xã hội rất ưa công kích giới doanh nhân thành đạt, các tỷ phú. Hễ có va chạm giao thông thì người đi xe đạp luôn đúng. Mọi sai lầm đều thuộc về người đi xe hơi. Xe càng sang, càng đắt tiền thì lỗi càng nặng. Nếu công an can thiệp, kết luận người đi xe hơi đi đúng, người đi xe đạp có lỗi thì hiển nhiên là... nó - tay nhà giàu - đã đút tiền cho công an để đổi trắng thay đen, bẻ cong công lý!
Chê bai, công kích người thành công là một cách thức tồn tại của kẻ thất bại. Gã thợ sửa ống nước chê nhà sản xuất xe hơi dốt, bảo chống mắt lên coi họ phá sản. Cô bán online mặt hàng kem trộn dè bỉu dược sĩ điều chế yếu tay nghề. Gã cò đất coi thường trí tuệ và khả năng điều hành của tỷ phú bất động sản... Can tội làm khác điều họ nghĩ, tập đoàn hay công ty đa quốc gia nào cũng sắp sửa ...chết chắc.
Người thành đạt, người có địa vị nếu có lỡ lời, họ thành miếng mồi ngon cho xã hội lên đồng bỡn cợt, bêu riếu. Nếu chờ mãi không thấy lỡ lời, không ít kẻ sẽ sẵn sàng xuyên tạc. Hình ảnh của họ bị sử dụng méo mó cho nhiều mục đích khác nhau, không loại trừ cả mục đích bất lương.
Đáp lại, các tỷ phú thường rất kiệm ngôn. Khi xã hội thật sự cần, thay vì nói, họ sẽ làm việc cần làm. Dịch COVID -19 bùng nổ, doanh nhân, tỷ phú là những người đóng góp nhiều nhất. Ông Lê Thanh Thản, tức Thản "điếu cày" tuyên bố khó mấy cũng không sa thải nhân công, không hạ lương người lao động, dù ít việc.
Ông Lê Văn Kiểm góp ngay 20 tỷ đồng hỗ trợ. Khi đang bị công kích dữ dội vì chi 8,5 tỷ thuê chuyên cơ chở con gái từ Anh về nước chữa trị, ông Jonathan Hạnh Nguyễn vẫn góp ngay 30 tỷ chống dịch. Cùng thời điểm, Thaco Trường Hải của ông Trần Bá Dương cũng tặng 10 tỷ đồng hỗ trợ chống dịch, đồng thời lập tổ khảo sát nhu cầu phục vụ công tác chữa trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy để tiếp tục tài trợ máy móc, trang thiết bị. Tỷ phú "nghèo" như ông Duy Lợi võng xếp cũng góp tiền tỷ, rồi đích thân lái xe chở ngay hàng chục bộ võng xuống khu cách ly Ký túc xá Đại học Quốc gia cho anh em tình nguyện viên có chỗ nằm, đỡ cảnh vạ vật màn trời chiều đất vì chưa thu xếp kịp, sau đó lại bán giảm giá 50% tổng cộng 2.000 bộ võng cho chương trình hỗ trợ bộ đội, bộ đội biên phòng vì chống dịch mà phải nhường doanh trại cho người cách ly. Tỷ phú Phạm Nhật Vượng thì khỏi nói, chi ngay 100 tỷ giúp mua thiết bị chống dịch, thêm nhiều khoản hỗ trợ nghiên cứu, hỗ trợ đối tác nhỏ khó khăn, mua khẩu trang, thuê máy bay đón công dân... tổng cộng lên tới 450 tỷ đồng.
Đóng góp lớn nhưng họ đều không hề tuyên bố ồn ào. Vượt lên trên hành động xã hội từ thiện, các tỷ phú, doanh nghiệp đang thực hiện trách nhiệm CSR (Corporate social responsibility - Cộng đồng trách nhiệm xã hội).
Hiểu khái quát, CSR là những đóng góp xã hội nằm ngoài hạch toán kinh doanh nhưng có tính quy ước, trên cơ sở tự nguyện. Nó không chỉ bao hàm đóng góp tài chính mà còn gồm cả trách nhiệm về nhiều mặt bảo đảm giúp xã hội phát triển bền vững, minh bạch, lành mạnh... trong các mặt môi trường, văn hóa xã hội, nghiên cứu phát triển, y tế, phòng chống thiên tai dịch bệnh và cả xã hội từ thiện.
Có nhiều người giúp từ thiện đơn thuần là chỉ dấu của một xã hội vẫn nghèo, chưa phát triển. Ngược lại, càng có nhiều đóng góp CSR, xã hội càng thêm cơ hội phát triển mạnh và bền vững. Hơn bao giờ hết, xã hội Việt Nam đã xuất hiện nhiều hơn những doanh nghiệp, doanh nhân tham gia CSR, dù bản thân các đơn vị kinh tế này cũng đang gặp vô vàn khó khăn, sút giảm vì đại dịch COVID - 19. Đây là một chỉ dấu đáng phấn khởi, mở ra nhiều hy vọng.
Đã đến lúc cần công bằng hơn. Ai làm được gì cho đời, cho con người thì nên ủng hộ họ. Xã hội cần coi trọng, tôn vinh, tri ân những đóng góp to lớn của giới doanh nhân, doanh nghiệp. Nếu họ sai, để luật pháp tính. Nếu họ không sai nhưng bạn không ưa, bạn có thể im lặng. Có thể họ không là bạn bè của bạn, nhưng chắc chắn họ không hề là kẻ thù nên không cần hạ bệ, loại trừ. Thời COVID hoành hành, không phải ở yên tại chỗ, bớt gây nhiễu đi đã là tử tế và yêu nước đó sao?