Cống hiến hết mình cho nghệ thuật

Đều theo nghề từ khi còn rất trẻ, các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát ca múa nhạc tỉnh luôn giữ trong mình niềm say mê, nhiệt huyết với nghề mình đã chọn. Phía sau ánh đèn sân khấu là những ngày tháng khổ luyện không kể ngày đêm, đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt để có được những giây phút tỏa sáng trên sân khấu. Dẫu vất vả, nhọc nhằn, các nghệ sĩ vẫn luôn vẹn nguyên lòng yêu nghề cháy bỏng, cống hiến hết mình cho nghệ thuật, mang đến cho công chúng những chương trình biểu diễn chất lượng.

Một chương trình nghệ thuật "Sắc màu Sơn La - Tây Bắc" của Nhà hát ca múa nhạc tỉnh tại thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Hoàng Giang

Một chương trình nghệ thuật "Sắc màu Sơn La - Tây Bắc" của Nhà hát ca múa nhạc tỉnh tại thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Hoàng Giang

Với hơn 50 cán bộ, viên chức và hợp đồng, Nhà hát vừa phải đảm bảo thực hiện tốt công tác tổ chức, hành chính, sưu tầm vừa tổ chức luyện tập, biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh, ngành, các địa phương hằng năm và xây dựng các chương trình nghệ thuật mới tham gia hội thi, hội diễn khu vực và toàn quốc. Hạn chế về con người nên đơn vị luôn chủ động trong sắp xếp, phân công nhiệm vụ giúp các nghệ sĩ phát huy tốt khả năng, sở trường trong các lĩnh vực: Sưu tầm biểu biễn, sáng tác, hát, múa, nhạc cụ… Nhờ vậy, các chương trình nghệ thuật phục vụ sự kiện lớn của địa phương luôn được dàn dựng tổng hợp, hội tụ đầy đủ các thể loại nghệ thuật biểu diễn, chủ đề chọn lọc những nét đặc sắc nhất của văn hóa Sơn La, mang đến cho công chúng những màn biểu diễn mãn nhãn, nhiều tác phẩm để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả và chạm tới trái tim người xem.

Ca sĩ, Nghệ sĩ ưu tú Hải Yến tâm sự: Hơn 20 năm công tác là bấy nhiêu năm tôi cùng với đồng nghiệp rong ruổi đi khắp các bản làng xa xôi biểu diễn phục vụ bà con, có những chuyến phải đi bộ vài cây số hay lênh đênh cả buổi trên thuyền, có chuyến đi trời mưa, đường lầy, xe không đi qua được, cả đoàn phải xuống chia nhau tốp kéo trước, tốp đẩy sau, áo quần bê bết bẩn… Đổi lại những ngày “cơm niêu, nước lọ” trong mỗi chuyến công tác vùng cao là những đêm diễn ngập tràn tình yêu thương, trân quý của bà con, những nắm tay trìu mến, những tràng pháo tay cổ vũ nhiệt tình giúp nghệ sĩ chúng tôi như được tiếp thêm động lực, sức mạnh để tiếp tục cống hiến.

Còn với chị Hoàng Thị Nguyệt, diễn viên múa của Nhà hát, tình yêu với nghệ thuật được ấp ủ từ khi còn bé, cho tới hôm nay đã hơn 10 năm công tác. Trải qua thời trẻ son rỗi đầy nhiệt huyết, giờ đây, khi gánh trên vai trách nhiệm làm vợ, làm mẹ, phải luôn nỗ lực hơn để thu xếp công việc và gia đình sao cho vẹn toàn. Chị Nguyệt giãi bày: Nghề múa tuy vất vả, luyện tập không kể ngày đêm để đáp ứng được các chương trình gấp rút nhưng đó cũng là điều mang lại cho chúng tôi niềm vui, tự hào khi được góp sức tạo nên thành công trong các tác phẩm nghệ thuật của đơn vị.

Một buổi luyện tập của các diễn viên múa.

Một buổi luyện tập của các diễn viên múa.

Mỗi người một hoàn cảnh, các nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát vẫn luôn nỗ lực không ngừng, xây dựng đơn vị thành một tập thể đoàn kết, hỗ trợ nhau về mọi mặt từ trong công việc đến cuộc sống, động viện nhau giữ vững lòng yêu nghề mãnh liệt, dành hết tâm huyết với nghiệp diễn. Niềm đam mê với nghệ thuật như ngấm vào máu, hòa vào trong tâm, là cuồn cảm hứng vô tận và là động lực lớn lao để các nghệ sĩ không ngừng sáng tạo, cống hiến, xây dựng những tác phẩm biểu diễn mang tính nghệ thuật cao.

Nghệ sĩ ưu tú Trung Hưng, biên đạo múa Nhà hát, chia sẻ: Những biên đạo múa của đơn vị phải đến từng bản làng các dân tộc, tìm hiểu văn hóa, sưu tầm các làn điệu dân ca, dân vũ, chắt lọc những nét tinh túy trong nghệ thuật biểu diễn dân gian để phát triển, đưa vào những tác phẩm múa đương đại. Nhờ đó, các chương trình nghệ thuật của Nhà hát luôn mang màu sắc dân tộc, tạo nên phong cách đặc trưng riêng, vừa gần gũi, thân quen, được bà con yêu thích đón nhận, vừa mang âm hưởng hiện đại, đặc sắc mà không làm mất đi cái “hồn” dân gian trong đó nên được đánh giá cao tại các hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp.

Nhà hát ca múa nhạc tỉnh biểu diễn tại xã Mường Lang, huyện Phù Yên. Ảnh: Huy Thành

Nhà hát ca múa nhạc tỉnh biểu diễn tại xã Mường Lang, huyện Phù Yên. Ảnh: Huy Thành

Là nhạc sĩ trẻ tài năng của Nhà hát, trong hơn 16 năm công tác, anh Minh Đức đã cho ra đời hơn 40 ca khúc với những thể loại khác nhau, được giới chuyên môn đánh giá cao và được công chúng yêu mến đón nhận. Với nhiều tác phẩm ấn tượng, nhạc sĩ Minh Đức từng nhận được nhiều giải thưởng danh giá, trong đó có giải Nhạc sỹ trẻ triển vọng tại Liên hoan ca múa nhạc toàn quốc năm 2018, “Nhạc sỹ sáng tác tốt” tại cuộc thi độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2020 do Hội Nhạc sỹ Việt Nam trao tặng. Nhạc sĩ Minh Đức nói: Để có những tác phẩm âm nhạc mang nét đặc sắc của Sơn La và phù hợp với phong cách biểu diễn của Nhà hát, nhạc sĩ phải dày công tìm hiểu, nghiên cứu, phải trăn trở, sống cùng với âm nhạc dân tộc, hiểu và cảm nhận sâu sắc về dân nhạc dân gian của đồng bào. Đó chính là chất liệu quý giá để sáng tạo những tác phẩm âm nhạc mang hơi thở hiện đại nhưng vẫn giữ "màu sắc" dân tộc trong đó.

Hơn 70 năm xây dựng và phát triển, Nhà hát ca múa nhạc tỉnh đã hình thành nên một phong cách biểu diễn riêng có mang âm hưởng dân gian dân tộc Tây Bắc và thổi vào đó luồng sinh khí mới của nghệ thuật hiện đại. Nối tiếp truyền thống của các lớp nghệ sĩ tiền bối như: NSƯT Hoàng Chiên, Vương Thanh Hải, Đinh Xuân Tương, Đinh Công Pòn... các thế hệ nghệ sĩ của Nhà hát hôm nay vẫn không ngừng miệt mài sáng tạo, cống hiến. Vượt qua mọi khó khăn, trở ngại, các chiến sĩ trên mặt trận văn hóa luôn xông pha, đi tới khắp các bản làng xa xôi, cùng ăn, cùng ở với bà con dân bản, cảm thụ văn hóa, chắt lọc những giá trị tốt đẹp nhất trong các loại hình nghệ thuật dân gian để phát triển, sáng tạo thành những tác phẩm nghệ thuật chất lượng cao. Nhờ vậy, không chỉ phục vụ tốt thị hiếu của khán giả ngày nay mà còn góp phần không nhỏ để bảo tồn, gìn giữ và quảng bá văn hóa dân tộc Sơn La.

Chương trình biểu diễn phục vụ bà con các xã biên giới huyện Sốp Cộp thu hút đông đảo khán giả đến xem và cổ vũ.

Chương trình biểu diễn phục vụ bà con các xã biên giới huyện Sốp Cộp thu hút đông đảo khán giả đến xem và cổ vũ.

Mỗi năm, Nhà hát tổ chức từ 60-70 buổi biểu diễn phục vụ cơ sở, thu hút trên 250.000 lượt khán giả ở các địa bàn vùng xa, vùng khó khăn của tỉnh. Hằng năm, đơn vị luôn có hàng chục tác phẩm sáng tác mới thuộc các thể loại: Thanh nhạc, khí nhạc và múa, chỉnh lý, xây dựng các hương trình nghệ thuật mới chất lượng, sáng tạo và đổi mới, đáp ứng nhu cầu thị hiếu thưởng thức nghệ thuật của khán giả. Các chương trình của đơn vị luôn đạt giải cao tại các hội diễn nghệ thuật khu vực và toàn quốc, nhiều cá nhân là các nhạc sĩ, biên đạo trẻ tài năng, được công nhận là nghệ sĩ ưu tú. Trong đó phải kể đến: biên đạo múa NSƯT Đức Thọ; diễn viên múa, NSƯT Lò Thu, Hà Lĩnh; nhạc sĩ Thanh Hải; ca sĩ Hà Thơm... Với nhiều thành tích xuất sắc, Nhà hát vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất cho tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2012-2022.

Nhà hát ca múa nhạc tỉnh với nhiều chương trình nghệ thuật chất lượng phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh.

Nhà hát ca múa nhạc tỉnh với nhiều chương trình nghệ thuật chất lượng phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh.

Nghệ sĩ ưu tú Đoàn Thế Hùng, Giám đốc Nhà hát, cho biết: Mặc dù còn những khó khăn về cơ sở vật chất, thiếu số lượng diễn viên, chế độ đãi ngộ dành cho diễn viên còn hạn chế… nhưng các cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên của đơn vị luôn phát huy tinh thần đoàn kết, khắc phục khó khăn, tâm huyết với nghề, nỗ lực hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Đơn vị cũng luôn chú trọng bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên, mời các nhạc sĩ, biên đạo tài năng trong cả nước đến cộng tác, truyền đạt kinh nghiệm và phối hợp biên đạo múa, sáng tác, hòa âm, phối khí các tác phẩm mới. Đội ngũ nghệ sĩ không ngừng học hỏi, nâng cao năng lực chuyên môn và xây dựng nhiều tác phẩm mới, đoạt giải cao tại các hội diễn khu vực và toàn quốc.

Là đơn vị chuyên tổ chức luyện tập và biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp duy nhất của tỉnh, Nhà hát ca múa nhạc tỉnh vẫn đang không ngừng sáng tạo, đổi mới, nâng cao chất lượng mỗi tác phẩm, chương trình nghệ thuật. Các cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát vẫn từng ngày nỗ lực vượt khó, khổ luyện hăng say, giữ vững tình yêu sắt son với nghiệp diễn để tỏa sáng và cống hiến, góp phần làm thăng hoa nét đẹp trong giá trị văn hóa ngàn đời của các dân tộc Sơn La.

Thanh Đào

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/van-hoa-xa-hoi/cong-hien-het-minh-cho-nghe-thuat-P2hgnacIg.html