Ngôi nhà độc lạ xây hơn 20 năm mới xong, khách trả 20 tỷ đồng chủ không bán
Một ngôi nhà độc lạ ở huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc được chủ nhân quyết giữ gìn và bảo tồn. Khách trả giá 20 tỷ đồng chủ cũng không bán.
Nằm sâu trong con ngõ nhỏ ở làng Sơn Kiệu, xã Chấn Hưng, huyện Vĩnh Tường, ngôi nhà "độc nhất vô nhị" được làm từ hàng ngàn chiếc đĩa cổ trở thành một điểm đến hút khách tham quan.
Ngôi nhà do ông Nguyễn Văn Trường (60 tuổi, hiện đã qua đời) tự tay thiết kế, lắp ghép với mong muốn căn nhà sẽ trở thành một di sản vô giá cho con cháu.
Nhiều năm trước, chủ nhân ngôi nhà độc lạ được nhiều người gắn cho biệt danh Trường "khùng" bởi kiếm được bao nhiêu tiền ông đều đổ hết vào đam mê những chiếc đĩa, bát cổ.
Nhìn từ bên ngoài vào trong, căn nhà của ông Trường toàn là đồ gốm sứ. Chúng được gắn lên tường một cách có chủ đích và là công sức suốt hơn 20 năm của gia chủ.
Bà Hồ Thị Nga (vợ ông Trường) đượm buồn khi nhắc đến người chồng mới qua đời.
Hình ảnh ông Trường lầm lũi mua từng cân xi măng rồi tìm vị trí để ghép những chiếc đĩa, bình hoa cổ... lên ngôi nhà đã quá thân thuộc mà giờ đây không còn nữa.
Bà Nga nhớ những lần ông mò mẫm đêm hôm đi khắp các tỉnh để tìm mua cho bằng được thứ ông thích rồi trở về với niềm vui sướng.
Bà kể rằng, ông Trường sau khi xuất ngũ về nhà đã làm nghề sơn, nhưng một cơ duyên nào đó đã đưa ông đến với đồ cổ.
"Đồ cổ làm khổ vợ con" - bà Nga nói đùa khi nhớ lại hàng chục năm theo dõi hành trình đam mê đồ cổ của chồng.
"Từ năm 1996, khi ông bắt tay vào xây ngôi nhà này, tôi phản đối lắm. Hàng xóm láng giềng đều cười chê nhưng ông ấy mặc kệ tất cả. Ban ngày ông ấy đi khắp nơi để mua đồ cổ, tối lại hì hục gắn từng thứ đó lên tường.
Người bán vật liệu xây dựng nhìn thấy ông ấy cũng chán bởi mỗi lần ông ấy chỉ mua dăm ba cân xi măng. Sau này có điều kiện hơn, ông ấy mới mua cả bao.
Tính đến bây giờ tôi cũng không đếm nổi ngôi nhà có bao nhiêu chiếc đĩa, chiếc bát nữa. Những đồng xu được ông ấy tích cóp rồi làm bậc thềm nhà, gắn vào vách đá nhiều vô kể. Mà thời ấy nhà tôi làm gì có điều kiện, cứ ở đâu nghe nói có đồ cổ là ông ấy xoay tiền mua cho bằng được, thậm chí còn vay mượn người làng, cắm cả sổ đỏ để thỏa đam mê", bà Nga kể.
Từ những bức tường vây quanh nhà, đến cổng, các cột nhà và toàn bộ tường xung quanh bao gồm cả mặt trong và mặt ngoài là hàng nghìn chiếc đĩa, bát được gắn kín.
Đĩa bát cổ được gắn có trật tự, đôi lúc được thực hiện rất ngẫu hứng.
Bà Nga chỉ tay lên gian giữa rồi nói: "Có những chiếc đĩa ông ấy mua từ 2-3 triệu đồng, có cái lên tới cả chục triệu.
Dù đồ cổ có giá trị nhưng nếu đã thích, ông ấy nhất quyết không bán mà để gắn lên tường. Mấy năm trước có người ở dưới thành phố Vĩnh Yên đề nghị đổi 1 nhà 5 tầng để lấy ngôi nhà này nhưng ông ấy không đồng ý".
Bà Nga tiếp lời: "Bây giờ, khách trả 20 tỷ tôi cũng không bán, đây là tâm huyết cả đời ông ấy và muốn lưu truyền lại cho con cháu. Chồng tôi đổ bao nhiêu công sức để làm nên ngôi nhà này. Nó là tài sản vô giá với gia đình tôi".
Ngoài những bát, đĩa cổ, các đồ gốm sứ khác như lọ, bình gốm, tượng cũng được gắn chi chít lên tường. Ngoài sân, không gian uống trà toát lên vẻ thanh bình, khách tham quan ngồi như lạc vào một không gian văn hóa...
Giờ đây, căn nhà được giữ gìn, trở thành nơi lui tới cho những ai yêu đồ cổ, muốn tìm về văn hóa truyền thống cội nguồn của dân tộc.
Bà Nga cho biết, đã có rất nhiều khách tới thăm ngôi nhà. Bà sẽ thực hiện ước nguyện của ông là bảo tồn công trình này. "Từng hòn sỏi, chiếc đĩa, đồng xu đều in dấu bàn tay và giọt mồ hôi của ông ấy", bà Nga nói.