Công khai doanh nghiệp chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội

Tiếp tục phiên thảo luận Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), có đại biểu đề nghị bổ sung quy định cơ quan có thẩm quyền thông báo tên, địa chỉ doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) trên các phương tiện thông tin đại chúng, cập nhật trên hệ thống cơ sở dữ liệu của các trung tâm giới thiệu việc làm, dịch vụ việc làm… để người lao động có thông tin trước khi ra quyết định làm việc.

Rõ trách nhiệm để bảo vệ tối đa quyền lợi người lao động

Chiều 27/5, tiếp tục chương trình làm việc, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho ý kiến vào dự thảo Luật BHXH (sửa đổi). Các ĐBQH cơ bản nhất trí với Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật BHXH (sửa đổi).

ĐBQH trong phiên họp chiều 27/5.

ĐBQH trong phiên họp chiều 27/5.

Đại biểu đánh giá cao việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Xã hội và các cơ quan của Quốc hội đã hết sức trách nhiệm trong việc tổ chức các hội thảo, làm việc với các cơ quan liên quan để làm rõ những vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật và đôn đốc Chính phủ rà soát, hoàn thiện hoàn thiện dự thảo luật với nhiều điểm tiến bộ.

ĐB Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) cho rằng, Luật BHXH là một đạo luật có ảnh hưởng lớn đến đời sống của hàng triệu lao động đã và đang làm việc, kể cả những người đã mất và gia đình họ. Do đó, việc nghiên cứu, xem xét các quy định của dự án Luật là đặc biệt quan trọng đối với Quốc hội, được cử tri cả nước quan tâm. Qua nghiên cứu dự thảo Luật và báo cáo tiếp thu, giải trình, đại biểu cơ bản đồng tình với nhiều nội dung đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề cập.

Trước đó, ĐB Đào Chí Nghĩa (TP. Cần Thơ) đề nghị bổ sung quy định người sử dụng lao động có trách nhiệm báo cáo tình hình đóng BHXH cho người lao động.

Về trách nhiệm của người sử dụng lao động tại Điều 12, ĐB Đào Chí Nghĩa đề nghị bổ sung quy định người sử dụng lao động có trách nhiệm báo cáo tình hình đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động hàng quý đến cơ quan có thẩm quyền để bảo đảm quyền lợi của người lao động. Đây cũng là hình thức kiểm tra, giám sát việc đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

ĐB Nguyễn Thị Thu Thủy (Bình Định) phát biểu cho rằng, các quy định về chậm đóng BHXH bắt buộc, trốn đóng BHXH bắt buộc và biện pháp xử lý từ Điều 37 đến Điều 40, đặc biệt tại Điều 41 về cơ chế đặc thù bảo vệ người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng BHXH cho người lao động đã được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng bảo vệ tối đa quyền lợi của người lao động. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, quy định này còn chưa tương thích với Luật Bảo hiểm y tế và với chính dự thảo Luật BHXH (sửa đổi).

Theo ĐB Nguyễn Thị Thu Thủy, cần nghiên cứu quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm và trách nhiệm của doanh nghiệp để bảo đảm không ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động hoặc có chế tài xử lý đối với doanh nghiệp đã vi phạm.

ĐBQH Vương Thị Hương (Hà Giang) cũng đề nghị quy định rõ hơn vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thực hiện chính sách BHXH nếu để tình trạng trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội BHXH gia tăng. ĐB kiến nghị, cần quy định chế độ công khai rộng rãi về thông tin tình hình nợ, số nợ, thời gian nợ, chậm đóng, trốn đóng BHXH của các tổ chức, doanh nghiệp này, để người lao động có thể theo dõi, có thêm thông tin trong việc lựa chọn tham gia thị trường lao động.

Nên giữ nguyên hành vi nghiên cấm chiếm dụng tiền đóng BHXH

ĐB Đặng Thị Bảo Trinh (Quảng Nam) quan tâm đến chính sách của Nhà nước đối với BHXH. Tại Điều 7, khoản 5 quy định, Nhà nước có chính sách hỗ trợ người tham gia BHXH tự nguyện. Mục tiêu đề ra là bao phủ các đối tượng tham gia BHXH đúng theo tinh thần Nghị quyết 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách BHXH.

Do vậy, ĐB Đặng Thị Bảo Trinh đề nghị xem xét chính sách hỗ trợ của Nhà nước không chỉ đối với người tham gia BHXH tự nguyện mà còn hỗ trợ đối với người tham gia BHXH bắt buộc trong một số trường hợp nhất định.

Người lao động trẻ hay rút bảo hiểm một lần.

Người lao động trẻ hay rút bảo hiểm một lần.

Đối với hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 8, khoản 2 quy định hành vi bị nghiêm cấm chiếm dụng tiền hưởng BHXH của dự thảo Luật, theo đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh là chưa đầy đủ nên đề nghị Ban soạn thảo dự thảo Luật nên giữ nguyên hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại khoản 3, Điều 17 Luật BHXH năm 2014, đó là chiếm dụng tiền đóng, hưởng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp.

Vì thực tế hiện nay, tình trạng các đơn vị sử dụng lao động chậm đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế cho người lao động nhưng vẫn trích từ tiền đóng của người lao động hàng tháng khi trả lương diễn ra phổ biến. Do đó, Luật cần thiết phải quy định hành vi cấm chiếm dụng tiền đóng BHXH, bảo hiểm tai nạn để có căn cứ xử lý vi phạm đối với hành vi này.

ĐB Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) cho rằng, cần lùi thời điểm xem xét, thông qua Luật BHXH sang Kỳ họp 8 để đảm bảo thận trọng, đánh giá đầy đủ tác động chính sách tiền lương mới đối với các quy định luật BHXH và lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động là đông đảo người lao động.

“Chúng ta không thể quyết định chính sách liên quan đến quyền lợi của người lao động dựa trên tiền của người lao động và người sử dụng lao động đóng góp trực tiếp mà bản thân họ lại không được tham gia ý kiến. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần chỉ đạo Chính phủ thực hiện đầy đủ việc lấy ý kiến người lao động để bảo đảm chính sách ban hành được khả thi, hiệu quả với nhiều chính sách tốt hơn, tiến bộ hơn so với Luật BHXH năm 2014” - ĐB Ma Thị Thúy nhấn mạnh.

Rõ trách nhiệm của tổ chức công đoàn xử lý hành vi chậm, trốn đóng BHXH

ĐB Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) quan tâm đến các quy định về hành vi trốn đóng, chậm đóng BHXH, phương án xử lý và trách nhiệm của các bên có liên quan.

ĐB đề nghị xem xét bổ sung các quy định liên quan đến nội dung xử lý hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH, trong đó quy định rõ hơn về trách nhiệm của cơ quan BHXH và sửa đổi, bổ sung dự thảo về quyền và trách nhiệm của tổ chức công đoàn nhằm góp phần tổ chức, thực hiện hiệu quả trong tổng thể các Luật có liên quan.

Bởi theo ĐB Huỳnh Thị Phúc, từ thực tiễn, các vướng mắc trong quá trình thực hiện quyền và trách nhiệm của các bên có liên quan trong việc tham gia ngăn chặn, xử lý các hành vi nêu trên đã có những quy định về quyền và trách nhiệm của tổ chức công đoàn với chức năng đại diện quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của của người lao động khi tham gia giải quyết tình trạng chậm đóng, nợ và trốn đóng BHXH.

Minh Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/cong-khai-doanh-nghiep-cham-tron-dong-bao-hiem-xa-hoi-151663.html