Công nghệ chiến tranh 'giá rẻ' đang thay đổi cuộc chơi
Sự xuất hiện của các loại vũ khí giá rẻ nhưng được sản xuất với số lượng lớn đang buộc các bộ máy quân sự phải tái cấu trúc để thích ứng. Đây sẽ là một thay đổi tất yếu trong bối cảnh các cuộc xung đột đang ngày càng có nguy cơ lan rộng.
Xung đột bất đối xứng
Tổng Tham mưu trưởng quân đội Pháp, tướng Thierry Burkhard từng phát biểu gay gắt tại Viện Montaigne như thế này: “Một sự thật cay đắng là khi chúng ta bắn hạ một chiếc Shahed bằng một tên lửa Aster, thực tế là Shahed đã “tiêu diệt” Aster”. Là sao? Vì một máy bay không người lái (drone) Shahed của Iran chỉ tốn 20.000 USD, trong khi tên lửa đánh chặn Aster của Pháp trị giá tới 1,5 triệu USD.
Bằng cách sử dụng đạn dược giá rẻ, lực lượng Houthi ở Yemen, chỉ với chi phí tối thiểu đã làm tiêu hao ngân sách của quân đội các nước tham gia, trong đó có Pháp, vốn đang tiến hành tuần tra tại Biển Đỏ. Họ đang tiến hành một cuộc xung đột bất đối xứng - không chỉ về mặt quân sự mà còn cả về tài chính.
Theo một nguồn tin quân sự, Houthi “đã áp dụng khái niệm lợi thế cạnh tranh” trong trường hợp này. Không thể đối đầu trực diện với kho vũ khí phương Tây, họ nhắm vào điểm yếu của đối phương để tạo ra hiệu ứng “áp lực kinh tế”. Ép đối thủ phải chi tiêu nhiều hơn để tự bảo vệ mình là cách tiêu hao không dễ chịu chút nào. Iran cũng đang áp dụng chiến thuật này. Ví dụ, việc Israel đánh chặn 330 thiết bị bay của Iran đêm 13 và 14/4/2024 đã tiêu tốn gấp 7 lần chi phí cho cuộc tấn công.
Tất nhiên, sự bất đối xứng trong quân sự không phải là điều mới mẻ. Có điều, mức chênh lệch chi phí hiện nay thì lớn chưa từng có. Nguyên nhân là do quân đội phương Tây đã chọn đầu tư vào các thiết bị cực kỳ tinh vi - và vì thế rất đắt đỏ - nhưng lại sản xuất với số lượng hạn chế. Thêm vào đó, sự đổi mới từ lĩnh vực dân sự được áp dụng vào quốc phòng ngày càng quan trọng. Các công nghệ dân sự có thể được ứng dụng cho mục đích quân sự, chẳng hạn như thiết bị bay không người lái hay kính nhìn đêm... Vì vậy, chúng ta đang chứng kiến sự đối đầu giữa các kho vũ khí của các nước tiên tiến như Israel, Mỹ hoặc Nga, với các kho vũ khí kém tiên tiến hơn nhưng có sự kết hợp giữa các phương tiện tinh vi như tên lửa với các phương tiện giá rẻ như drone, cho phép tạo ra ưu thế về số lượng.
Olivier Schimitt, giáo sư tại Trung tâm nghiên cứu chiến tranh và tác giả của cuốn sách “Chuẩn bị cho chiến tranh” chia sẻ: “Các công nghệ phát triển cho mục đích dân sự đang được sử dụng cho mục đích quân sự. Ví dụ, các phiến quân Syria năm 2011 đã sử dụng con quay hồi chuyển của một chiếc iPad kết hợp với phần mềm Google Maps và lắp ráp với súng cối từ những năm 70, tạo nên một vũ khí tấn công chính xác với chi phí thấp hơn tới 500 lần so với pháo thông thường”.
Nguồn tin quân sự cho hay, “binh lính Ukraine cũng đã gắn camera GoPro vào một xuồng máy với các thùng phuy chứa đầy thuốc nổ và thế là một tàu không người lái có thể tấn công tàu chiến Nga”. Những sáng tạo này đang tạo ra thách thức lớn đối với các hệ thống định vị tinh vi, đắt đỏ và có số lượng hạn chế.
Chiến trường bị thay đổi
Phương thức tác chiến, vì thế cũng đã thay đổi đáng kể với sự xuất hiện của công nghệ lưỡng dụng - công nghệ ứng dụng cho cả mục đích dân sự và quân sự. Drone là ví dụ điển hình nhất của loại công nghệ này. Nhà nghiên cứu Léo Péria-Peigné tại Trung tâm nghiên cứu an ninh của Viện Quan hệ quốc tế Pháp (IFRI) ghi nhận trong cuốn sách địa chính trị về vũ khí (Nhà xuất bản Cavalier Bleu): “Cuộc chiến năm 2020 giữa Afghanistan và vùng Thượng Karabakh cho thấy rằng có thể hình dung một cuộc xung đột thông thường ở cường độ cao, nơi các drone đóng vai trò quan trọng hơn nhiều”. Cuộc chiến Ukraine cũng đã khiến các bên phải đánh giá lại vai trò của thiết bị bay không người lái trong chiến tranh hiện đại.
Léo Péria-Peigné phân tích thêm: “Cường độ chiến đấu và mức độ thiệt hại là những tiêu chí đầu tiên cho phép nhanh chóng phân loại các thiết bị bay không người lái phù hợp cho một cuộc xung đột cường độ cao và những loại quá mỏng manh: Các drone quan sát chiến thuật cỡ lớn nhanh chóng rời khỏi chiến trường, nhường chỗ cho các thiết bị nhỏ hơn, thường có xuất xứ từ thị trường dân sự và được điều chỉnh tại chỗ để phục vụ nhiệm vụ quan sát cũng như tấn công ở cấp độ chiến thuật ngày càng nhỏ hơn”. Những thiết bị bay này có 2 lợi thế chính: Chi phí thấp và dễ dàng tiếp cận.
Drone giá rẻ đã trở thành công cụ chính trên chiến trường và hoạt động hiệu quả ở hậu phương, giúp tạo ra hiệu ứng tấn công diện rộng, rất có ích trong một cuộc chiến tiêu hao, nhưng nó cũng cần nhiều nhân lực. 40% các lữ đoàn Ukraine được chuyên môn hóa trong việc sử dụng drone. Tuy nhiên, drone cũng có nhược điểm là không thể mang tải trọng lớn và khó đạt độ chính xác cao, thay vào đó, chúng cho phép tạo áp lực lên hệ thống phòng không của đối phương, buộc họ phải triển khai cảm biến tại nhiều vị trí để phát hiện các thiết bị bay này. Từ năm 2021, Israel đã triển khai hệ thống “Vòm sắt” nhằm đánh chặn các tên lửa trong phạm vi từ 4 đến 70 km, nhưng hệ thống này đã bị chỉ trích nhiều về sự chênh lệch chi phí: một drone tấn công chỉ tốn khoảng 1 nghìn euro, trong khi một tên lửa đánh chặn tiêu tốn tới 50.000 USD.
Élie Tenenbaum, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu an ninh của Viện Quan hệ quốc tế Pháp giải thích: “Hệ thống phòng không ở phương Tây rất tinh vi, được thiết kế để ngăn chặn các tên lửa hiện đại và hiếm có. Phân khúc công nghệ giá rẻ lại chưa được chú trọng”. Thực tế, quân đội phương Tây chưa chuẩn bị tốt để đối phó với những mối đe dọa giá rẻ này. Các mô hình tác chiến của họ chủ yếu dựa vào những chiến dịch ngắn hạn - như Chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất - hoặc các cuộc viễn chinh quy mô nhỏ - như hoạt động của Pháp tại Mali - nơi đối thủ không sở hữu công nghệ cao.
Sự thích ứng khó khăn
Việc tiếp cận công nghệ chiến đấu giá rẻ đang đặt ra nhiều thách thức cho khả năng thích ứng của các bộ máy quân sự hiện có. Để đối phó, Israel đã phát triển hệ thống “Vòm sắt”, trong khi Nga đầu tư vào công nghệ gây nhiễu. Olivier Schmitt nhận định: “Mô hình quân sự phương Tây dựa trên việc nhanh chóng đạt được ưu thế trên chiến trường và một giải pháp chính trị phát sinh từ sự thay đổi tương quan lực lượng này. Việc giảm chi phí công nghệ đặt ra câu hỏi về chiến thắng, đây là một vấn đề vừa mang tính học thuyết, vừa mang tính trí tuệ, nhưng công việc này chưa được hoàn tất”. Cách tiếp cận này đang gặp thách thức do thời gian xung đột kéo dài - như ở Ukraine - và khả năng các nhóm vũ trang có thể làm thay đổi tương quan lực lượng.
Quân đội của các quốc gia châu Âu đã liên tục thu nhỏ quy mô kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, buộc họ phải tập trung vào một số khả năng nhất định. Lịch sử cho thấy, quân đội thường thích nghi với đối thủ bằng cách quan sát điểm yếu của đối phương, do đó, họ tập trung vào mối đe dọa. Nhưng, những người phương Tây, đã tự tin suốt 30 năm qua vào khả năng của chính mình, cơ bản vì thiếu đối thủ. Vì vậy, họ đã không thấy được sự xuất hiện của những mối đe dọa mới, chẳng hạn như sự xuất hiện của công nghệ giá rẻ này.
Các nước phương Tây đã đầu tư vào những công nghệ quân sự rất tiên tiến nhưng ngày càng đắt đỏ. Ví dụ, Pháp chỉ sở hữu 8 hệ thống phòng không MAMBA và một số hệ thống tên lửa CROTALE cũ, không đủ để chống lại các cuộc “tấn công bầy đàn” bằng máy bay không người lái. Việc chuyển đổi một bộ máy quân sự tất yếu là một quá trình dài. Sự trở lại của xung đột giữa các quốc gia tại Ukraine làm thay đổi cách đánh giá về các mối đe dọa và cách thức ứng phó với chúng. Sự nổi lên mạnh mẽ của các nhóm vũ trang như Houthi, Hamas và Hezbollah cũng vậy. Tuy nhiên, Élie Tenenbaum lưu ý rằng điều này trước mắt chỉ liên quan đến một số nhóm vũ trang ủy nhiệm. Để giải quyết vấn đề, cần có sự cân nhắc kỹ càng. Nguyên tắc ở đây, là nhắm vào kẻ bắn cung, chứ không phải mũi tên.
Ngoài ra, việc tích hợp các loại vũ khí ít tốn kém nhưng có số lượng lớn với các vũ khí tinh vi có thể được xem xét. Đây sẽ là câu trả lời cho câu hỏi cơ bản: Chúng ta muốn thỏa hiệp thế nào giữa chi phí và mức độ hiệu quả tác chiến? Olivier Schmitt kết luận: Cần phải tìm ra chiến thuật quân sự mới để cầm cự trong cuộc xung đột dạng này và điều chỉnh bộ máy công nghiệp làm sao cho phù hợp với điều đó. Hiện tại, vẫn chỉ đang ở giai đoạn đánh giá.
Và, đổi mới công nghệ chưa phải là yếu tố duy nhất làm thay đổi chiến trường. Các vũ khí thông thường như pháo hoặc xe tăng “giá rẻ” - hàm ý những loại vũ khí đã đến hạn loại biên - có thể tham gia làm thay đổi chiến trường bằng tác động đến từ số lượng lớn của chúng. Đây sẽ được coi là giải pháp ít tốn kém trong một cuộc xung đột tiêu hao, chủ yếu phải liên quan đến những kho vũ khí lớn. Tuy nhiên, việc thích ứng của các bộ máy quân sự vẫn là cần thiết khi mà việc sử dụng vũ lực từ nay không còn bị kiềm chế nữa.