Công nghệ F-7: Tiêm kích 'đồ cổ' Pakistan bắn hạ chiến đấu cơ hiện đại Ấn Độ?

Tiêm kích F-7 là bản sao chép và cải tiến từ tiêm kích MiG-21F-13, vốn là máy bay chiến đấu tầm ngắn nổi bật của Liên Xô trong thập niên 1960, được Trung Quốc phát triển với mã nội địa J-7, và phiên bản xuất khẩu là F-7.

Trong bối cảnh căng thẳng Ấn Độ - Pakistan vẫn chưa hạ nhiệt sau các cuộc đối đầu biên giới và không kích lẫn nhau mới đây, sự chú ý đang đổ dồn về sức mạnh không quân của hai quốc gia Nam Á này.

Trong khi Ấn Độ không ngừng hiện đại hóa với Rafale, Su-30MKI và các chương trình phát triển nội địa, Pakistan vẫn duy trì một lực lượng hỗn hợp với những máy bay chiến đấu hiện đại như JF-17 Thunder và F-16, nhưng cũng bao gồm các tiêm kích lỗi thời như Chengdu F-7, một dấu tích của quá khứ.

 Tiêm kích của Không quân Ấn Độ. Ảnh: TASS

Tiêm kích của Không quân Ấn Độ. Ảnh: TASS

Tiêm kích F-7 là bản sao chép và cải tiến từ tiêm kích MiG-21F-13, vốn là máy bay chiến đấu tầm ngắn nổi bật của Liên Xô trong thập niên 1960, được Trung Quốc phát triển với mã nội địa J-7, và phiên bản xuất khẩu là F-7.

Dù có một số nâng cấp nhỏ, F-7 vẫn giữ thiết kế khí động học cũ, như cửa hút gió mũi đặc trưng, cánh tam giác (delta wing) và thân nhỏ gọn; Trang bị động cơ phản lực WP-13 (phiên bản Trung Quốc của động cơ Tumansky R-13); Tốc độ tối đa đạt khoảng Mach 2.0, nhưng khả năng cơ động kém ở tốc độ thấp; Không có khả năng siêu cơ động hay bay ở tốc độ cao duy trì lâu như các tiêm kích thế hệ 4 hiện đại.

F-7PG - phiên bản nâng cấp với radar KLJ-6E, có khả năng phát hiện mục tiêu khoảng 40–50km, tăng nhẹ khả năng tấn công không đối không.

Loại tiêm kích này chỉ được trang bị thiết bị điện tử cơ bản, không có hệ thống tác chiến điện tử hiện đại, không hỗ trợ chiến đấu mạng trung tâm (network-centric warfare).

Vũ khí trang bị bao gồm pháo hai nòng 30mm Type 30-1; tên lửa không đối không PL-2, PL-5 hoặc PL-7 (tầm ngắn, dẫn hồng ngoại, tương đương AIM-9); bom rơi tự do và rocket hạng nhẹ cho nhiệm vụ đối đất; Không thể tích hợp tên lửa tầm trung hoặc dẫn đường chính xác, hạn chế nặng nề khả năng chiến đấu đa nhiệm.

Khung máy bay làm từ hợp kim nhôm cổ điển, không có thiết kế tàng hình, tiết diện phản xạ radar (RCS) lớn; Buồng lái đơn giản, chỉ một số biến thể F-7PG có màn hình HUD cơ bản và hệ thống đo xa bằng laser.

F-7 chỉ đáp ứng yêu cầu phòng không cơ bản của Pakistan khi Mỹ ngừng cung cấp F-16 giai đoạn cấm vận.

Tiêm kích F-7 của Không quân Pakistan.

Tiêm kích F-7 của Không quân Pakistan.

F-7 từng là phương tiện phòng không hiệu quả trong điều kiện công nghệ cũ, nhưng hiện nay đã trở thành lạc hậu nghiêm trọng trong bối cảnh chiến tranh hiện đại. Không quân Pakistan đã và đang loại dần F-7 khỏi biên chế, thay bằng các tiêm kích hiện đại như JF-17 Thunder hoặc có thể là J-10C của Trung Quốc trong tương lai.

Pakistan hiện có khoảng 75 chiếc F-16 đóng vai trò là phi đội máy bay chiến đấu chủ lực. Nước này cũng sở hữu tiêm kích đa nhiệm Mirage do Pháp sản xuất và tiêm kích Chengdu F-7 do Trung Quốc chế tạo để hỗ trợ chiến đấu.

Theo thông tin của truyền thông Pakistan, trong số các máy bay của Ấn Độ bị bắn hạ có cả tiêm kích Dassault Rafale do Pháp sản xuất. Một quan chức quân sự của Pháp cũng xác nhận thông tin này, tiết lộ Paris đang điều tra về khả năng có nhiều hơn một chiếc Rafale bị bắn hạ.

Trong khi đó, giới chức Ấn Độ chỉ thông báo về việc 3 tiêm kích bị rơi và không đưa ra bình luận cụ thể về thông tin của Pakistan.

Đào Cảnh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/tiem-kich-f-7-pakistan-do-co-trung-quoc-ban-ha-kich-hien-dai-an-do-2399046.html