Công nghệ giúp người dân không cần dùng giấy tờ công chứng khi giao dịch
Người dân sẽ không cần đưa cho cơ quan chức năng giấy tờ công chứng, mà chỉ cần một bằng chứng điện tử, phía cơ quan chức năng sẽ kiểm tra qua việc xác thực bằng chứng số.
Một trong những mục tiêu quan trọng của chuyển đổi số là các thủ tục hành chính, giao dịch tài chính, giáo dục hay y tế ngày càng chuyển sang trực tuyến. Để làm được điều này đòi hỏi định danh điện tử (Digital Identity) trở thành nền tảng hạ tầng thiết yếu.
Định danh điện tử là cách thức xác minh danh tính của cá nhân hoặc tổ chức trên môi trường số, nhằm đảm bảo độ tin cậy, an toàn cho mọi tương tác số.

Ứng dụng định danh phi tập trung quốc gia giúp quản lý danh tính tự chủ. Ảnh: Lê Minh Sơn
Tuy nhiên, mô hình định danh truyền thống, vốn tập trung vào một số ít cơ quan quản lý dữ liệu, đang bộc lộ nhiều hạn chế: nguy cơ rò rỉ dữ liệu, khó mở rộng, và thiếu tính linh hoạt trong quản lý thông tin cá nhân. Trước những thách thức đó, thế giới đang dịch chuyển mạnh mẽ sang một mô hình mới: định danh phi tập trung (Decentralized Identity – DID).
Định danh phi tập trung đang trở thành xu hướng toàn cầu
Trên thế giới, mô hình định danh phi tập trung (Decentralized Identity – DID) đang dần trở thành chuẩn mực mới. Thay vì để một cơ quan trung tâm kiểm soát toàn bộ dữ liệu định danh, DID cho phép mỗi người tự sở hữu và kiểm soát định danh của chính mình, thông qua công nghệ blockchain.
Một hệ thống DID bao gồm ba vai trò chính: Issuer (bên phát hành): cấp thông tin xác thực (credential), ví dụ: trường đại học cấp bằng tốt nghiệp; Holder (người sở hữu): là người giữ thông tin được cấp, có thể chia sẻ khi cần; Verifier (bên xác minh): Đơn vị có nhu cầu kiểm tra thông tin, chẳng hạn nhà tuyển dụng xác minh bằng cấp.
Mô hình DID hoạt động theo cơ chế không cần liên kết trực tiếp giữa bên phát hành và bên xác minh. Người dùng là trung tâm, tự quyết định chia sẻ thông tin gì, với ai, vào lúc nào. Các thông tin quan trọng như dữ liệu cá nhân được lưu trong ví cá nhân, còn các dữ liệu công khai (khóa công khai, định danh DID) được ghi trên hệ thống blockchain. Điều này giúp tăng tính riêng tư, bảo mật, linh hoạt, đồng thời vẫn đảm bảo khả năng xác minh minh bạch, không thể bị làm giả.
Trên phạm vi toàn cầu, rất nhiều cơ quan chính phủ và tổ chức đang thúc đẩy nhanh chóng việc triển khai hệ sinh thái định danh phi tập trung.
Liên minh châu Âu đã thông qua quy định eIDAS 2.0 vào tháng 4/2024, đặt nền móng cho Hệ sinh thái Danh tính Châu Âu (EUID) – yêu cầu các quốc gia thành viên phải triển khai ví ID (ID Wallet) vào năm 2026. EU cũng tài trợ các dự án quy mô lớn về ID phi tập trung, trải dài trên nhiều ngành và quốc gia.
Trung Quốc ra mắt RealDID vào tháng 12/2023, hệ thống định danh phi tập trung cấp quốc gia đầu tiên trên thế giới, xác minh danh tính 1,4 tỷ công dân bằng blockchain.
Từ tháng 8/2024, RealDID được triển khai tại Hong Kong để xác thực danh tính, văn bản giấy tờ, hỗ trợ giao dịch tài chính an toàn.
Tại Châu Á – Thái Bình Dương, các nước như Thái Lan, Philippines, Ấn Độ đang tích cực xây dựng khung ví ID. Nhật Bản đã hợp tác với EU trong triển khai hệ thống ví ID, trong khi Úc đã ban hành luật mới và công bố các chương trình tài trợ danh tính số.
Các quốc gia tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi (MENA) đang lên kế hoạch phổ biến ví ID rộng rãi như một phần trong chiến lược chuyển đổi số quốc gia.
Mỹ đang xây dựng hệ sinh thái ID quốc gia theo hướng dẫn từ từng bang, trong khi Canada là một trong những nước tiên phong nghiên cứu và ứng dụng định danh phi tập trung.
Người dân sẽ không cần dùng giấy tờ khi giao dịch, làm việc
Tại Việt Nam, hệ thống định danh và xác thực dữ liệu phi tập trung quốc gia (NDA DID), phát triển trên nền tảng blockchain công khai NDAChain, là hai sản phẩm của Trung tâm Sáng tạo, khai thác dữ liệu (Bộ Công an) công bố ngày 4/7 vừa qua.

NDAChain - Nền tảng chuỗi khối quốc gia; Ứng dụng định danh phi tập trung quốc gia là hai sản phẩm của Trung tâm Sáng tạo, khai thác dữ liệu (Bộ Công an). Ảnh: Lê Minh Sơn
NDA DID cho phép bất kỳ tổ chức phát hành nào (trường học, ngân hàng, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước…) tạo ra một định danh DID và lưu trữ trên NDAChain.
Sau đó, họ có thể cấp giấy tờ xác thực (Verifiable Credential – VC) cho người dùng, có thể là bằng cấp, giấy phép, hồ sơ y tế, hợp đồng... người dùng sẽ giữ các VC này trong ví cá nhân bảo mật. Khi cần xác thực với một bên thứ ba (Verifier), người dùng có thể tạo và chia sẻ bằng chứng điện tử (Proof) và bên xác minh có thể kiểm tra tính xác thực của thông tin một cách độc lập, minh bạch.
Hiểu một cách đơn giản, khi trường đại học cấp một “chứng chỉ điện tử” chứa thông tin về tấm bằng cho người học. Thông tin này được ký bằng khóa riêng của trường và người học giữ nó trong ví cá nhân.
Khi đi xin việc, người học không cần đưa bản sao bằng tốt nghiệp có công chứng, thay vào đó, người học tự tạo một bản bằng chứng điện tử và gửi cho nhà tuyển dụng.
Nhà tuyển dụng sẽ kiểm tra chữ ký số của trường trên NDAChain để biết chắc rằng đây đúng là người được cấp bằng, mà không cần liên hệ trực tiếp với trường.
Xây dựng nền tảng blockchain quốc gia NDAChain để bảo vệ dữ liệu công dânNDAChain được xây dựng với mục tiêu bảo vệ dữ liệu công dân, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và hỗ trợ toàn diện cho các mục tiêu chuyển đổi số quốc gia.
Mọi giao dịch diễn ra hoàn toàn độc lập, không cần tích hợp phức tạp giữa các hệ thống, đảm bảo riêng tư tuyệt đối, bảo mật dữ liệu cá nhân và tối ưu chi phí vận hành.
Nói một cách khác với hệ thống này người dân khi đi làm việc với cơ quan chức năng, tổ chức... sẽ không còn phải đưa ra các giấy tờ công chứng nữa mà chỉ cần đưa ra bằng chứng điện tử trong ví cá nhân của mình, các tổ chức sẽ tiến hành xác thực nó một cách nhanh chóng.