Công nghệ góp phần 'đưa đặc sản vùng cao ra thị trường số'
Công nghệ số giúp kết nối đặc sản vùng cao với thị trường, thúc đẩy thương mại điện tử, nâng cao kỹ năng số và hỗ trợ chuyển đổi số tại Lai Châu và miền núi.
Hội nghị Liên kết vùng tại Lai Châu diễn ra từ ngày 24 - 25/5/2025 là sự kiện nổi bật trong khuôn khổ chuỗi hoạt động "Thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử Vùng Trung du và miền núi phía Bắc".
Tại hội nghị, nhiều giải pháp công nghệ số và các sản phẩm đặc trưng vùng miền được trưng bày, góp phần thúc đẩy phát triển thương mại điện tử (TMĐT) và kết nối các địa phương miền núi với thị trường trong nước.
Công nghệ số đến gần hơn với người dân vùng cao
Trong khuôn khổ hội nghị, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã phối hợp với các đơn vị tổ chức nhiều hoạt động phong phú như hội thảo chuyên đề, Mega Livestream trên TikTokShop, lớp đào tạo kỹ năng số cho hợp tác xã, hộ kinh doanh và thanh niên khởi nghiệp. Những hoạt động này không chỉ giúp quảng bá sản phẩm vùng cao tới người tiêu dùng trên toàn quốc, mà còn tạo cơ hội để người dân địa phương tiếp cận, ứng dụng công nghệ trong sản xuất và kinh doanh.

Khu trưng bày các giải pháp công nghệ số trong thương mại điện tử của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số. Ảnh: Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số
Điểm nhấn nổi bật trong sự kiện là triển lãm các mô hình công nghệ số và các sản phẩm đặc trưng vùng miền, với sự tham gia của 50 gian hàng. Triển lãm không chỉ giới thiệu những sản phẩm đặc sản nổi tiếng của các tỉnh miền núi, mà còn trình diễn các giải pháp công nghệ số tiên tiến, đặc biệt là những giải pháp phù hợp với điều kiện đặc thù của các tỉnh miền núi.
Các giải pháp này bao gồm nền tảng quản lý thương mại điện tử, công cụ thanh toán trực tuyến và hệ thống hỗ trợ xuất khẩu trực tuyến, giúp thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số tại các địa phương và gia tăng giá trị các sản phẩm đặc sản vùng cao.
Tại gian trưng bày, doanh nghiệp và người dân Lai Châu được giới thiệu các giải pháp công nghệ mới. Đồng thời, họ được hướng dẫn cách áp dụng các giải pháp này vào hoạt động kinh doanh để đạt hiệu quả cao nhất với sản phẩm của mình.
Sự kiện lần này đã giới thiệu đến cộng đồng một loạt giải pháp đáng chú ý, eClass (Đào tạo về thương mại điện tử), CeCA (Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam), Trust.gov.vn (Xác thực gian hàng thương mại điện tử uy tín), Truyxuat.gov.vn & Votas.vn (Giải pháp xác thực hàng chính hãng), Vietnamexport & ECVN (Hệ sinh thái xuất khẩu trực tuyến), Tuhaoviet.vn (Kết nối hàng Việt trên sàn thương mại điện tử), Ekip.vn (Thiết kế Website bán hàng), Vsign.vn (Chữ ký số từ xa).
Mặc dù sở hữu nhiều đặc sản vùng miền có tiềm năng phát triển thương mại mạnh mẽ, Lai Châu vẫn gặp khó khăn do hạ tầng công nghệ và logistics chưa đồng bộ, đặc biệt tại các xã vùng sâu vùng xa. Doanh nghiệp địa phương còn hạn chế trong kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử, thiếu công cụ tiếp thị trực tuyến và chiến lược marketing số hiệu quả.

Triển lãm trình diễn các giải pháp công nghệ số tiên tiến, đặc biệt là những giải pháp phù hợp với điều kiện đặc thù của các tỉnh miền núi. Ảnh: Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số
Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Giám đốc Trung tâm Phát triển Thương mại điện tử và Công nghệ số (eComDX) chia sẻ, không chỉ Lai Châu mà nhiều tỉnh miền núi cũng đang gặp khó trong việc nắm bắt các chính sách thương mại điện tử mới và kỹ năng bán hàng trực tuyến. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc hỗ trợ và đào tạo nguồn nhân lực thương mại điện tử tại địa phương.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thương mại điện tử
Để khắc phục tình trạng thiếu hụt kỹ năng và kiến thức trong việc ứng dụng thương mại điện tử tại các tỉnh, Giám đốc eComDX cho biết, trung tâm đang tập trung vào công tác đào tạo, giúp doanh nghiệp và người dân trên khắp cả nước có thể áp dụng các giải pháp công nghệ vào hoạt động kinh doanh của mình. Với điều kiện đi lại khó khăn và việc tiếp cận các lớp đào tạo trực tiếp không thuận tiện, trung tâm sẽ cung cấp các khóa học trực tuyến, giúp các doanh nghiệp và người dân ở mọi nơi có thể tham gia và nâng cao kỹ năng thương mại điện tử một cách dễ dàng.
Cụ thể, trong thời gian tới, eComDX sẽ tiếp tục đẩy mạnh đào tạo, đặc biệt thông qua hình thức trực tuyến để phù hợp với điều kiện đi lại khó khăn tại vùng cao. Các chương trình sắp tới sẽ được thiết kế thực tiễn xoay quanh bốn trụ cột: Go Online, Go Export, Go AI, Go Right.
Tham gia vào Triển lãm công nghệ số về thương mại điện tử tại Lai Châu là một trong những nỗ lực của Trung tâm Phát triển thương mại điện tử và Công nghệ số trong việc xây dựng hệ sinh thái thương mại điện tử vững mạnh, nhằm thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số tại các tỉnh miền núi và vùng sâu. Đây không chỉ là cơ hội để các doanh nghiệp địa phương phát triển bền vững trong kỷ nguyên số mà còn thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số, rút ngắn khoảng cách số giữa các khu vực.

Nhiều giải pháp công nghệ số và các sản phẩm đặc trưng vùng miền được trưng bày. Ảnh: Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số
Theo ông Nguyễn Hữu Tuấn, việc đưa công nghệ số đến gần hơn với người dân miền núi sẽ không chỉ nâng cao năng lực sản xuất - kinh doanh mà còn thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số toàn diện. Sự kiện triển lãm tại Lai Châu là một bước đi cụ thể trong việc hiện thực hóa tầm nhìn về xây dựng hệ sinh thái thương mại điện tử vững mạnh tại các địa phương khó khăn.
Hội nghị Liên kết vùng tại Lai Châu đã thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước, cũng như người dân từ nhiều tỉnh, thành khác nhau. Thông qua chuỗi hoạt động này, Bộ Công Thương mong muốn cùng đồng hành với các tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc thúc đẩy mô hình “mỗi sản phẩm đặc sản là một thương hiệu số”, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế bền vững và lan tỏa giá trị văn hóa bản địa.